Cuộc "cách mạng về tiền lương" ở Sacombank
Cuối năm 2003, Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) quyết định thay đổi hoàn toàn cách trả lương hiện tại. Cuộc "cách mạng" này được tiến hành nhằm trả lương đúng theo năng lực nhân viên...
Cuối năm 2003, Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) quyết định thay đổi hoàn toàn cách trả lương hiện tại. Cuộc "cách mạng" này được tiến hành nhằm trả lương đúng theo năng lực nhân viên.

Chính sách lương thưởng là một đòn bẩy quan trọng để nhà quản lý chiêu dụ người tài, giữ người giỏi và khuyến khích nhân viên cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung của doanh nghiệp. Nhưng xây dựng được một chính sách lương thưởng phù hợp với doanh nghiệp vẫn luôn là một bài toán khó.

Bài toán này lại càng hóc búa hơn đối với một doanh nghiệp có 1.800 nhân viên như Sacombank khi họ muốn thay đổi hoàn toàn chính sách lương, đặc biệt là khi chính sách này đã tồn tại suốt 13 năm nay.

Phá vỡ các thông lệ

"Tôi không tin các nhà quản lý nước ngoài "có phép" trong nghệ thuật dùng người. Họ cũng chỉ có các công cụ như chúng ta. Vấn đề nằm ở chỗ sử dụng như thế nào", Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, Đặng Văn Thành, nói.
Theo ông Thành, điều quan trọng là phải có chính sách đúng trong việc đãi ngộ nhân viên để họ gắn bó với mình. "Chính vì vậy khi có đủ điều kiện, chúng tôi quyết định thay đổi chính sách lương bổng. Lương phải được trả theo đúng sức lao động và thưởng xứng đáng với sự đóng góp của mỗi cá nhân", ông Thành nói.

Sacombank đã phá vỡ thông lệ trả lương được áp dụng trong nhiều ngân hàng cổ phần. Thông thường, lương của nhân viên được ước tính dựa trên thang lương của hệ thống ngân hàng quốc doanh rồi nhân thêm một hệ số nào đó. Và rồi cứ thế, đến hẹn ba năm, nhân viên đó được tăng lương.

Một "quy tắc" bất thành văn là nhân viên làm việc ở các chi nhánh, phòng giao dịch ở tỉnh luôn bị thiệt thòi so với người làm cùng công việc ở hội sở vì mức lương của họ được trả theo mặt bằng chung của địa phương đó. Chính sách lương mới ở Sacombank đã loại bỏ bất công này: lương được trả theo thực tế công việc, tất cả các nhân viên cùng được hưởng mức lương theo một mặt bằng chung.

Theo lãnh đạo Sacombank, cách trả lương mới chắc chắn sẽ phát huy tác dụng. Nhân viên sẽ làm hết việc chứ không hết giờ vì tiền lương sẽ được trả theo năng lực, theo tính chất và khối lượng công việc mà họ đảm nhận.

Quan trọng không kém, cơ hội tăng lương cho mỗi người cũng sẽ tỷ lệ thuận với hiệu quả công việc và không còn phải chờ đến ba năm.

Sáu tháng: 70 cuộc họp và 250 loại công việc

Nhưng chuyện trả lương theo năng lực không phải là vấn đề mới. Vậy thì, thực chất của hệ thống lương thưởng của Sacombank là gì?

Trên thực tế, xây dựng được một hệ thống cơ sở đánh giá đúng hiệu quả làm việc của mỗi nhân viên, qua đó đưa ra mức lương phù hợp là điều rất khó. Muốn trả lương đúng theo hiệu quả công việc, người quản lý phải biết chính xác mức độ đóng góp, tầm ảnh hưởng của công việc này đến công việc chung, độ phức tạp của công việc, cần những kiến thức chuyên môn gì để hoàn thành nhiệm vụ...

