“Nếu lỗ thì tại sao vừa qua Petrolimex lại báo lãi”?
Bộ trưởng khẳng định tuần sau chắc chắn có kết quả kiểm tra kinh doanh xăng dầu, song đại biểu Quốc hội vẫn vô cùng sốt ruột…
Tập hợp chất vấn bằng văn bản của đại biểu gửi đến các vị bộ trưởng tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội cho thấy cả Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đều không “tránh” được các câu hỏi về điều hành giá xăng dầu.
"Các công ty xăng dầu hiện nay lỗ hay lãi, có hay không hiện tượng “làm giá” giữa một nhóm nhỏ các doanh nghiệp độc quyền trong lĩnh vực này?", đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chất vấn Bộ trưởng Huệ.
Đại biểu Trương Thị Ánh (Tp.HCM) đặt câu hỏi, giá xăng dầu và điện điều chỉnh tăng liên tục trong năm 2011 có phải do hai ngành này thực sự đang lỗ, hay do “công tác quản lý điều hành về giá của Bộ thời gian qua lỏng lẻo, chưa thực sự kiên quyết điều hành giảm giá khi cần thiết?”.
Cũng liên quan đến vấn đề được nhiều cử tri quan tâm là thực chất Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang lỗ hay lãi, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương: "Nếu lãi thì tại sao nhiều năm nhà nước phải bù lỗ, nếu lỗ thì tại sao vừa qua Petrolimex lại báo lãi?".
“Một số công ty xăng dầu ở địa phương khi báo cáo thành tích để đề nghị khen thưởng huân chương cũng đều báo cáo là lãi”, ông Hùng dẫn chứng.
Quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của Petrolimex được thực hiện như thế nào, cơ chế điều hành giá đã thực sự minh bạch chưa, là những câu hỏi đại biểu Hùng muốn nhận được câu trả lời ở chất vấn này.
Không chỉ là giá xăng dầu, mà tình hình thị trường với vô số các loại giá không ổn định cũng đã được phản ánh vào chất vấn của đại biểu dành cho vị “tư lệnh” mới của ngành tài chính.
Nhấn mạnh yêu cầu được trả lời bằng văn bản, đại biểu Phan Vân Điền Phương (An Giang) muốn biết giải pháp hiệu quả để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, trong đó có vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là xăng dầu.
Với độ nóng của giá cả, việc Bộ trưởng Huệ có tên trong danh sách dự kiến đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp này cũng là điều dễ hiểu, dù số lượng chất vấn bằng văn bản - một trong các căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc đề xuất người trả lời chất vấn - thấp hơn nhiều bộ khác. Bộ Tài chính chỉ nhận được 6 chất vấn, trong khi các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo... đều nhận được hơn gấp đôi số đó.
Một trong hai nhóm vấn đề được dự kiến để Bộ trưởng Huệ tập trung trả lời chính là công tác điều hành, quản lý giá theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa (giá xăng, dầu, điện, than và dịch vụ công), những ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống người dân, lỗ lãi của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Nhóm vấn đề lớn thứ hai là biện pháp tăng thu, chống thất thu và giảm bội chi ngân sách, nợ công, bảo đảm an ninh tài chính.
Dù không có tên trong danh sách được đề xuất trả lời chất vấn trực tiếp ở hội trường, song Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng lại nằm trong số các thành viên Chính phủ sẵn sàng “chia lửa” cho Bộ trưởng Huệ.
Và, một tiếng nói thống nhất song đủ mạnh giữa hai bộ trưởng, để có thể tháo gỡ “mớ bòng bong” giá xăng dầu, có lẽ không chỉ là mong đợi của các đại biểu, mà còn là của cử tri cả nước!
Nguyễn Vũ
TBKTVN



Xem bài viết: “Nếu lỗ thì tại sao vừa qua Petrolimex lại báo lãi”?