Hai mặt cổ phiếu điện tử

Những tập cổ phiếu in tên doanh nghiệp, mệnh giá, năm phát hành đã lùi dần vào quá khứ, thay vào đó là cổ phiếu điện tử với nhiều tiện ích. Lợi ích thì nhiều, nhưng không hẳn không có rủi ro khi doanh nghiệp quản lý cổ phiếu điện tử.

Lợi ích

Với việc đầu tư khoảng 1.000 - 5.000 USD (tùy quy mô DN), mỗi CTCP sẽ có một hệ thống quản lý cổ phiếu bằng phần mềm hiện đại. Thực tế cho thấy, việc này mang lại lợi ích cho các bên tham gia giao dịch. Với cổ phiếu điện tử, công ty phát hành có thể quản lý số lượng lớn cổ đông, tính toán chính xác, chia sẻ thông tin dễ dàng và thực hiện được nhiều loại báo cáo (cổ tức, cổ phiếu phát hành, cổ phiếu thưởng…). Ngoài ra, công ty không mất nhiều chi phí in ấn, lưu giữ cổ phiếu, giảm được khối lượng công việc và có thể thực hiện chuyển nhượng cổ phiếu cho cổ đông tại nhiều địa điểm. Còn NĐT có thể thực hiện nhanh chóng giao dịch, tận dụng tối đa cơ hội trên thị trường.

Mỗi NĐT sẽ được cấp một mã số cổ đông, đồng thời là mã số tài khoản để thực hiện giao dịch. Tại Ngân hàng Quân đội (MB), sau khi thực hiện lưu trữ điện tử, NĐT chỉ cần viết yêu cầu chuyển nhượng cổ phiếu, đại diện Ngân hàng xác nhận vào đó là việc chuyển nhượng hoàn thành. Mọi việc thay đổi sở hữu cổ phiếu sẽ được Ngân hàng điều chỉnh trên hệ thống.

Tại Ngân hàng Habubank, quy trình cũng diễn ra tương tự. Nếu NĐT cần có xác nhận việc sở hữu cổ phiếu thì Ngân hàng sẽ cung cấp, chứ không có sổ cổ đông hay giấy chứng nhận gì.

Ông Trần Công Chính, Chủ tịch HĐQT CTCP Phần mềm OSS cho biết, hiện nay, hầu hết các DN đều thực hiện quản lý cổ phiếu bằng phần mềm. Trong vòng 2 năm trở lại đây, Công ty đã cung cấp cho 200 DN giải pháp quản lý sổ cổ đông, trong đó nhiều đơn vị đã niêm yết trên sàn. Các CTCK như Bảo Việt, Sacombank (SBS), Dầu khí đều dùng phần mềm này để quản lý cổ phiếu của công ty đại chúng ủy quyền quản lý sổ cổ đông.

Bất cập

Mới đây, có NĐT phản ánh với ĐTCK về việc DN mà họ đầu tư làm mất 10.000 cổ phiếu. Do cổ phiếu có tính thanh khoản cao nên doanh nghiệp không thực hiện quản lý cổ phiếu theo cách in ấn (cách làm truyền thống), mà chỉ lưu ký trên hệ thống lưu giữ điện tử. NĐT bức xúc khi thấy DN cung cấp các sao kê thể hiện số lượng cổ phiếu và ngày giao dịch khác nhau. Điều này khiến NĐT cho rằng, DN đã tự ý sửa các giao dịch để hợp lý hóa việc thất lạc 10.000 cổ phiếu của mình. Trong khi đó, DN yêu cầu NĐT xuất trình các giấy tờ liên quan đến việc sở hữu cổ phiếu thì NĐT này lại không có. Sự việc này cho thấy, khi sở hữu cổ phiếu điện tử, rủi ro cho NĐT là việc không lưu giữ các giấy tờ chứng minh sở hữu hoặc phản ánh diễn biến giao dịch nên khi xảy ra tranh chấp, phần thua thiệt sẽ nghiêng về phía NĐT.

Ngoài rủi ro trong quá trình giao dịch, do lưu trữ trên hệ thống điện tử nên nếu không được bảo mật tốt hoặc máy chủ bị hỏng cũng là rủi ro rất lớn cho cả DN và cổ đông của DN.

Một rủi ro nữa là NĐT khó có thể kiểm soát cổ phiếu của mình. Vì lưu giữ trên hệ thống điện tử nên cổ phiếu có thể bị vay mượn, do DN có điều kiện điều chuyển cổ phiếu từ tài khoản nọ sang tài khoản kia mà không cần sự đồng ý của cổ đông. Việc mất mát có thể xảy ra nếu NĐT không lưu giữ những giấy tờ gốc.

Tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), tất cả các cổ phiếu dù phát hành dưới hình thức chứng chỉ hay ghi sổ thì khi đưa vào đăng ký tại VSD đều phải chuyển sang hình thức ghi sổ (theo Quyết định 87/2007/QĐ-BTC). Trước khi niêm yết trên thị trường chứng khoán, DN thực hiện đăng ký chứng khoán với VSD. Sau khi chấp thuận đăng ký, VSD sẽ nhận lưu ký chứng khoán. NĐT lưu ký cổ phiếu với CTCK, CTCK đăng ký lưu ký với VSD và cơ quan này theo dõi chứng khoán NĐT sở hữu trên hệ thống tài khoản của CTCK.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn yêu cầu các công ty đại chúng thực hiện việc lưu ký tập trung cổ phiếu tại VSD. Dù muốn hay không, các DN sẽ phải tuân thủ quy định trên. Tuy nhiên, việc đầu tư cho riêng mình hệ thống phần mềm quản lý chứng khoán điện tử tại các công ty đại chúng vẫn là cần thiết, vì đây là cách làm tiện lợi trong quá trình quản trị, quản lý NĐT…

Nguồn: http://vfinance.vn/

Linkgốc:http://vfinance.vn/m13/sm22/n16363/c...eu_dien_tu.htm