Tái cơ cấu ngân hàng: Ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý
Đến thời điểm này có thể khẳng định tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, mang tính quyết định đến sự thành công của toàn bộ chương trình tái cấu trúc nền kinh tế. Hàng loạt vấn đề phức tạp đặt ra: tiến độ/lộ trình tái cơ cấu nên triển khai thế nào (đi trước/đồng hành/hoặc đi sau tốc độ cải cách kinh tế)/nên khởi động và kết thúc chương trình tái cơ cấu ra sao?
Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay vẫn còn chồng chéo và bất cập cần phải sửa đổi. Ảnh chụp tại chính nhanh ở một ngân hàng ở TPHCM.

Hiện nay dư luận dường như đang dành phần lớn sự quan tâm cho bài toán sáp nhập, hợp nhất, giảm số lượng các ngân hàng, nhất là ngân hàng có quy mô nhỏ, hoặc đã và đang “có vấn đề” trong quản trị điều hành, thanh khoản... với mong muốn nhanh chóng tạo lập nên những định chế tài chính lớn, nhiều tiềm lực, có khả năng chi phối thị phần, xem đó như là công việc ưu tiên của quá trình tái cơ cấu. Trên thực tế, cách đặt vấn đề như vậy là không chuẩn, chưa đúng trọng tâm, dễ phạm sai lầm nóng vội chủ quan, không phù hợp với cơ chế thị trường, có khả năng mang lại hệ lụy xấu. Xét trên phạm vi tổng thể của một chiến lược tái cơ cấu, đặc biệt đối với lĩnh vực nhạy cảm và quan trọng như tài chính - ngân hàng, thiết nghĩ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tập trung vào những nhiệm vụ chính:
Trước hết, cần ưu tiên tập trung hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, nâng cao hiệu quả phối hợp điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ. Đây có thể xem là khâu yếu nhất trong toàn bộ cơ chế quản lý vĩ mô hiện nay, là nguyên nhân nội tại chủ yếu dẫn đến bất ổn vĩ mô, lạm phát cao, những nguy cơ rủi ro đã và đang phát sinh trong nền kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng trong nhiều năm vừa qua. Quá trình hoàn thiện thể chế nên được xem xét kỹ trên cả ba mặt: đánh giá đúng thực trạng - định hướng sửa đổi bổ sung, cập nhật mức độ thích nghi trong hoàn cảnh mới - giải pháp then chốt nhằm nâng cao hiệu lực thực thi thể chế. Hiện nay, riêng trong lĩnh vực ngân hàng, vẫn còn khá nhiều bất cập, bất ổn khi triển khai thực thi các quy định pháp luật về đăng ký thành lập và hoạt động ngân hàng, tiến độ tăng vốn điều lệ, thanh tra giám sát rủi ro hệ thống, quản trị nhân lực, trình độ năng lực công nghệ ngân hàng tối thiểu...
Mục tiêu sửa đổi thể chế hành lang pháp lý không chỉ nhắm đến các ngân hàng thương mại, mà quan trọng hơn là thông qua đó tiến hành cuộc cải tổ lớn nhằm định vị lại vai trò, nâng cao hiệu năng của một số cơ quan quản lý tài chính - tiền tệ chủ chốt ở cấp trung ương như NHNN, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán… kết hợp với xem xét lại chức năng của các cơ quan quản lý tài chính - tiền tệ cấp địa phương (tỉnh, thành phố). (Nói khác đi, cần tự sửa mình trước khi sửa đổi người khác).
Mô hình quản lý, giám sát chính sách tài chính - tiền tệ chia cắt theo địa giới hành chính như hiện tại liệu có còn phù hợp với bối cảnh nền kinh tế đang có xu hướng hội tụ theo từng vùng, khu vực, kể cả tính quốc tế hóa ngày càng cao? Thực tiễn vừa qua cho thấy, chức năng giám sát này ở địa phương, vì nhiều lý do tế nhị khác nhau, đã bị vô hiệu hóa, đơn cử như tình trạng huy động vượt trần lãi suất, chi tiêu công tràn lan, kém hiệu quả, chưa kể tình trạng bộ máy quản lý tài chính - tiền tệ hiện nay là quá cồng kềnh, chi phí cao, kém hiệu lực...
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng phải đồng thời giải quyết hai nhiệm vụ chính, đó là tập trung củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của từng ngành và lĩnh vực kinh tế. Hay nói khác đi, phải lấy tiêu chí năng lực cạnh tranh thị trường, chất lượng phục vụ khách hàng, năng lực phục vụ sự nghiệp tái cấu trúc kinh tế - xã hội đất nước làm tiêu chí cao nhất để đánh giá hệ thống ngân hàng nên tồn tại và phát triển theo định hướng nào, chứ không phải ngược lại, quá nôn nóng thành lập, thu hút một cách vội vã, hoặc cố sức duy trì nhiều tổ chức ngân hàng (trong và ngoài nước) bộc lộ nhiều yếu kém, dẫn đến rối loạn, mất ổn định kéo dài, làm suy yếu kỷ cương nền tài chính - tiền tệ quốc gia.
Với cách tư duy như vậy thì vấn đề quan trọng đặt ra cho quá trình tái cơ cấu ngân hàng hiện nay chính là nhanh chóng thể chế hóa và cụ thể hóa những tiêu chí về “năng lực hoạt động”, “năng lực cạnh tranh”, kể cả tiêu chí “tồn tại/phá sản”, công bố rõ lộ trình thời gian phải hoàn thành, để các ngân hàng xác định được mục tiêu phấn đấu và tự biết cách định đoạt số phận của chính mình.
Lấy ví dụ về tiêu chí tăng vốn điều lệ, nếu NHNN thực sự nhất quán với tiêu chí đề ra ban đầu như trước đây, không thay đổi giữa dòng, thì đến nay có lẽ đã xuất hiện một vài điển hình về các ngân hàng tự động hợp nhất lại với nhau? Ngoài ra, để đi đến cùng hiệu quả của tiến trình tái cơ cấu, cơ quan quản lý tài chính tiền tệ quốc gia cũng không nên và không được phép né tránh, cần định hướng trước cho dư luận xã hội nhận thức rõ về sự cần thiết phải chấp nhận làm quen với thông lệ quốc tế về giải pháp “Đóng cửa để sáp nhập/hợp nhất” đối với những ngân hàng thuộc diện phá sản, không đủ năng lực tồn tại, hoặc bị đặt vào tình trạng giám sát đặc biệt. Âu đó cũng là một trong những thượng sách để góp phần “bình thường hóa” mọi vấn đề mà lâu nay cứ tưởng chừng quá gai góc, gây cản trở đến đổi mới tư duy quản lý?
Tâm Dân
TBKTSG Online



Xem bài viết: Tái cơ cấu ngân hàng: Ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý