Mục tiêu CPI 2012: Thiếu sáng kiến sẽ là kỳ vọng ảo!
Các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 vừa được Quốc hội thông qua sáng 9.11. Một trong những chỉ tiêu đáng quan tâm và còn gây nhiều băn khoăn, đó là ấn định mức trần lạm phát dưới 10%.
Xung quanh nội dung này, Dân Việt đã trao đổi với chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.
Thưa ông, Quốc hội vừa thông qua chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2012 với mức lạm phát dưới 10%, GDP từ 6-6,5%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về khả năng hoàn thành chỉ tiêu này khó khả thi vì năm 2011 lạm phát đang ở mức rất cao. Ông nghĩ sao về chỉ tiêu này?
- Tôi cho rằng muốn đạt được chỉ tiêu này thì cần phải có nhiều chính sách đi kèm. Bởi vì nếu vẫn tiếp tục những chính sách như hiện nay mà không có sự đột phá gì thì chắc chắn chỉ tiêu này sẽ không đạt được. Tôi ví dụ nếu chính sách tiền tệ vẫn không có gì cải thiện, lãi suất vẫn trên 20%, hệ thống ngân hàng vẫn chưa hoạt động lành mạnh và ổn định thì chắc chắn cuối năm sẽ lại phải điều chỉnh chỉ tiêu.

Quốc hội, Chính phủ và người dân đang kỳ vọng mức lạm phát năm 2010 sẽ dưới 10%.

Để thực hiện được những chỉ tiêu này, theo ông cần có những giải pháp gì. Đâu là thuận lợi, đâu là khó khăn, thách thức trong việc kiềm chế lạm phát trong năm 2012?
- Kỳ vọng đưa chỉ số giá tiêu dùng (CPI) về dưới 10% sẽ tùy theo nhiều tác nhân mà Chính phủ cần phải giải quyết. Tôi cho rằng có 3 tác nhân quan trọng quyết định rất lớn đến tính khả thi của chỉ tiêu này. Đó là tình trạng tham nhũng và chi phí tiêu cực trong nền kinh tế. Chính những yếu tố này là thủ phạm đẩy giá tiêu dùng lên cao.
Thứ hai, đó là chính sách điều hành giá đối với nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế như điện, than, xăng dầu… phải thực sự phù hợp với từng thời điểm. Và thứ ba đó là quản lý thị trường như thế nào để nguồn hàng hóa từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng được thông thoáng hơn. Đây là những việc lớn cần phải làm ngay, bởi nếu không có sáng kiến và quyết liệt thì những chỉ tiêu Quốc hội đặt ra sẽ là kỳ vọng ảo.
Quốc hội nhận định tỷ giá là yếu tố quyết định đến CPI của năm 2012 vì năm tới, được dự báo sẽ ít có khả năng biến động lớn về giá hàng hóa thế giới. Tuy nhiên, thời điểm này tỷ giá vẫn đang có biến động và chưa thực sự ổn định, nhiều dự báo sẽ còn tiếp tục biến động. Theo ông thì liệu tỷ giá có phải là yếu tố quyết định và liệu có ổn định hay không?
- Tôi cho rằng những nhận định như vậy là thiếu cơ sở. Không hiểu dựa vào đâu để dự báo giá nguyên liệu hàng hóa thế giới trong năm 2012 sẽ không biến động trong khi hiện tại giá lương thực đang rất cao, lũ lụt ở Thái Lan đang hoành hành ghê gớm, giá xăng dầu hạ cũng chỉ là dự đoán.
Quốc hội đưa ra chỉ tiêu, nhưng Quốc hội cũng cần đưa ra phương án, thậm chí là yêu cầu Chính phủ phải giải quyết ngay để đảm bảo tính khả thi của chỉ tiêu.
Chuyên gia Bùi Kiến Thành

Chính vì vậy, tôi cho rằng mình cần phải dựa trên những điều kiện chủ quan hơn là dựa vào khách quan bên ngoài. Quốc hội đưa ra chỉ tiêu, nhưng Quốc hội cũng cần đưa ra phương án, thậm chí là yêu cầu Chính phủ phải giải quyết ngay để đảm bảo tính khả thi của chỉ tiêu. Cụ thể nhất là đối với chính sách tiền tệ, lãi suất, bởi vì với lãi suất dưới 10% thì khác mà trên 20% như hiện nay lại khác.
Còn xung quanh vấn đề tỷ giá, tôi cho rằng, phải có tỷ giá ổn định thì nền kinh tế mới ổn định, lạm phát mới hạ. Trong khi nhập siêu luôn cao, ngoại tệ có lúc lại để dành nhập khẩu vàng về bán trong khi không đem lại lợi ích cho nền kinh tế… thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối khiến VND yếu, tỷ giá sẽ còn bất ổn.
Xin cảm ơn ông!
Phương Hà (thực hiện)
dân việt



Xem bài viết: Mục tiêu CPI 2012: Thiếu sáng kiến sẽ là kỳ vọng ảo!