Để làm được việc này, một đội "đặc nhiệm" đảm nhận dự án cải cách lương được thành lập giữa năm nay. Đội "đặc nhiệm" được sự giúp sức của một công ty tư vấn về nguồn nhân lực, và tất cả các phòng ban. Nhưng cũng phải mất hết mấy tháng trời mới hoàn tất được bản mô tả cho 250 loại công việc khác nhau ở ngân hàng. Sau đó, họ tiếp tục xây dựng các tiêu chí và hệ thống thang điểm chi tiết đánh giá cụ thể từng loại công việc.

Chẳng hạn ở khâu đánh giá độ phức tạp của công việc trong bản mô tả gồm có bốn phần: khó khăn đã được xác định; khó khăn; phức tạp và rất phức tạp. Đi sâu hơn nữa, từng loại công việc lại được chia ra các cấp độ đánh giá khác nhau, với các mức lương khác nhau. Hệ thống đánh giá chi tiết này đã giúp hình thành một cuộc đua: khi hai nhân viên cùng làm một công việc ở thời điểm như nhau, người có năng lực cao hơn sẽ có cơ hội tăng cấp, tăng lương nhanh hơn.

Cơ chế trả lương mới của Sacombank không chỉ thay đổi cách tính lương cơ bản như vừa nói, ngân hàng này cũng hết sức chú trọng đến các khoản thưởng và phụ cấp. Thu nhập từ tiền thưởng là khoản thu nhập dựa vào kết quả hoàn thành công việc của mỗi nhân viên trên cơ sở những mục tiêu đã được thiết lập sẵn. Nếu thưởng là công cụ để ngân hàng tạo động lực khuyến khích nhân viên làm việc, phụ cấp lại là công cụ cho chiến lược giữ người tài của ngân hàng.

Những thành viên của đội "đặc nhiệm" và bản thân giám đốc nhân sự của Sacombank nói rằng họ không sao tả nổi cảm giác của mình vào ngày cuối tháng 11 vừa qua. Đó là ngày mà toàn bộ nhân viên Sacombank được nhận mức lương mới theo một hệ thống đánh giá lương, chính sách thưởng và phụ cấp hoàn toàn khác trước.
Đó cũng là thời điểm mà những người lãnh đạo ngân hàng cất được gánh nặng suy nghĩ, và các cuộc họp liên miên trong suốt nửa năm trời, yên tâm chờ các kết quả do chính sách lương mới đem lại.

Để có thể thực hiện đợt cải cách lương, Sacombank đã có khoảng 70 cuộc họp. Gần phân nửa trong số đó là để xây dựng hệ thống đánh giá công việc. Các cuộc họp còn lại nhằm giải thích để làm bớt đi các băn khoăn của nhân viên, thuyết phục để có được sự cam kết tuyệt đối theo sát mục tiêu và nguyên tắc đặt ra ngay từ đầu của cả tập thể lãnh đạo.

Các thành viên của đội "đặc nhiệm" nói rằng, sự quyết tâm từ Hội đồng Quản trị đến các bộ phận thực hiện chính là bí quyết thành công cho một cuộc cải cách lương bổng.
Cách tính lương mới làm quỹ lương Sacombank tăng thêm 33%. Nhưng Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Văn Thành nói ông không lo về điều đó. "Muốn tạo một đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp ngân hàng phải trả công cho họ xứng đáng. Con người là tài sản vô giá của doanh nghiệp. Đối với chúng tôi đây chính là đầu tư chứ không phải là chi phí tăng thêm", ông Thành nói.

Ở Việt Nam, khi một công quy tụ được nhiều người giỏi, người ta thường hay bảo: "Ông chủ này có tay xài người!". Thực hư của chuyện "có tay xài người" như thế nào thì không ai dám chắc, nhưng có điều chắc chắn là cách trả công của ông chủ đó đã làm cho những người dưới quyền hài lòng và họ sẵn lòng gắn bó với công ty.
Sacombank cũng đang muốn làm được điều đó.
TBKTSG



Xem bài viết: Cuộc "cách mạng về tiền lương" ở Sacombank