STB mua 100 triệu cổ phiếu quỹ: Mục đích thực sự?
Chuyện mua cổ phiếu quỹ để “chống lưng” cho giá chứng khoán vốn không phải là chuyện lạ, mỗi khi thị trường suy giảm và giá chứng khoán rơi tự do.
Nhưng, chuyện mua cổ phiếu quỹ với khối lượng “khủng” như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã chứng khoán: STB - HSX) lại gây sự chú ý đặc biệt của thị trường chứng khoán trong hơn một tuần qua.
Sau 5 ngày có nghị quyết Hội đồng Quản trị, ngày 9/11/2011, Sacombank đã chính thức thông báo việc đăng ký mua 100 triệu cổ phiếu STB làm cổ phiếu quỹ, với mục đích: góp phần bình ổn thị trường chứng khoán và bảo vệ lợi ích cổ đông Sacombank.
Phương thức thực hiện thông qua giao dịch khớp lệnh và thoả thuận, trong khoảng thời gian một tháng, kể từ ngày từ ngày 16/11/2011.
Khối lượng mà Sacombank dự kiến mua được xem là lớn nhất từ trước đến nay, xét trên cả các khía cạnh quy mô đăng ký và quy mô giao dịch. Với 100 triệu cổ phiếu dự kiến mua vào, nếu thị trường thuận lợi, thì sức công phá sẽ là đáng kể lên thị giá.
Nhưng lúc này, khi thị trường khó khăn, giá cổ phiếu STB vẫn không tăng là mấy. Tuy nhiên, mọi quan tâm của thị trường đổ dồn vào STB lúc này không đơn giản là mua cổ phiếu để giữ hay kéo giá mà sâu xa hơn, thị trường đang chờ một câu trả lời về mục đích thực sự của việc mua cổ phiếu quỹ STB: phòng thủ khỏi thâu tóm hay vì thoái vốn của cổ đông lớn?
Cổ phiếu quỹ được định nghĩa là cổ phiếu do công ty cổ phần đã phát hành và được chính công ty mua lại bằng nguồn vốn hợp pháp. Theo quy định, công ty chỉ được bán cổ phiếu quỹ sau 6 tháng kể từ ngày kết thúc đợt mua lại gần nhất, trừ trường hợp phân phối cho người lao động trong công ty hoặc dùng làm cổ phiếu thưởng.
Về lý thuyết, các công ty cổ phần mua cổ phiếu quỹ thường gói gọn trong 5 trường hợp chính.
Thứ nhất, khi lãnh đạo công ty đang chịu sức ép phải có tỷ lệ sinh lời trên cổ phiếu từ các cổ đông, do cổ phiếu quỹ được loại trừ không chia cổ tức.
Thứ hai, khi công ty có một lượng tiền nhàn rỗi chưa có dự án đầu tư và cùng lúc hoạt động kinh doanh của chính mình đang có chiều hướng tốt, lợi nhuận bình quân cao hơn các ngành khác mà mình dự định đầu tư.
Thứ ba, khi công ty thấy cổ phiếu của mình trên thị trường giao dịch bị sụt giảm về số lượng và giá cổ phiếu và họ tăng mua cổ phiếu của chính mình, từ đó làm tăng lượng cầu về cổ phiếu để đẩy giá lên hoặc đặt mua làm nhiều lần để làm giảm sự giảm giá trên thị trường.
Thứ tư, công ty mua cổ phiếu quỹ để thưởng cho nhân viên.
Thứ năm, mua lại cổ phiếu quỹ để điều chỉnh giảm vốn điều lệ công ty.
Theo quy định giao dịch của HSX (điều 24, Quyết định 124/QĐ-SGDHCM ngày 9/10/2007) thì có 3 điểm đáng chú ý về giao dịch cổ phiếu quỹ.
Thứ nhất, khối lượng lệnh đặt mua tối thiểu 3%, tối đa 5% trên tổng lượng đã đăng ký, muốn vượt phải xin phép riêng. Nghĩa là nếu STB đặt mua qua khớp lệnh thì tối thiểu 2,7 triệu cổ phiếu/phiên, tối đa 4,5 triệu cổ phiếu/phiên (tạm làm tròn lượng đăng ký là 90 triệu cổ phiếu, xấp xỉ 10% khối lượng đăng ký mua theo nghị quyết Hội đồng Quản trị Sacombank).
So với lượng giao dịch khớp lệnh của STB hiện nay được thống kê trên HSX (800 nghìn cổ phiếu/phiên) thì việc mua cổ phiếu quỹ có lẽ sẽ được thực hiện chủ yếu qua thỏa thuận.
Thứ hai, việc mua cổ phiếu quỹ phải đảm bảo quy định: giá đặt mua lại trong ngày không được lớn hơn giá tham chiếu + 3 đơn vị yết giá. Ví dụ, nếu hôm nay giá đóng cửa 13.600 đồng/cổ phiếu thì ngày mai công ty không được đặt giá cao hơn 13.600 đồng/cổ phiếu + 300 đồng/cổ phiếu = 13.900 đồng/cổ phiếu. Nhưng quy định như vậy cũng có thể hiểu là mỗi ngày cổ phiếu này sẽ có thể tăng đều đều 3 đơn vị (với lượng cầu khủng nói trên).
Thứ ba, quy định cũng ghi rõ: khối lượng mua lại không được vượt quá 10% khối lượng giao dịch của ngày liền trước. Nhìn sơ qua thì thấy bất hợp lý ở chỗ: lượng giao dịch bình quân hiện nay của STB chỉ dao động dưới mức 1 triệu cổ phiếu, trong khi đó lệnh mua lại tối thiểu 2,7 triệu cổ phiếu thì làm sao được phép đặt?
Với 3 điểm quy định nêu trên, dễ suy ra được mục đích chính của quy định về cổ phiếu quỹ là nhằm ngăn ngừa tình trạng thao túng giá, kinh doanh trên chính cổ phiếu của mình, ví dụ như cấm mua trần, cấm đặt lệnh quá khủng vào một phiên để "dọa" bên bán...
Nhưng với lượng đăng ký khủng của STB, mọi ngăn ngừa nói trên đều trở nên vô nghĩa.
Hoàng Nam
tbktvn



Xem bài viết: STB mua 100 triệu cổ phiếu quỹ: Mục đích thực sự?