Vietstock Weekly 07 - 11/11: Chưa cần thiết phải bắt đáy tại ngưỡng hỗ trợ
(Vietstock) – Mặc dù thị trường đang ở những ngưỡng hỗ trợ khá mạnh nhưng vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy cần thiết phải bắt đáy tại những ngưỡng này.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN QUA
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 2.72% xuống mức 410.57 điểm; HNX-Index giảm mạnh 5.68% đứng tại 65.97 điểm; trong khi chỉ số VS 100 cũng tuột mất 3.41%.
Các chỉ số Market Cap đều sụt giảm mạnh trong tuần qua. VS-Large Cap giảm điểm ít nhất nhưng cũng mất 1.88%, tiếp theo là VS-Micro Cap giảm 4.27%, VS-Small Cap giảm 4.51% và VS-Mid Cap giảm mạnh nhất 5.23%.
Tổng khối lượng khớp lệnh trên HOSE tiếp tục gia tăng 17.9%, và tăng mạnh 31.9% so với tuần giao dịch trước. Tuy nhiên diễn biến tích cực của thị trường có chiều hường sụt giảm mạnh dần về cuối tuần.

Diễn biến giao dịch thị trường cho thấy thấy tâm lý e dè thận trọng đang ngày một gia tăng và chiếm ưu thế. Tâm lý này được thể hiện khá rõ trên HNX. Trong khi đó, VN-Index sụt giảm không quá nhiều vì sự nâng đỡ ở nhóm Large Cap lại xuất hiện trở lại.
MBB lên sàn đã nhanh chóng trở thành mã “hot” bên cạnh các mã quen thuộc khác như IJC, KLS, VND… trên HOSE và HNX. Sau khi tăng nhẹ trong phiên chào sàn, giá MBB cũng chịu chung xu hướng giảm trên sàn, nhưng khối lượng khớp lệnh khá lớn so với các cổ phiếu khác trên HOSE.
Giao dịch thỏa thuận diễn ra khá sôi động, trong đó STB có giao dịch tăng đột biến với gần 12.5 triệu đơn vị được sang tay; tiếp theo là MBB với 5.5 triệu đơn vị (giao dịch mua của khối ngoại), KDC với 2 triệu đơn vị và HVG 1 triệu đơn vị.
Sau các vụ việc “lùm xùm” liên quan đến thị trường bất động sản cũng như căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, đến lượt CTCK SME lặp lại việc thiếu hụt tiền trong thanh toán bù trừ. Quy mô sự việc không lớn nhưng điều mất mát lớn nhất của SME là niềm tin của giới đầu tư sẽ bị sứt mẻ đáng kể. Mặc dù đã có những giải trình do lỗi hệ thống nhưng vẫn không ngăn nhà đầu tư xả hàng mạnh tại mã chứng khoán này. Tâm lý chung của thị trường cũng bị ảnh hưởng nặng nề sau sự việc này.
Quyết định mua lại tối đa 1,000 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu kèm chứng quyền của FPT đang đặt ra hàng loạt câu hỏi về việc đảm bảo lợi ích của cổ đông. Ngoài ra, lý do mua lại được HĐQT giải thích là để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn cũng không hợp lý vì lãi suất trái phiếu phải trả rất “hời”, chỉ có 7%, so với lãi suất cao ngất ngưỡng hiện nay.
Tuần qua, chỉ có 2 ngành tăng điểm gồm ngành Sản xuất Thực phẩm – Đồ uống tăng 4.37% và Dược phẩm tăng 0.44%. Trong khi đó, BVH giảm mạnh liên tục kéo chỉ số Bảo hiểm giảm 8.06%, các ngành nóng như Bất động sản, Xây dựng, Chứng khoán và Ngân hàng đều sụt giảm mạnh lần lượt 6.76%, 5.88%, 5.20% và 3.88%.
Tổng cộng tuần qua, khối ngoại đã mua ròng gần 100 tỷ đồng trên cả hai sàn, bao gồm mua ròng 109 tỷ đồng trên HOSE và bán ròng 9 tỷ đồng trên HNX.
Trên HOSE, khối ngoại mua ròng mạnh nhất MBB với giá trị 83 tỷ đồng tương ứng với hơn 6 triệu đơn vi, trong khi bán ròng mạnh nhất NTL với giá trị 16.6 tỷ đồng.
Trên HNX, SHB bị bán ròng mạnh với giá trị 12.9 tỷ đồng, trong khi PGS được mua ròng mạnh nhất nhưng chỉ đạt 2.5 tỷ đồng.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN 07 – 11/11/2011
Tình hình kinh tế thế giới vấn chưa có gì sáng sủa khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế diễn ra rất chậm và những quan ngại về những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Trong khi đó, những nỗ lực giải cứu Hy Lạp đang gặp nhiều thách thức từ chính nội bộ của đất nước này khiến cho tình hình trở lại căng thẳng trong tuần qua.
Trong nước, NHNN thực hiện các biện pháp mạnh nhằm quản lý các hoạt động mua bán ngoại tệ với khách hàng và trên thị trường liên ngân hàng tại một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để đảm bảo việc thực hiện quy định trần tỷ giá. Động thái này của NHNN đã giúp kìm hãm lại cuộc rượt đuổi căng thẳng giữa tỷ giá trên thị trường tự do và tỷ giá giao dịch “ngầm” trên thị trường ngân hàng như những tuần trước đó.
Mặc dù khó khăn đã tạm thời qua đi nhưng liệu biện pháp này có thể kìm chân “con ngựa bất kham” tỷ giá đến khi nào đang là câu hỏi được giới chuyên gia đặt ra, khi những nguyên nhân hệ thống dẫn đến gia tăng tỷ giá vẫn chưa có giải pháp bền vững.
Nóng lạnh bất thường trên thị trường lãi suất liên ngân hàng tiếp tục thu hút sự chú ý của thị trường trong tuần qua. Việc biến động bất thường của lãi suất liên ngân hàng cho thấy vấn đề thanh khoản của các ngân hàng vẫn chưa được xoa dịu. Rõ ràng việc NHNN vẫn chưa ổn định được “huyết mạch” của nền kinh tế sẽ thêm một điểm trừ đối với chứng khoán.
Tuần giao dịch tới, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở) báo cáo thông tin về tín dụng liên quan đến bất động sản chậm nhất vào ngày 09/11/2011. Nhiều khả năng đây là bước đi đầu tiên trong việc kiểm soát dư nợ tín dụng phi sản xuất về 16% vào cuối năm, và chuẩn bị cho một số thay đổi trong chính sách tiền tệ đối với lĩnh vực này trong năm 2012. Chúng tôi sẽ có bình luận về chủ đề này trong báo cáo Macro View.
Thị trường đã có tuần giao dịch tiêu cực trên nhiều phương diện. Thống kê lệnh cho tín hiệu xấu trong khi độ rộng thị trường tiêu cực và cán cân nghiêng hẳn về bên cung, việc tháo hàng diễn ra ngày một mạnh mẽ hơn khi về cuối tuần.
Mặc dù thị trường đang ở những ngưỡng hỗ trợ khá mạnh, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy cần thiết phải bắt đáy tại những ngưỡng này.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Tiếp tục giằng co. Đã 2 phiên trôi qua kể từ khi runaway gap xuất hiện trong phiên giao dịch ngày 02/11/2011 (tương đương vùng 410 – 415 điểm) mà khoảng trống này vẫn chưa bị lấp đầy. Điều này cho thấy khả năng suy giảm tiếp tục của VN-Index đang rất lớn.
Sự thoái lùi trong tuần vừa qua của VN-Index một lần nữa lại chứng tỏ sức mạnh kháng cự của SMA 100 và SMA 50. Hai đường này đã báo hiệu chính xác sự thoái lùi của VN-Index trong đợt đảo chiều vừa qua.
Một tín hiệu khác cũng được giới phân tích kỹ thuật chú ý là Stochastic Oscillator trung hạn cũng bắt đầu cho tín hiệu bán. Đây có thể là dấu hiệu báo trước cho sự mạnh lên của đà giảm giá.
Thanh khoản vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục sau nhiều phiên liên tục sụt giảm. Như chúng tôi đã từng đề cập, sự tăng trưởng của khối lượng cần phải kéo dài từ 4 – 6 phiên mới có thể tạo ra được những bước ngoặt đáng kể.
Nếu như thanh khoản không thể duy trì trên 30 triệu đơn vị/phiên trong những phiên kế tiếp thì việc bắt đáy sớm vẫn chưa nên thực hiện.

