Còn nhớ thời điểm năm 2007, khi TTCK đang tăng điểm cực nóng, kênh huy động vốn của các DN đã có sự thay đổi tích cực. Thay vì chỉ dựa vào nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng như truyền thống, TTCK đã mở ra một kênh huy động vốn hiệu quả với nguồn vốn phong phú, dồi dào. Đây cũng là định hướng lớn nhất trong việc phát triển TTCK của Chính phủ trong việc khơi thông nguồn vốn từ dân chúng "chảy" qua kênh TTCK vào các DN để phát triển sản xuất, kinh doanh. Gần 2 năm qua, việc huy động vốn qua TTCK bị chững lại, thậm chí có thời gian đóng băng do thị trường sụt giảm, nhà đầu tư không "mặn" với việc mua CP phát hành thêm từ các công ty. Nhưng đến thời điểm này, khi thị trường tăng trưởng trở lại, kênh huy động vốn này lại phát huy tác dụng và đã giúp nhiều DN có được nguồn vốn lớn để triển khai các dự án.

Một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM cho rằng, huy động vốn qua việc phát hành CP trên TTCK là hết sức đúng đắn và tích cực. Đặc biệt, nguồn vốn từ các nhà đầu tư, từ dân chúng đã và đang chảy vào các dự án, chảy vào sản xuất kinh doanh như nói trên là điều đáng khích lệ. "Cách đây vài tháng, chúng ta lo ngại việc DN phát hành thêm CP để chia thưởng quá nhiều, đến lúc này mới thấy, số đó không lớn. Rất nhiều DN đã tận dụng cơ hội lúc thị trường lạc quan để huy động vốn cho các kế hoạch hoạt động của mình", chuyên gia này nói. Cũng theo chuyên gia này, các DN Việt Nam phần lớn tiềm lực tài chính yếu trong khi nguồn lực trong dân chúng lại vô cùng dồi dào. Việc khơi thông nguồn vốn này là hết sức quan trọng để giúp các DN thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng như lâu nay. "Huy động vốn qua TTCK thì các cổ đông, các nhà đầu tư sẽ là người giám sát nguồn vốn chảy vào đâu, hiệu quả như thế nào và tất cả những điều này sẽ được phản ánh qua giá chứng khoán. Dự án hiệu quả, DN làm ăn tốt thì nhà đầu tư sẽ được hưởng kết quả từ cổ tức, từ chênh lệch giá CP, từ thặng dư... mà dự án mang lại", chuyên gia này nhận định.

Kênh huy động vốn trên TTCK đã được khai thông trở lại với "nội lực" cực kỳ lớn. Vấn đề còn lại là thuộc về các DN. Nếu họ có các dự án khả thi, chiến lược đúng đắn, kế hoạch phát triển tiềm năng, ban lãnh đạo tự tin, bản lĩnh, không ngại áp lực lợi nhuận trên vốn cao sau khi tăng vốn điều lệ thì "tiền" luôn sẵn sàng, không thiếu cho bất cứ công ty nào tại thời điểm này.