TTCK chờ cuộc "đại phẫu" bắt đầu từ 2012
TTCK được kỳ vọng sẽ có những thay đổi về chất trong năm 2012 sau khi UBCK công bố chi tiết gói giải pháp hỗ trợ TTCK từ nay đến hết năm 2012.
Công bố chi tiết gói giải pháp hỗ trợ TTCK từ nay đến hết năm 2012 với điểm nhấn đáng chú ý là nêu cụ thể việc gì sẽ được thực hiện trong thời gian nào, UBCK đang gây áp lực cho chính mình. Nhưng thái độ ứng xử này lại là điều thị trường đang rất cần. Với khối lượng công việc dày đặc và không kém phần tham vọng mà UBCK đề ra, thị trường đang kỳ vọng sẽ có những thay đổi về chất trong năm 2012, dẫu diễn biến vĩ mô vẫn là nhân tố quyết định và được dự báo sẽ còn không ít khó khăn.
Gia tăng nguồn lực tài chính
"Cơ thể yếu…" là hình ảnh mà Chủ tịch UBCK Vũ Bằng dùng để mô tả hiện trạng TTCK. Sự khó khăn kéo dài của TTCK thể hiện rõ nét qua nhiều con số: so với đầu năm nay, hiện VN-Index sụt giảm 16 - 17%; khối lượng giao dịch giảm tới 40 - 50% so với cùng kỳ. Số công ty niêm yết lỗ liên tục tăng, từ 60 công ty trong I/2011 tăng lên 80 công ty trong quý II và con số này trong quý III/2011 là gần 100 công ty. Trong số những DN có lãi, thì có tới 60% công ty có lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hiện tại, có 71/105 CTCK bị lỗ luỹ kế, với số lỗ lên đến 2.000 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với số lỗ của một thời điểm "đen tối" khác là năm 2008…
Định hướng đột phá của Nghị quyết Trung ương 3, khoá XI là phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó tập trung vào tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính, với việc tái cấu trúc hệ thống NHTM và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty. Theo ông Bằng, tự thân quá trình này sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của TTCK. Đơn cử như để tái cấu trúc NHTM thì không thể không giảm gánh nặng tài trợ vốn cho nền kinh tế và DN của khối này. Khi đó, TTCK sẽ là sự lựa chọn tối ưu để san sẻ nhiệm vụ cung cấp vốn và điều này sẽ không thể hiệu quả nếu thị trường vẫn ở trong trạng thái èo uột như hiện tại.
Chủ tịch UBCK cho biết, UBCK đang tích cực tìm kiếm cơ chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc đưa ra các giải pháp phù hợp, nhằm hỗ trợ TTCK phát triển bền vững. Trong đó, tập trung rà soát kỹ lưỡng vấn đề tín dụng cho chứng khoán nhằm tạo nguồn hợp lý thay vì siết đồng loạt như hiện tại. Hai bên cũng sẽ tính toán để tìm giải pháp tối ưu cho hệ thống thanh toán chứng khoán, bởi thực tế việc tách bạch toàn bộ tài khoản tiền của NĐT sang ngân hàng quản lý đang gặp không ít khó khăn cả trên thực tế lẫn pháp lý. Do vậy, Bộ Tài chính, UBCK đang tính đến phương án Trung tâm Lưu ký sẽ là đầu mối quản lý tiền của NĐT, vì có nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát, đảm bảo an toàn tiền gửi của NĐT. Dĩ nhiên, phương án này phải được sự đồng thuận của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan.
Để thị trường có thêm nguồn lực, Chủ tịch UBCK cho biết, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có hình thức hỗ trợ về thuế cho DN, NĐT, nhất là tiếp tục kéo dài việc miễn giảm thuế quy định tại Nghị quyết 08/2011/QH13 của Quốc hội về bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và cá nhân.
Hút thêm vốn ngoại
Năm 2010, vốn gián tiếp đầu tư vào Việt Nam khoảng 1 tỷ USD thuần, năm 2009 là gần 300 triệu USD, năm 2008 nguồn vốn này chảy ra 2 tỷ USD. Đầu năm nay, nguồn vốn này vào nước ta vẫn khả quan, có thời điểm đạt 500 triệu USD, dù tháng 9 và 10 có điều chỉnh, nhưng hiện vẫn dương.
Để cụ thể hoá chiến lược thu hút và giữ chân dòng vốn ngoại, ông Bằng cho hay, Đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp đã trình Thủ tướng Chính phủ và dự kiến ban hành trong quý IV này. Ngoài phân định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quản lý dòng vốn ngoại, những biện pháp nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính khi nhà đầu tư nước ngoài triển khai các hoạt động đầu tư tại Việt Nam cũng đã được đề cập cụ thể. Để tránh tạo áp lực cho thị trường khi năm 2012 nhiều quỹ đóng đến hạn thanh lý, UBCK đang xây dựng phương án trình Bộ Tài chính cho phép chuyển từ quỹ đóng sang mở.
