Threaded View
-
25-10-2009 07:08 PM #7
http://www.vietstock.com.vn/eDocs/book.aspx?id=960
Thứ Bảy, 24/10/2009, 13:30
DPM: Báo cáo phân tích công ty
(Vietstock) - DPM tỏ ra là một cổ phiếu an toàn và có tính phòng thủ cao trong giai đoạn thị trường giảm điểm. Mặc dù mức biến động giá không cao, nhưng DPM là mã đứng trong top 10 cổ phiếu có tính thanh khoản cao nhất thị trường và thích hợp cho cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Đặc biệt, đây cũng là một trong những cổ phiếu rất “hợp khẩu vị” của nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư có thể cân nhắc những yếu tố này để chọn thời điểm mua vào và bán ra.
Download Báo cáo phân tích DPM ngày 20/10/2009 tại đây
QUAN ĐIỂM ĐẦU TƯ
Chúng tôi định giá cổ phiếu DPM ở mức 53,500 đồng. Trong trường hợp lạc quan theo quan điểm của chúng tôi, giá của cổ phiếu DPM vào khoảng 55,500 đồng. So với mức giá hiện tại, DPM phù hợp với nhà đầu tư có mức độ kỳ vọng lợi nhuận vừa phải, và nghiêng hơn về việc bảo toàn vốn.
DPM tỏ ra là một cổ phiếu an toàn và có tính phòng thủ cao trong giai đoạn thị trường giảm điểm. Mặc dù mức biến động giá không cao, nhưng DPM là mã đứng trong top 10 cổ phiếu có tính thanh khoản cao nhất thị trường và thích hợp cho cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Đặc biệt, đây cũng là một trong những cổ phiếu rất “hợp khẩu vị” của nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư có thể cân nhắc những yếu tố này để chọn thời điểm mua vào và bán ra.
Do đã hoạt động đến công suất thiết kế, triển vọng tăng trưởng doanh thu phân bón sản xuất của công ty chủ yếu biến động theo giá phân bón, mà giá dầu là một chỉ báo. Một mốc thời gian đáng lưu ý, từ giữa năm 2010, lợi nhuận sổ sách của DPM được kỳ vọng gia tăng nhờ khấu hao đã được trích hết.
TÓM TẮT NHẬN ĐỊNH
DPM quản lý, vận hành Nhà máy Đạm Phú Mỹ và kinh doanh sản phẩm phân bón từ nhà máy này với công suất 740,000 tấn/năm, và sản xuất sản phẩm khí amoniac với công suất 445,000 tấn/năm. Nhà máy vận hành theo quy trình khép kín từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Sản phẩm urê “Đạm Phú Mỹ” của DPM hiện chiếm khoảng 44% thị phần phân đạm cả nước.
Hoạt động sản xuất đạt công suất thiết kế. Doanh thu từ phân bón sản xuất chủ yếu biến động theo giá kể từ năm 2008. DPM đang tăng cường hoạt động kinh doanh phân bón nhập khẩu. Doanh thu từ phân bón nhập khẩu đang có xu hướng tăng mạnh, 6 tháng đầu năm 2009 đã vượt cả năm 2008 và tương đương phân đạm urê sản xuất. Tuy vậy, lợi nhuận gộp biên kinh doanh phân bón nhập khẩu thấp hơn nhiều so với hàng sản xuất trong nước.
DPM có lợi thế nhờ được trợ giá nguồn khí từ bể Cửu Long và mỏ Nam Côn Sơn. Tuy vậy, bể Cửu Long chỉ có thể cung cấp thêm đến cuối năm 2009. Từ năm 2010, công ty phải mua toàn bộ nguyên liệu khí từ mỏ Nam Côn Sơn với giá 3.55 USD/MMBTU. Ước tính chi phí khí trong năm 2010 tăng lên 60%, tương đương khoảng 510 tỷ đồng. Sau đó, giá khí sẽ trượt 2% trong những năm tiếp theo và mức giá khí cụ thể đang được thương lượng. Chúng tôi được biết trong trường hợp xấu nhất, DPM sẽ được PVN đảm bảo mức ROE không thấp hơn 14%, khi áp dụng giá khí mới.
