Vietstock Weekly 21 - 25/11: Thận trọng để nhận diện tâm lý “bi quan cùng cực”
(Vietstock) – Kết thúc của chuỗi ngày bán tháo này sẽ là một đợt “bi quan cùng cực”, mà chúng ta có thể nhận diện qua các tín hiệu giao dịch kỹ thuật.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN QUA
VN-Index tiếp tục có tuần giao dịch sụt giảm mạnh khi mất 4.21% và lùi về 379.62 điểm; HNX-Index giảm 2.23% đứng tại 62.18 điểm; trong khi chỉ số VS 100 cũng tuột mất 2.00%.
Như vậy, HNX vẫn đang trên đường tìm kiếm ”kỷ lục” mới và VN-Index đã phá ngưỡng hỗ trợ ”nhạy cảm” 380 điểm.
Các chỉ số Market Cap đều sụt giảm mạnh trong tuần qua. VS-Small Cap giảm điểm ít nhất nhưng cũng mất 3.06%, tiếp theo là VS-Micro Cap giảm 3.40%, VS-Large Cap giảm 3.75% và VS-Mid Cap giảm mạnh nhất 4.73%.
Tính chung cả tuần giao dịch, thanh khoản thị trường đã hồi phục trở lại nhờ lực cấu bắt đáy. Tổng khối lượng khớp lệnh trên HOSE tăng mạnh 20.8% và tăng 9.6% trên HNX so với tuần trước.