Đặc biệt, UBCK đang chuẩn bị cho phép triển khai quỹ mở, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư BĐS, quỹ hưu trí tự nguyện… Trong đó, quỹ mở dự kiến sẽ được phép thành lập ngay trong cuối năm nay hoặc muộn nhất là đầu năm sau, bởi dự kiến Thông tư về quỹ mở sẽ được ban hành trong quý IV/2011 và các loại hình quỹ khác ban hành trong khoảng quý I - III/2012.
"Nhiều NĐT nước ngoài, điển hình như các quỹ Prudental, HSBC… đang rất nóng lòng chờ quỹ mở ra đời để triển khai các hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Qua tiếp xúc, họ cho biết, đã chuẩn bị các nguồn lực từ 6 tháng nay", ông Bằng nói.
Trong năm 2012, cơ quan quản lý còn triển khai nhiều giải pháp khác để đa dạng hoá kênh đầu tư, nhằm thu hút NĐT nước ngoài. Trong đó, ngoài ưu tiên nghiên cứu để đưa vào giao dịch các sản phẩm ETF tại các Sở GDCK, sẽ chú trọng tái cấu trúc hàng hoá trên thị trường trái phiếu chính phủ, triển khai chương trình thí điểm hoán đổi trái phiếu kết hợp với phát hành lô lớn. Đề án phát triển TTCK phái sinh cũng đang được xây dựng để trình Chính phủ phê duyệt trong năm 2012.
Tái cấu trúc CTCK
Với việc lần đầu tiên công bố kế hoạch xây dựng Đề án tái cấu trúc CTCK với nhiều bước đi mạnh mẽ, UBCK đang thể hiện quyết tâm "tăng lực" cho khối CTCK. Đề án này được thực hiện trong hai giai đoạn: từ năm 2012 - 2013 và 2013 - 2015, trong đó giai đoạn 1 được triển khai qua hai bước.
Thứ nhất, từ nay đến ngày 1/4/2012, thời điểm Thông tư 226/2010/TT-BTC về chỉ tiêu an toàn tài chính (ATTC) và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu ATTC có hiệu lực, UBCK có các giải pháp chủ yếu gồm: tăng cường kiểm tra, giám sát các CTCK có tình hình tài chính yếu; yêu cầu công ty kiểm toán báo cáo cho UBCK các CTCK có dấu hiệu bất ổn tài chính; buộc CTCK giải trình rõ nguyên nhân năng lực tài chính yếu và có giải pháp khắc phục...
"Sau khi kiểm tra trực tiếp tại 40 CTCK trong tháng 7 - 8 vừa qua và mới đây kiểm tra thêm 10 CTCK, trong tuần này, UBCK sẽ họp với HĐQT các CTCK để có biện pháp xử lý các công ty không đảm bảo chỉ tiêu ATTC, trong đó có yêu cầu rút bớt nghiệp vụ môi giới. Khi nào khắc phục được tình trạng không đảm bảo ATTC, UBCK sẽ xem xét cho phép CTCK khôi phục nghiệp vụ này. Một giải pháp gián tiếp cũng đang được UBCK triển khai là chỉ đạo các Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký có hình thức thông tin phù hợp về hiện trạng sức khoẻ tài chính của các CTCK để thị trường biết và cân nhắc", ông Bằng nói.
Thứ hai, 1/4/2012 - 2013 sẽ áp dụng các chế tài mạnh được quy định tại Thông tư 226/2010, trong đó có đình chỉ hoạt động đối với CTCK nếu không đảm bảo chỉ tiêu ATTC. Cùng với đó, UBCK sẽ áp dụng bộ tiêu chuẩn CAMELS đang được xây dựng và sắp ban hành để tiếp tục phân nhóm nhỏ hơn các CTCK trên cơ sở 3 nhóm hiện tại, nhằm đánh giá kỹ lưỡng mức độ an toàn tài chính của các CTCK.
Trên cơ sở kết quả xử lý các CTCK không đảm bảo ATTC, giai đoạn 2 của Đề án sẽ tập trung tái cơ cấu toàn bộ CTCK, kể cả các công ty lớn, dựa trên 3 trụ cột: đảm bảo ATTC theo Thông tư 226/2010; nâng cao năng lực quản trị công ty và khả năng nhận diện, xử lý rủi ro. Hoạt động tái cấu trúc, theo lãnh đạo UBCK, phải xuất phát từ cả hai phía là CTCK và cơ quan quản lý. UBCK sẽ áp dụng cả biện pháp kinh tế và hành chính, trong đó trọng tâm là giải pháp kinh tế để đảm bảo quá trình tái cấu trúc thành công. Giải pháp hành chính chủ yếu là áp dụng chặt chẽ Thông tư 226/2010 để đưa các CTCK không đảm bảo ATTC vào diện kiểm soát và buộc phải có biện pháp khắc phục bằng cách bán tài sản xấu, khoanh nợ, thu hẹp hoạt động...
Việc tái cấu trúc CTCK, theo ông Bằng, tất yếu phải giảm số lượng, bởi với 105 CTCK hiện tại là khá nhiều so với quy mô TTCK. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh thời gian qua, trong đó có tình trạng "xé rào" triển khai một loạt sản phẩm, dịch vụ mà pháp luật chưa cho phép.
Hữu Hòe
Đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: TTCK chờ cuộc "đại phẫu" bắt đầu từ 2012