Đến giữa năm 2010, DPM sẽ hoàn thành việc khấu hao máy móc thiết bị. Chi phí khấu hao giảm được khoảng 360 tỷ đồng. Sau thời gian này, DPM được kỳ vọng có lợi nhuận lớn hơn vì chi phí khấu hao chiếm tới gần 50% cơ cấu giá thành sản phẩm. Ước tính giá thành năm 2011 sẽ giảm 20% so với năm 2010.
DPM được hưởng lợi từ thuế suất ưu đãi đến năm 2014. Hoạt động kinh doanh phân đạm sản xuất tại nhà máy Đạm Phú Mỹ được hưởng thuế suất TNDN ưu đãi 15%/năm. Đồng thời DPM được miễn thuế trong vòng 4 năm kể từ năm đầu tiên có lãi và giảm 50% cho 7 năm tiếp theo. Như vậy, hiện tại thuế suất thuế TNDN của DPM là 7.5% (thuế TNDN ước tính khi hợp nhất vào khoảng 7.7%) và kéo dài tới năm 2014. Đây là một lợi thế không nhỏ cho DPM.
Tăng trưởng doanh thu khá cao, khoảng 40% trong thời gian từ 2005-2008, nhưng tăng trưởng LNST có xu hướng giảm. Lý do chủ yếu là bởi kinh doanh phân bón nhập khẩu gặp nhiều biến động. Hoạt động này đem lại mức sinh lợi không cao mà chủ yếu giúp DPM thực hiện mục tiêu bình ổn giá thị trường. Vòng quay tổng tài sản đang dần tăng lên từ mức 0.42 vòng trong năm 2005 lên 1.4 vòng trong năm 2008 đã giúp tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROEA) vẫn liên tục tăng lên và đạt mức 30.6% trong năm 2008.
Chi phí bán hàng và quản lý tăng mạnh trong năm 2008. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống phân phối đã hoàn thành nên trong thời gian tới chi phí này sẽ không tăng mạnh. Việc đầu tư thương hiệu và hệ thống phân phối giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh cho DPM, đặc biệt là giai đoạn sau năm 2012, khi cung phân đạm vượt cầu.
DPM hiện duy trì một lượng lớn tiền gửi ngắn hạn (số dư đến tháng 6/2009 là hơn 3,000 tỷ đồng). Trong khi đó lại không đầu tư tài chính nên đã giúp hạn chế được rủi ro biến động TTCK. DPM vừa qua cũng đã vay hơn 700 tỷ đồng ưu đãi lãi suất từ chương trình kích thích kinh tế của Chính phủ. Điều này giúp DPM chủ động nguồn vốn tài trợ cho nhiều dự án đang và sẽ triển khai.
Do đã hoạt động đến công suất thiết kế, triển vọng tăng trưởng doanh thu từ phân bón sản xuất của công ty chủ yếu biến động theo giá phân bón, mà giá dầu là một chỉ báo. Từ giữa năm 2010, lợi nhuận sổ sách của DPM có thể gia tăng đáng kể nhờ khấu hao đã được trích hết. Trong khi đó, việc nâng công suất nhà máy nhờ tận dụng khí CO2 và doanh thu từ Dự án Trung tâm Thương mại Cà Mau chỉ có thể ghi nhận vào năm 2011. Dự án sản xuất NPK là khá tham vọng, nhưng chúng ta chỉ có thể thấy được thực tế từ năm 2012-2013.
Rủi ro đầu tư: Lợi thế cạnh tranh của DPM có thể giảm đi khi không còn ưu đãi giá khí từ PVN. Ngoài ra, cầu thị trường trong nước dự báo có thể bão hòa từ năm 2012. Cạnh tranh từ phân bón Trung Quốc tỏ ra khá mạnh, đặc biệt khi nước này hạ thấp thuế xuất khẩu phân bón. Với kinh doanh phân bón nhập khẩu, rủi ro biến động tỷ giá không thể không xét đến. Chúng tôi cũng lưu ý đến vấn đề quản trị khi PVN đang là cổ đông lớn, và chi phối hầu hết các quyết định kinh doanh của DPM.
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)
Bookmarks