Cổ phiếu Large Cap và Mid Cap sụt giảm mạnh là yếu tố chủ đạo kéo hai chỉ số tiếp tục lùi sâu về các mức hỗ trợ mới. Điều này phần nào đã tác động rất tiêu cực đến tâm lý giao dịch của giới đầu tư.
Lệnh bán lô lớn tiếp tục xuất hiện khá dày đặc trong các phiên giao dịch, và rất có thể xuất phát từ hoạt động giải chấp. Mặc dù chịu áp lực lớn từ hoạt động bán “Magin Call” nhưng thị trường vẫn giao dịch khá ổn định và không có sự hoảng loạn trên diện rộng của bên bán, trong khi bên mua vẫn duy trì lực mua ở mức giá thấp.
Các chỉ số vẫn tiếp tục sụt giảm trong phiên giao dịch cuối tuần, nhưng điểm tích cực là khối lượng khớp lệnh đã gia tăng trở lại sau chuỗi ngày liên tiếp sụt giảm kể từ phiên đầu tuần.
Giá cổ phiếu sụt giảm liên tục đã hấp dẫn một bộ phận dòng tiền bắt đáy trở lại, giúp hấp thụ lượng cổ phiếu lớn giải chấp, đồng thời tạo sự hưng phấn ở một số phiên giao dịch.
Giao dịch thỏa thuận diễn ra khá sôi động, trong đó SHB có giao dịch tăng đột biến với gần 14 triệu đơn vị được sang tay. Các cổ phiếu có giao dịch thỏa thuận lớn tiếp theo là HAG với hơn 10 triệu cổ phiếu, MSN với 5 triệu đơn vị, AVF 3.6 triệu đơn vị, QCG 2.84 triệu đơn vị và KAC 1 triệu đơn vị. Việc giao dịch thỏa thuận liên tục diễn ra với tuần suất dày đặc và khối lượng lớn đang làm dấy lên câu hỏi về xu hướng M&A trong bối cảnh thị trường khó khăn và ”rẻ rúng”.
Ngân hàng bất ngờ là 1 trong 2 ngành có cải thiện điểm số trong tuần khi tăng 1.89%, ngành còn lại là Nông lâm ngư nghiệp tăng 1.92%. Các ngành nóng đều sụt giảm khá mạnh khi Bất động sản mất tới 7.5%, Xây dựng mất 3.65% và Chứng khoán mất 2.53%.
Khối ngoại đã bán ròng 100 tỷ đồng trên cả hai sàn, bao gồm bán ròng 122 tỷ đồng trên HOSE và mua ròng 22 tỷ đồng trên HNX. Trên HOSE, khối ngoại bán ròng mạnh nhất VIC với giá trị 39.4 tỷ đồng, trong khi mua ròng mạnh nhất FPT với giá trị 28.8 tỷ đồng. Như vậy, khối khối ngoại đã bán ròng trở lại VIC sau một tuần thu gom mạnh mẽ. Trên HNX, KLS được mua ròng mạnh nhất cũng chỉ có 7.4 tỷ đồng, trong khi PVI bị bán ròng mạnh nhất nhưng chỉ với 1.1 tỷ đồng.
II. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN 21 – 25/11/2011
Trong tuần, một thông tin gây “sốc” cho giới tài chính ngân hàng là NHNN công bố các biện pháp xử lý tại HDBank sau khi thanh tra vụ việc vượt trần lãi suất tại ngân hàng này. Với các biện pháp xử lý rất nặng và chưa có tiền lệ, NHNN đang phát đi thông điệp cực kỳ cứng rắn và mong muốn quyết liệt hạ lãi suất bằng mọi biện pháp.
Với sự quyết liệt này, rất có thể mặt bằng lãi suất huy động (thực) sẽ giảm xuống trong thời gian tới; và dù là hệ quả của biện pháp hành chính, đây nhìn chung là tiến triển tích cực đối với chứng khoán.
NHNN cũng đã ban hành văn bản cho phép 4 nhóm đối tượng dư nợ bất động sản được loại trừ khi tính tỷ trọng tín dụng phi sản xuất. Trong tuần, chúng tôi đã có nhận định rằng điều này sẽ giúp các ngân hàng bớt áp lực hơn trong việc kéo giảm tỷ trọng dư nợ phi sản xuất về 16% vào cuối năm, nhưng nhìn chung tác động tích cực là không đáng kể. Trên thực tế, thị trường đã không hề có phản ứng khả quan nào sau động thái này.
Thông tin quan trọng nhất liên quan đến bất động sản là các biện pháp đề xuất từ Bộ Xây dựng và NHNN. Chính phủ yêu cầu phải báo cáo trước ngày 15/11, tuy nhiên hiện vẫn chưa có thông tin nào được công bố rộng rãi. Điều đáng ngại nhất trên thị trường bất động sản hiện này là tâm lý chờ đợi giảm giá thêm nữa ở người mua, vốn có thể bào mòn sâu hơn dòng tiền của doanh nghiệp tiềm lực yếu.
Thông tin chính thức về CPI tháng 11 của cả nước sẽ được công bố vào tuần tới. Chúng tôi đã nghe thấy những thảo luận xung quanh chủ đề CPI tháng 11 với mức tăng nằm trong khoảng 0.3% - 0.5%. Nếu không tiếp tục duy trì mức tăng như thế này thì sẽ là bất thường và tác động tiêu cực đến TTCK.
Đối với hoạt động bán giải chấp, thực tế các lệnh lô lớn tại các mã chủ chốt trên cả hai sàn liên tục bị “tháo hàng” là minh chứng của điều này. Kết thúc của chuỗi ngày bán tháo này sẽ là một đợt “bi quan cùng cực”, mà chúng ta có thể nhận diện qua các tín hiệu giao dịch kỹ thuật. Với các dấu hiệu hiện tại, chúng tôi nghĩ rằng giai đoạn này vẫn chưa đến, dù diễn biến trên HNX là khả quan hơn.
Trên HOSE, phân tích lệnh phiên giao dịch cuối tuần cho thấy bên bán vẫn đang áp đảo ở các mã chủ chốt; và nguy cơ sụt giảm tiếp tục trên thị trường này là rất cao. Ngược lại, trên HNX, bên mua vẫn đang chiếm ưu thế nhưng lệnh chờ mua sẵn vẫn chủ yếu ở mức giá thấp. Có thể tín hiệu bật lại của thị trường sẽ xuất hiện trở lại trước tiên trên HNX, nhờ các dòng tiền đầu cơ ở mức độ cao.
Trong bối cảnh thị trường rủi ro cao như thế này, chúng tôi cho rằng giao dịch mạnh không phải là một chiến lược khôn ngoan.
Trong khi đó, chứng khoán thế giới vẫn chưa thoát khỏi rủi ro rơi vào thị trường giá xuống. Cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone đang dần vượt khỏi tầm kiểm soát nhưng các chính phủ vẫn bế tắc, không tìm được tiếng nói chung cho kế hoạch giải cứu. Mỹ cũng đang hết sức lo lắng về cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu vì có khả năng lây lan thành khủng hoảng trên hệ thống ngân hàng của nước này.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Hai kịch bản ở ngưỡng 380 điểm. Ngưỡng 380 đang trở thành tâm điểm kỹ thuật của giai đoạn hiện nay vì nó quyết định thị trường Việt Nam sẽ đi theo kịch bản nào.
Kịch bản 1: Nếu mốc 380 điểm trụ vững và khối lượng tăng mạnh lên trên 30 triệu đơn vị/phiên, VN-Index sẽ có cơ hội lớn để hình thành Triple Bottom Pattern và chấm dứt đà giảm giá trung hạn.
Kịch bản 2: Nếu mốc 380 điểm thủng hoàn toàn và khối lượng duy trì mức thấp thì khả năng về lại ngưỡng Fibonacci Retracement 161.8% (tương đương vùng 325 – 330 điểm) là rất lớn.
Với một giai đoạn nhạy cảm, nhìn chung giới phân tích kỹ thuật đều cho rằng không nên giao dịch mạnh tại thời điểm này.

