"Kinh doanh vàng miếng đi ngược lợi ích quốc gia"
Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần thiết phải cấm "sạch" các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng, vì việc buôn bán này đang tạo cơ hội cho các nhà đầu cơ thao túng thị trường.
Thời gian vừa qua, thị trường vàng trong nước đã liên tục phải chứng kiến những làn sóng chao đảo, trước động thái thao túng của giới đầu tư. Có thời điểm có giá kim loại này đã chạy lệch hẳn hướng so với thế giới, khi cao hơn thế giới đến gần 5 triệu đồng/lượng.
Không những vậy, tình trạng đổ xô nhau đi mua vàng tích trữ hoặc gom vào khi giá thấp bán ra khi giá cao đã khiến thị trường trở nên xao trộn.

Trong thời gian trước đây, để ổn định thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước thường dùng biện pháp cấp phép xuất, nhập vàng theo thời gian cụ thể. Tuy nhiên, dường như những biện pháp này không có hiệu quả vì nguồn ngoại tệ có hạn và nếu các tiệm vàng phối hợp đẩy giá thì không lượng cung nào có thể chặn đà tăng của giá vàng.
Vì vậy, để tránh tình trạng xáo trộn trên thị trường vàng, vừa qua ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới.
Trao đổi với PV VnMedia về vấn đề này, ông Bùi Kiến Thành – chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng, Việt Nam cấm hoàn toàn việc kinh doanh vàng miếng. Nguyên nhân là do nếu để vàng miếng lưu thông trên thị trường thì chúng ta phải dùng một lượng ngoại tệ rất lớn của nền kinh tế, vì được chế tác, dập từ vàng thỏi nhập khẩu để cung cấp cho thị trường.
Ông Thành cho rằng, chúng ta không nên để bán vàng miếng tự do, mà chỉ cho phép kinh doanh vàng trang sức. Bởi vì vàng trang sức là vấn đề nhu cầu của công chúng cần loại vàng này phục vụ cho làm đẹp bản thân. Ngoài ra, nếu cứ để tình trạng cho bán vàng miếng tự do thì sẽ tạo điều kiện cho giới đầu cơ thao túng và tích trữ.
“Giả sử nếu có người mua 1 tấn vàng về để tích trữ thì Ngân hàng Nhà nước phải tốn hết bao nhiêu USD để nhập về?. Đây là điều không hợp lý, bởi vì khi chúng ta làm cái gì phải xét trên quyền lợi quốc gia, chứ đừng xét theo kiểu cục bộ của một nhóm người nào” ông Thành nói.
Nếu vàng miếng có một lợi ích gì cho quốc gia phải nêu ra được, còn nếu nó không phải là lợi ích quốc gia mà chỉ là lợi ích cho từng nhóm người nào đó thì không phải là trách vụ của Nhà nước. Vấn đề ở đây là mua bán vàng miếng nó đi ngược lại với lợi ích và quyền lợi của đất nước, là việc tiêu dùng dự trữ ngoại hối để mua vàng cho một số người đầu cơ, tích trữ, ông Thành chia sẻ.
Trả lời câu hỏi việc này có khả quan không, khi mà những nhà đầu cơ vẫn có khả năng thu gom vàng trang sức về tích trữ?
Ông Thành cho rằng, kinh doanh vàng trang sức và vàng miếng là hai loại hình khá khác nhau. Có thể thấy, vàng trang sức bị giới hạn rất là nhiều, vì với loại trong lượng nhỏ của vàng này chúng ta không thể mua được cả chục kilo như vàng miếng. Nếu có hiện tượng bán trang sức hàng chục kilo đấy rõ ràng là đầu cơ tích trữ, đi ngược lại với chính sách chống đầu cơ tích trữ. Vì vậy, để phòng tránh tình trạng tích trữ chúng ta vẫn phải quản lý cho tốt, nếu có tình trạng mà bán vàng trang sức cả kilo thì lúc đấy mình phải kiểm soát và xử phạt thích đáng.
Hiện bây giờ chính sách của Nhà nước là không cho đô la hoá nền kinh tế, vậy tại sao mình lại cho vàng hoá nền kinh tế. Chúng ta phải biết rằng, vàng từ đô la mà ra, mà hiện nay không cho bán đô la tự do mà lại cho bán vàng tự do, đó là một điều vô lý, đi ngược với chính sách điều hành, ông Thành bộc bạch.
“Nên xoá sạch việc bán vàng miếng, không nên để doanh nghiệp lớn nhỏ nào được phép bán vàng miếng cả. Nguyên nhân đây là hoạt động đi ngược lại với quyền lợi của quốc gia, không phục vụ cho sự phát triển chung của số đông người tiêu dùng. Vì vậy, cần thiết chỉ bán vàng trang sức trong giới hạn, chỉ dùng để làm nữ trang chứ không phải giúp việc đầu cơ tích trữ”, ông Thành cho biết.
Minh Hường
vnmedia



Xem bài viết: "Kinh doanh vàng miếng đi ngược lợi ích quốc gia"