HNX-Index – Nguy cơ thủng đáy cũ. Lo ngại về việc đáy cũ 65 – 66 điểm có thể thủng đang lên rất cao khi mà khối lượng liên tục sụt giảm trong các phiên vừa qua.
Tín hiệu bán của RMO Trade Mode trong phiên giao dịch ngày 03/11/2011 đã làm tăng thêm mối lo ngại này. Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần thận trọng và không nên bắt đáy sớm nếu HNX-Index không tăng trưởng mạnh trở lại trong các phiên tới.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tiếp tục điều chỉnh (-0.19%) trong phiên giao dịch ngày 04/11/2011, VS 100 tiếp tục gây lo ngại về khả năng thủng vùng đáy cũ. Khối lượng cũng không hề có cải thiện và thậm chí còn giảm sút về cuối tuần.
Cần thận trọng và thậm chí vẫn có thể cắt lỗ trong những phiên giao dịch đầu tuần sau nếu mức thua lỗ không quá lớn.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 04/11/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 0.61, tức số mã tăng giá bằng 0.61 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.25, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.25 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.57 lần và VS-U/D HNX bằng 0.32 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 2.08.
Chỉ số VS-Thrust VN tiếp tục dịch chuyển xuống vùng thấp nhưng vẫn đang ở mức trung bình nên chưa thể có đột biến được.

THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG TUẦN 31/10– 04/11/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Weekly 07 - 11/11: Chưa cần thiết phải bắt đáy tại ngưỡng hỗ trợ