HNX-Index – Đang hình thành bullish divergence. Chỉ số này tiếp tục rơi vào tình trạng điều chỉnh mạnh và không có cải thiện về mặt thanh khoản. Điều này cho thấy giai đoạn tích lũy có khả năng sẽ kéo dài khá lâu.
Tuy nhiên, một tín hiệu khá tích cực là đoạn phân kỳ thứ 3 của chỉ số Stochastic Oscillator đang hình thành trong vùng oversold. Nếu quá trình này hoàn thành thì có thể là dấu hiệu báo trước cho một chu kỳ tăng điểm mới bắt đầu.
Hiện tại, HNX-Index chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ hồi phục mạnh trong vài phiên tới.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tiếp tục thoái lùi mạnh (-0.78%) trong phiên giao dịch ngày 18/11/2011, VS 100 tiếp tục đà rơi và chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ phục hồi trong ngắn hạn.
Khối lượng không tăng trưởng mạnh trong phiên giao dịch hôm nay cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư đang lên rất cao.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 18/11/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 0.28, tức số mã tăng giá bằng 0.28 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.39, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.39 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.29 lần và VS-U/D HNX bằng 0.04 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 1.55.
Chỉ số VS-Thrust VN tiếp tục duy trì ở vùng thấp và hình thành phân kỳ giá lên (bullish divergence). Điều này chứng tỏ thị trường có thể đang tích lũy cho một đợt hồi phục mới.

III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG TUẦN 14 – 18/11/2011

Mời Nhà đầu tư tham gia viết bài cộng tác với Vietstock.vn qua các chủ đề sau:
- Nhìn lại một năm thị trường chứng khoán và các kênh đầu tư, toàn cảnh về vĩ mô, tài chính ngân hàng trong năm 2011 và viễn cảnh tương lai;
- Những kỷ niệm và cảm nhận sau một năm “chinh chiến” cùng TTCK, chia sẻ những câu chuyện, quan điểm hay kinh nghiệm đầu tư;
- Các bài viết dành cho Tết.
Bài viết sẽ được gửi về cho chúng tôi theo địa chỉ email: info@vietstock.vn kèm theo tên thật, địa chỉ liên lạc, email, số điện thoại….
Thời hạn nhận bài sẽ kéo dài đến hết ngày 25/12/2011.
Tất cả các bài viết gửi về đều được nhận quà tặng là một quyển Niên giám Doanh nghiệp Niêm yết 2011. Riêng những tác giả có bài viết được đăng trên Vietstock.vn sẽ được nhận nhuận bút.
Trân trọng cám ơn!
PHÒNG BIÊN TẬP VIETSTOCK

Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK



Xem bài viết: Vietstock Weekly 21 - 25/11: Thận trọng để nhận diện tâm lý “bi quan cùng cực”