Khuyến nghị bán MSN, đầu tư ngắn hạn BBC, đánh giá cao VSC
(Vietstock) – Cổ phiếu MSN được CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) khuyến nghị bán, còn cổ phiếu BBC được CTCP Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá thích hợp cho đầu tư ngắn hạn. VSC là doanh nghiệp được CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (HOSE: SBS) cho rằng chắc chắn sẽ hoàn thành kế hoạch 2011.
BBC: Thị giá bằng 29% giá trị sổ sách
Ngày 15/11, CTCP Chứng khoán Vietcombank (VCBS) phát hành báo cáo phân tích cổ phiếu của CTCP Bibica (HOSE: BBC). Tại thời điểm phát hành, giá đóng cửa của BBC chỉ bằng 29% giá trị sổ sách.
Theo báo cáo, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm của BBC đạt 645.7 tỷ đồng, tăng trưởng 33.5% so với cùng kỳ năm 2010. Lợi nhuận sau thuế đạt 24.5 tỷ đồng, tăng trưởng 63.3% và mới thực hiện được 52% kế hoạch năm. VCBS nhận định chi phí bán hàng, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp là thách thức trong việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm của BBC.
Trong năm 2011, các nhóm sản phẩm chủ lực vẫn giữ được vai trò trong cơ cấu doanh thu, nhóm kẹo tăng trưởng 30%, layer cake tăng 10% và nhóm sản phẩm dinh dưỡng tăng trưởng 15%. Ngoài ra, sản phẩm mới Lotte Pie cũng được người tiêu dùng đánh giá cao với mức tăng trưởng 60% so cùng kỳ.
VCBS dự báo, trong quý 4 BBC sẽ đạt khoảng 21 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Lợi nhuận trước thuế cả năm ước đạt 50.5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 42 tỷ đồng, P/E dự phóng 3.8 lần.
Giá đóng cửa của BBC ngày 15/11 là 10,300 đồng, chỉ bằng 29% giá trị sổ sách, bằng 47.5% giá cổ phiếu được xác định bằng trung bình 4 phương pháp (P/E, P/B, P/Sales, EV/EBIT) và thấp hơn 1,137 đồng so với phương pháp P/E cho thấy độ an toàn tương đối cao cho chiến lược đầu tư cổ phiếu BBC trong ngắn hạn. Xem báo cáo chi tiết
MSN: Khuyến nghị bán
Trong báo cáo phân tích phát hành ngày 16/11, CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) khuyến nghị bán ra cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN).
Theo báo cáo của TVSI, trong chiến lược chọn ngành hoạt động, MSN nhắm đến việc tham gia vào các ngành, lĩnh vực mà công ty trong nước thuộc khu vực kinh tế tư nhân có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nhà nước và các công ty đa quốc gia. Chiến lược thực thi của MSN là tập trung vào một vài dự án nhưng chú ý vận hành thật tốt và hiệu quả để đạt được vị thế dẫn đầu trên thị trường.
Trong quá trình hoạt động, những rủi ro mà MSN có thể gặp phải như nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu. Vì vậy, hoạt động của công ty phụ thuộc vào giá thế giới và tỷ giá; cạnh tranh trên các thị trường sản phẩm (nước mắm, mì ăn liền, cà phê hòa tan…) hiện nay rất gay gắt; lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản bị phụ thuộc nhiều vào những quy định, chính sách của Chính phủ, do đó rủi ro về chính sách là điều cần phải lưu ý .
Về mặt ưu điểm, MSN sở hữu hệ thống phân phối với hơn 168 nhà phân phối và hơn 140,000 điểm bán hàng. So với hai nhà cung cấp hàng hóa lớn khác trong nước là Vinamilk (HOSE: VNM) và Unilever, hệ thống phân phối của MSN được đánh giá là lớn mạnh hơn.
Bên cạnh đó, sự tham gia của các cổ đông nước ngoài là một lợi thế cho MSN tiếp cận nguồn vốn từ thị trường nước ngoài. Công ty đã có được nguồn vốn vay dài hạn đáng kể từ một số tổ chức tài chính lớn như IFC.
