Khi 'ông lớn' PVN kẹt tiền!
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) xưa nay vẫn được xem là có tình hình tài chính tốt và dồi dào. Ấy vậy mà ông lớn này hiện cũng đang phải gồng mình tìm vốn cho phát triển.

Việc triển khai các dự án điện của PVN đòi hỏi vốn đầu tư lớn, khoảng 1,5 tỷ USD cho dự án 1.200 MW

Thiếu tiền cho điện
Khi xung phong nhận đầu tư 13 dự án điện mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trả lại Chính phủ cách đây 4 năm, nhiều quan chức của PVN chắc không hình dung nổi đầu tư vào ngành điện lại vất vả đến vậy!
Ở thời điểm hiện nay, số tiền mua điện EVN nợ Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), một thành viên của PVN, đã vượt 10.000 tỷ đồng. Nhưng con số này chưa dừng lại ở đó khi giá bán điện của EVN tới các hộ tiêu thụ vẫn thấp hơn rất nhiều so với giá EVN phải trả để mua điện của các nhà đầu tư như PV Power. Đặc biệt khi việc đưa giá điện vào hoạt động theo cơ chế thị trường, điểm mấu chốt chính là tăng giá điện lên so với mức giá hiện nay, lại chưa như lộ trình được đặt ra.
PV Power hiện có vốn điều lệ là 12.188 tỷ đồng, như vậy khoản nợ trên 10.000 tỷ đồng của EVN cũng xấp xỉ vốn điều lệ của PV Power.
Nhiều dự án trong lĩnh vực điện mà PVN mang ra chào mời được các nhà đầu tư rất quan tâm nhưng vấn đề quan trọng nhất là sẽ bán điện với giá bao nhiêu lại chưa thể trả lời ngay được, khiến cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án điện của PVN cũng gặp không ít khó khăn.
Điều đáng nói, khoản nợ này mới chỉ là tiền điện của các nhà máy: Nhiệt điện Cà Mau 1 & 2, nhà máy điện Nhơn Trạch 1. Trong khi đó, PVN ngoài chiếm hơn 70% cổ phần tại nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 2 quy mô 70 MW vừa hoàn tất xây dựng thì còn đang là chủ đầu tư của 5 dự án điện than gồm: Nhiệt điện Vũng Áng 1, Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1 và Quảng Trạch 1 cũng như một số các dự án điện gió, năng lượng tái tạo với mục tiêu chiếm 20 - 25% tổng sản lượng điện quốc gia.
Ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch HĐQT của PVN, trong trao đổi gần đây với báo chí cũng thừa nhận, câu chuyện các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức tín dụng tìm tới các dự án điện của PVN có những băn khoăn khi thấy tiền bán điện bị nợ lớn là thực tế. Ông cho biết: "Nhiều dự án trong lĩnh vực điện mà PVN mang ra chào mời được các nhà đầu tư rất quan tâm, nhưng vấn đề quan trọng nhất là sẽ bán điện với giá bao nhiêu lại chưa thể trả lời ngay được, khiến cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án điện của PVN cũng gặp khó khăn không ít. Điều đó khiến cho nhà đầu tư chưa tính toán được bài toán hiệu quả kinh tế nên còn phải cân nhắc. Tôi hy vọng, khi chúng ta có giá điện theo cơ chế thị trường, cộng thêm nhu cầu điện ở Việt Nam đang tăng trưởng, cần xây thêm những nhà máy điện mới thì nhà đầu tư sẽ vào nhiều hơn".
Hiện việc triển khai các dự án điện quy mô lớn của PVN đòi hỏi vốn đầu tư lớn, khoảng 1,5 tỷ USD cho dự án quy mô 1.200 MW. "Lâu nay ta vẫn triển khai theo hình thức 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay. Trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay có khó khăn, việc vay không đơn giản. Vì thế PVN có chủ trương mời gọi các nhà cung cấp vật tư, thiết bị tham gia vào thu xếp vốn bên cạnh việc tìm kiếm các nhà đầu tư cùng hợp tác. Khi thấy được hiệu quả, đặc biệt là rõ ràng về giá điện thì nhà đầu tư cũng tính được bài toán kinh tế để tham gia mạnh mẽ hơn", ông Thực cho biết.
Kỳ vọng là vậy. Nhưng trước mắt, mà cụ thể là trong năm 2011 này, PVN xem ra vẫn chưa biết khi nào sẽ thu được tiền bán điện từ EVN, trong khi vẫn phải tiếp tục sản xuất điện để bán cho doanh nghiệp này để cung cấp cho nền kinh tế. Đáng chú ý là khoản nợ này không dễ đòi bởi mới đây trao đổi với Doanh Nhân, một quan chức của EVN cho hay, vẫn chưa bàn được với PVN và các bộ ngành liên quan về cơ chế tạm khoanh khoản nợ tiền điện này. Với hoàn cảnh này, xem ra nhà giàu cũng phải khóc!
Thiếu cả cho dầu và khí
Không chỉ khó tìm nguồn vốn cho điện với dây chuyền điện từ khí, khi PV Power bị EVN nợ tiền điện thì PV Power cũng quay lại nợ tiền mua khí của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng. Dĩ nhiên, PV Gas chẳng có cách nào khác là quay về nợ PVN và Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP). Bởi nằm trong dây chuyền nợ tiền điện này mà PV Gas cũng khó khăn trong việc tìm đối tác chiến lược đến từ nước ngoài muốn mua cổ phần, cho dù PV Gas đứng thứ 3 về lợi nhuận trong số các doanh nghiệp thuộc PVN, ông Thực cho hay. Thực tế này cũng là một trong số các nguyên nhân khiến cho mục tiêu tìm kiếm đối tác chiến lược nắm 15% vốn điều lệ (tương đương khoảng 283 tỷ đồng) của PV Gas khi lập phương án cổ phần hóa chưa thành hiện thực.
PVN mới đây tuyên bố tiếp tục lùi lại kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế với quy mô khoảng 500 triệu USD. Đây là kế hoạch được tính tới từ năm 2010 và đã hoãn đến vài lần.

