Bức tranh tổng thể của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước
Ngày 14-11, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phải công bố báo cáo của Chính phủ về tình hình tài chính và hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước để tăng cường minh bạch và công khai thông tin của những doanh nghiệp này. Trước đó, vào ngày 10-11, Bộ Tài chính cũng đã công bố báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Thực lực và hiệu quả ra sao?
Báo cáo này cung cấp thông tin tổng hợp về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của 81 trong tổng số 91 tập đoàn, tổng công ty tính đến cuối tháng 6-2010, nhưng không bao gồm tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế và tồn tại liên quan đến nhóm doanh nghiệp nhà nước này. Từ báo cáo, chúng ta có thể rút ra một số thông tin đáng chú ý:
Tổng số nợ phải trả của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước đến hết năm 2009 là 813.435 tỉ đồng, gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu và bằng 58% tổng tài sản. Theo Chính phủ, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu này là thấp hơn so với quy định (3 lần).
Vốn chủ sở hữu và tài sản của nhóm các doanh nghiệp này tăng khá nhanh. Năm 2009 vốn chủ sở hữu tăng 19% và tổng tài sản tăng 28% so với năm trước đó. Đến giữa năm 2010, vốn chủ sở hữu và tổng tài sản tiếp tục tăng thêm 3,8% và 4,8% so với cuối 2009. Trong khi đó, tốc độ tăng doanh thu và đặc biệt là lợi nhuận thì chậm hơn nhiều. Mức tăng lợi nhuận năm 2009 chỉ đạt 10% so với 2008. Trong vòng bốn năm, tính từ đầu 2006, vốn chủ sở hữu của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước tăng 140%, tài sản tăng 125%, lợi nhuận tăng 105%.
Số nộp ngân sách của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước năm 2009 là 189.467 tỉ đồng, trong đó một phần ba là thu từ dầu thô. Sáu tháng đầu năm 2010 con số này là 97.671 tỉ đồng.
Số lượng tập đoàn và tổng công ty nhà nước tuy khá nhiều, nhưng hầu hết nguồn lực vốn và tài sản của Nhà nước trong khối này lại tập trung vào một nhóm nhỏ gồm 10 tập đoàn và 11 tổng công ty đặc biệt. Cụ thể, nhóm này chiếm tới 87,1% tổng vốn chủ sở hữu và 85,8% tổng số tài sản. Mười tập đoàn và 11 tổng công ty đặc biệt cũng chi phối tới 84,7% tổng lợi nhuận.
Còn nhiều tồn tại
Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra nhiều tồn tại trong công tác quản lý cũng như hoạt động của nhóm các doanh nghiệp này.
Chẳng hạn như chức năng đại diện chủ sở hữu vốn còn phân tán, chồng chéo nên trách nhiệm trong quản lý cũng chưa rõ ràng. Những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước thường được phát hiện sau khi thanh tra, kiểm tra hoặc có khiếu nại, tố cáo.

Công tác quản lý, điều hành của nhiều tập đoàn, tổng công ty còn có sự hạn chế; chậm thay đổi; trong quản trị doanh nghiệp còn mang tính chủ quan, duy ý chí, quan liêu...
Hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty chưa tương xứng với quy mô đầu tư của Chính phủ, còn để tình trạng lãng phí trong đầu tư như chậm hoàn thành các dự án đầu tư trọng điểm tại các lĩnh vực năng lượng, giao thông, cảng biển...
Việc huy động quá nhiều vốn để thực hiện đầu tư, đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, thành lập nhiều công ty con, công ty liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề của một số tập đoàn, tổng công ty trong khi năng lực quản lý và khả năng tài chính có hạn đã dẫn tới hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở một số doanh nghiệp cao, ảnh hưởng không tốt đến năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp.
Một số tập đoàn, tổng công ty trong những năm vừa qua tham gia góp vốn vào ngân hàng thương mại cổ phần, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản với số tiền khá lớn. Tính đến cuối năm 2009, tỷ lệ đầu tư vào những lĩnh vực này đã dần đảm bảo theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư trong những lĩnh vực này chưa thực sự hợp lý khi nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính còn hạn chế.
Tấn Đức

TBKTSG



Xem bài viết: Bức tranh tổng thể của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước