------------------------------------
Blogger: vuminhtra
Thời gian đăng: 11/11/2011
Blog: http://pgbankresearch.wordpress.com/
------------------------------------

Bảo hiểm tiền gửi trên thế giới và Việt Nam

Gần đây, những thông tin không mấy khả quan về tình hình hoạt động của các ngân hàng được công bố như: nợ xấu, thanh khoản sụt giảm, yếu kém trong quản lý…làm dấy lên những quan ngại về sự bất ổn trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Nguy cơ mất khả năng thanh toán của một số ngân hàng yếu là hoàn toàn có thể xảy ra và mối quan tâm đầu tiên của người dân là tiền gửi của họ tại các ngân hàng có được đảm bảo. Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) được xem như một phương án dự phòng khi bất ổn xảy ra cho ngân hàng cũng như trấn an người dân để họ không rút toàn bộ tiền gửi do lo ngại ngân hàng mất khả năng thanh khoản.


Năm 2003, khi có tin đồn về việc tổng giám đốc ngân hàng ACB bỏ trốn, người dân đã đổ xô đi rút tiền. Chỉ tính riêng 2 ngày 14 và 15/10 tổng lượng tiền người dân rút khỏi ACB là hơn 1200 tỷ đồng, gần gấp 3 lần vốn điều lệ của ACB vào thời điểm 2003. Nếu không có sự giúp đỡ về thanh khoản của ngân hàng nhà nước (NHNN) thì ACB cũng như bất kì ngân hàng thương mại nào đều không thể đáp ứng được nhu cầu rút tiền tăng đột biến như vậy của người dân. Ngay sau đó, thống đốc NHNN đã phải đứng ra tuyên bố đảm bảo về tiền gửi của người dân, ai có nhu cầu rút tiền cũng đều được đáp ứng. Ví dụ trên là một minh chứng cho vai trò “Gìn giữ niềm tin“ của BHTG đối với khách hàng ngày càng trở nên quan trọng nhất là trong điều kiện thị trường tài chính có biến động. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ một số vấn đề về lịch sử hình thành, nguyên tắc hoạt động của BHTG trên thế giới và ở Việt Nam cũng như những bất cập cập BHTG tại Việt Nam hiện nay.
Bảo hiểm tiền gửi là cam kết công khai của tổ chức BHTG đối với các tổ chức tín dụng tham gia BHTG về việc tổ chức BHTG sẽ trả tiền cho người dân khi tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán.


Bảo hiểm tiền gửi trên thế giới

Tháng 1/1934, bảo hiểm tiền gửi được giới thiệu lần đầu tiên tại Mỹ sau 1 trong những cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất lịch sử khiến hơn 4000 ngân hàng cùng 1700 tổ chức tín dụng phá sản. Cho đến 2003 đã có 87 quốc gia trên thế giới sử dụng cơ quan BHTG độc lập để công khai bảo vệ người gửi tiền và 93 quốc gia có cơ quan BHTG nằm trong ngân hàng trung ương như Trung Quốc, Thái Lan, Lào…

Tổ chức BHTG thường hoạt động theo mô hình cơ quan của nhà nước độc lập với Chính phủ. Đa phần các tổ chức tín dụng và ngân hàng phải tham gia bắt buộc BHTG trong đó có Việt Nam. Một số quốc gia có thể có nhiều hơn một tổ chức BHTG ví dụ như Nhật Bản, Pháp, Đức và Nauy có 2 tổ chức BHTG, thông thường một phục vụ các ngân hàng thương mại và một cho các tổ chức tín dụng khác. Trên thế giới, tiền gửi ở nước ngoài của ngân hàng trong nước, tiền gửi nội địa của ngân hàng nước ngoài, tiền gửi liên ngân hàng và tiền gửi ngoại tệ thường không được bảo hiểm. Tuy nhiên vẫn có một số ngoại lệ, tổ chức BHTG ở Hungary chấp nhận tiền gửi bằng EUR và tiền tệ của các quốc gia OECD khác , trong khi đó tổ chức BHTG Mỹ và Canada chấp nhận tiền gửi liên ngân hàng.


Về hạn mức tiền gửi được bảo hiểm, một số quốc gia thực hiện bảo hiểm 100% tiền gửi trong trường hợp đặc biệt như để đối phó với khủng hoảng trong ngành ngân hàng (Thái lan , Indonesia, Malaysia… ). Trong khi đa phần các tổ chức BHTG đặt ra mức chi trả tối đa thấp hơn 100% như Mỹ là $250.000, Đức là EUR 100.000 và HKD$500.000 là mức chi trả tối đa ở Hồng Kông.

Hiện nay có 2 hệ thống phí BHTG được áp dụng trên thế giới là phí đồng hạng và hệ thống phí dựa trên cơ sở rủi ro như ở Mỹ, Nhật …..


Tổ chức BHTG Việt Nam – DIV ( Deposit Insurance of Vietnam ) được thành lập tháng 7/2000 Với mục tiêu được đề ra là bảo vệ người gửi tiền và tham gia đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng. Nhưng trong tình hình hiện nay chúng ta có thể đánh giá cả 2 mục tiêu trên đều khó đạt được.


Thứ nhất, mức thu phí BHTG ở Việt Nam hiện nay được áp dụng đồng hạng 0,15% trên tổng số dư tiền là không hợp lý. Theo các quy định của pháp luật về BHTG thì mức phí bảo hiểm tiền gửi không phân biệt về quy mô, hình thức sở hữu cũng như mức độ rủi ro của tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm. Chính điều đó đã gây ra sự không công bằng trong hệ thống ngân hàng. Trái với xu hướng trên thế giới, phí bảo hiểm tiền gửi được áp dụng theo phân loại ngân hàng, ngân hàng nào hoạt động yếu kém, quy mô nhỏ và nguy cơ rủi ro lớn thì mức phí bảo hiểm sẽ cao hơn. Hiện tại, nguồn quỹ của DIV được ngân hàng nhà nước cấp là 1000 tỷ đồng, sau thời gian hoạt động số vốn này đã tăng lên 6000 tỷ đồng.




Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ dự trữ bảo hiểm tiền gửi (quỹ BHTG/Tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm) thường là 2,5% – 3%. Tỷ lệ này ở nước ta là khoảng 1%, khá thấp so với các nước khác như Mỹ 1.25%, Thụy Điển 2,5%, Đài Loan 5%, Croatia 5% và ở Kenya là 20%. Sau hơn 10 năm hoạt động, quỹ DIV mới chỉ phải chi trả tiền bảo hiểm trên 18 tỷ đồng trên 6000 tỷ đồng quỹ hiện có. Nhưng 6000 tỷ đồng chỉ bằng 2 lần vốn điều lệ tối thiểu của 1 ngân hàng thương mại cổ phần, trong khi DIV hiện đã cấp chứng nhận bảo hiểm tiền gửi cho 37 ngân hàng TMCP, 5 ngân hàng nhà nước và gần 1000 tổ chức tín dụng trên toàn Việt Nam. Do đó khi hệ thống ngân hàng bất ổn, số tiền 6000 tỷ đồng trong quỹ của DIV rất khó có thể đảm bảo khả năng chi trả dù chỉ là mức chi trả tối thiểu cho người gửi.


Thứ hai, mức chi trả tối đa của BHTG ở Việt Nam hiện tại là quá thấp không đảm bảo được niềm tin của người gửi khi có biến cố xảy ra. 50 triệu là mức chi trả tối đa cho 1 người với đối với 1 ngân hàng hay 1 tổ chức tín dụng. Điều đó có nghĩa là nếu bạn có 1 tỷ bạn phải gửi vào ít nhất 20 ngân hàng thì mới có thể được đảm bảo an toàn nếu tất cả các ngân hàng đồng loạt phá sản. Hiện tại 50 triệu tương đương 2.14 lần GDP đầu người Việt Nam năm 2010 thấp hơn nhiều so với các nước khác và trong khu vực (tỉ lệ này ở Mỹ là 5.40 lần và ở Philippin là 5,42 lần).



Theo biểu đồ trên, tiền gửi ở mức dưới 50 triệu chỉ chiếm 19% tổng số tiền gửi bảo hiểm. Nếu các ngân hàng ngừng hoạt động, trên 81% tổng lượng tiền gửi sẽ không được chi trả đủ 100% số tiền gốc và lãi. Hiện nay, có rất nhiều người dân gửi hàng tỷ đồng nhàn rỗi vào ngân hàng nhưng khi có rủi ro xảy ra, họ chỉ nhận được 50 triệu đồng thì gần như bảo hiểm không có nhiều ý nghĩa.

Thêm vào đó, DIV không bảo hiểm cho các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ hoặc Vàng. Trong khi theo thống kê gần nhất của NHNN, hệ thống ngân hàng đang giữ hộ người dân khoảng 30 tỷ đô và 100 tấn vàng (5 tỷ Đô). Do không được bảo hiểm nên người dân có tâm lý muốn rút ngoại tệ và vàng ra khỏi ngân hàng khi có bất ổn trong nền kinh tế. Ngân hàng không thể ngay lập tức quy đổi những khoản đầu tư vào bất động sản, hàng hóa và tài sản sinh lợi khác thành vàng và đô la để trả cho người dân, thanh khoản cạn kiệt. có thể dẫn đến sụp đổ hàng loạt hệ thống ngân hàng.

Như vậy, những quy định về mức thu phí, loại tiền được bảo hiểm và mức chi trả tối đa của BHTG hiện nay đã không phát huy được những yếu tố hỗ trợ trong tình hình tài chính bất ổn. Theo ước tính hiện tại thì khoàng 60 ~ 65% lượng tiền gửi tại các thương mại là của người dân. Trong trường hợp xấu, khi người dân rút tiền hàng loạt, những ngân hàng nhỏ, yếu kém sẽ phải chịu những tác động đầu tiên và nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của ngân hàng nhà nước, nguy cơ đổ vỡ là không thể tránh khỏi.


Để ngăn chặn tình huống xấu nhất xảy ra tôi có đưa ra một số giải pháp cấp bách mà BHTG Việt Nam có thể áp dụng để khống chế khủng hoảng trước mắt và ổn định lâu dài trong tương lai.


Thứ nhất , NHNN cùng DIV phải đưa ra tuyên bố tăng mức chi trả tiền gửi lên 100% và chấp nhận bảo hiểm người gửi bằng cả vàng và ngoại tệ để giải quyết những vấn đề trước mắt. Trong dài hạn DIV có thể tăng mức chi trả tiền gửi tối đa lên 200 triệu (khoảng 8,35 GDP Việt Nam 2010) để đảm bảo niềm tin của người tiêu dùng.


Thứ hai , DIV nên chuyển dịch từ mô hình hoạt động chi trả (pay box) sang mô hình giảm thiểu rủi ro. Mô hình chi trả là mô hình bị động mà chức năng chủ yếu là chi trả tiền gửi khi mà đổ vỡ đã xảy ra, do đó không ngăn chặn được dòng người rút tiền ồ ạt. Trong khi mô hình giảm thiểu rủi ro là mô hình chủ động mà tổ chức BHTG sẽ thực hiện nhiều chức năng như kiểm tra, giám sát và xử lý đổ vỡ chi trả tiền gửi. Những biến động nhỏ trong hệ thống ngân hàng sẽ được DIV giám sát và hỗ trợ khi cần thiết trực tiếp và kịp thời hơn.


Thứ ba , DIV nên được hoạt động độc lập với NHNN. Trước đây DIV trực thuộc NHNN nên rất hạn chế trong hoạt động, tất cả những ý kiến hay cảnh báo chỉ có thể được DIV chuyển cho đơn vị chủ quản là NHNN quyết định. Do đó các khuyến nghị trực tiếp của DIV không được các tổ chức tín dụng quan tâm nhiều.


Cuối cùng, DIV nên thay đổi mức thu phí theo mức độ rủi ro, giúp cho những ngân hàng yếu kém bắt buộc phải có những thay đổi để giảm mức độ rủi ro và tăng mức cạnh tranh của ngân hàng.