Dòng tiền ổn định từ hoạt động kinh doanh chính cộng với hoạt động tài chính hiệu quả đã giúp cho MSN có lượng tiền mặt tương đối tốt. Đây cũng chính là lợi thế để công ty thực hiện một số thương vụ M&A trong thời gian qua như mua lại dự án Núi Pháo và gần đây nhất là thương vụ mua lại Vinacafé Biên Hòa (HOSE: VCF).
Trên sàn niêm yết hiện nay, chỉ có CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk (HOSE: VNM) có quy mô tương đương với MSN. Mức P/E hiện tại của VNM là 12.47, gần sát so với mức P/E hiện tại của MSN là 13. Mức P/E của MSN sẽ điều chỉnh bằng với P/E hiện tại của VNM, EPS hiện tại của MSN (ngày 04/11) là 6,202 đồng, vậy giá của cổ phiếu MSN ở mức 82,000 đồng. Đây là mức giá thấp hơn nhiều so với mức giá hiện tại của công ty là 126,000 đồng. Do đó, TVSI khuyến nghị bán cổ phiếu MSN.
VSC: Chắc chắn hoàn thành kế hoạch năm 2011
CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (HOSE: SBS) khẳng định trong báo cáo phát hành ngày 14/11, CTCP Container Việt Nam (HOSE: VSC) sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2011.
9 tháng đầu năm, VSC công bố 426 tỷ đồng doanh thu và 150 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đều tăng 18% so cùng kỳ năm 2010. Tăng trưởng doanh thu được hỗ trợ bởi 10% phí dịch vụ và 7% sản lượng xếp dỡ nhờ chất lượng dịch vụ và mối quan hệ kinh doanh lâu năm.
SBS cho rằng quý 4 vẫn là thời gian lạc quan đối với hoạt động của các công ty khai thác cảng. Đây là mùa cao điểm cho các hoạt động xuất khẩu, điều này đảm bảo nhu cầu cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Với thị phần 25% tại Hải Phòng (đối với hàng container), VSC kỳ vọng sẽ duy trì kết quả khả quan trong quý 4 tương đương những quý trước.
Theo SBS, công ty này sẽ hoàn thành mục tiêu năm 2011. Chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế tương ứng 480 tỷ đồng và 185 tỷ đồng. SBS dự phóng doanh thu cả năm của VSC sẽ đạt 616 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng.
Sang năm 2012, SBS dự phóng VSC sẽ đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế tương ứng 679 tỷ đồng và 204 tỷ đồng.
Hiện nay, VSC vận hành khoảng 85 – 90% công suất, điều này đã giới hạn sự tăng trưởng của doanh thu từ khối lượng hàng hóa xếp dỡ. Vì vậy, ban lãnh đạo công ty có kế hoạch phát triển thông qua mua lại các cổ phần ở các cảng khác.
Trong thời gian tới, VSC có kế hoạch xây dựng trung tâm logistic tại ĐÌnh Vũ (Hải Phòng), hiện công ty đã tiến hành thủ tục cấp phép sử dụng 10 ha đất. Dự án này được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của công ty.
SBS nhận thấy rằng, VSC có chiến lược phát triển thông qua việc mua lại thay vì tăng trưởng cơ bản. VSC đã mua 3.5 triệu cổ phiếu (15.55%) của CTCP Cảng dịch vụ Dầu khí Đình Vũ (UPCoM: PSP) bằng mệnh giá và có thể sẽ mua thêm 15% với chi phí ít nhất là 35 tỷ đồng. VSC có kế hoạch cải thiện kế hoạch kinh doanh của PSP bằng cách nắm giữ phần lớn trong PSP. Xem báo cáo chi tiết
Mạnh Kiên



Xem bài viết: Khuyến nghị bán MSN, đầu tư ngắn hạn BBC, đánh giá cao VSC