Với dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất từ 6,5 triệu tấn dầu thô/năm hiện nay lên khoảng 8,5 triệu tấn dầu thô/năm (tương đương 211 nghìn thùng dầu/ngày) chỉ tính phần đầu tư mở rộng đã cần khoảng 1,2 tỷ USD. Hiện PVN sẵn sàng bán tới 49% cổ phần của nhà máy lọc dầu Dung Quất sau khi mở rộng, nhưng để bán được không dễ. Bởi chuyện này đã được PVN đề cập tới từ cách đây 2 năm, nhưng tới nay vẫn chỉ thấy dừng ở việc "nhiều nhà đầu tư quan tâm". Đó là chưa kể, nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện vẫn đang trong hành trình xin thêm cơ chế ưu đãi về tài chính để tạo hiệu quả cho dự án.
Đối với các dự án lọc hóa dầu khác như Nghi Sơn hay Tổ hợp hóa dầu Miền Nam, PVN hiện đang phụ thuộc lớn vào động thái của các đối tác nước ngoài khi tỷ lệ nắm giữ của các đối tác này đều chiếm từ 70% trở lên. Trong chuyến xúc tiến đầu tư tại Mỹ mới đây, PVN đã mang theo hành trang gồm tài liệu của 26 dự án hoặc kế hoạch tìm đối tác chiến lược nước ngoài cho một số thành viên của mình. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thế giới khó khăn như hiện nay, việc tìm được nhà đầu tư là không phải dễ dàng.
Đó là chưa kể tới việc PVN mới đây cũng tuyên bố với báo chí tiếp tục lùi lại kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế với quy mô khoảng 500 triệu USD, một kế hoạch từng được tính tới từ năm 2010 và đã dời qua, dời lại vài lần bởi điều kiện chưa thuận lợi.
Yên Hưng
diễn đàn doanh nghiệp



Xem bài viết: Khi 'ông lớn' PVN kẹt tiền!