“Thủ thế” trên thị trường liên ngân hàng
Ngân hàng cho vay đòi ngân hàng đi vay phải có thế chấp trên thị trường liên ngân hàng, chuyện chưa từng có từ trước nay. Đòi hỏi này, càng khiến thị trường liên ngân hàng thêm căng thẳng, các ngân hàng co mình, hạn chế tối đa chuyện cho vay, thậm chí, hoạt động vay mượn USD gần như đóng cửa.
Sau những lần điều chỉnh tỷ giá của ngân hàng Nhà nước, đến nay tỷ giá ngoài thị trường tự do đã dịu lại, song tỷ giá trong ngân hàng thì lại tăng cao hơn, bởi những căng thẳng trong khu vực này.
Vay mượn trên liên ngân hàng căng thẳng
Việc vay mượn trên thị trường này, từ đầu năm nay đã không dễ dàng gì, lại càng khó khăn từ hơn một tháng trở lại đây. Một số ngân hàng quốc doanh, trong đó có Vietcombank, trong thời gian qua đã đòi hỏi ngân hàng nhỏ phải có tài sản thế chấp cho các khoản vay mượn. Điều này đã khiến các ngân hàng vốn đang thiếu thanh khoản, lại càng thêm khốn đốn. Không muốn phải thế chấp tài sản, một số ngân hàng phải chạy đi tìm vay ở ngân hàng khác. Đó là lý do lãi suất liên ngân hàng đã từng tăng lên đến 40%/năm kỳ hạn một tháng trong thời điểm tuần cuối tháng 10 vừa qua.
Việc tăng cường đòi hỏi điều kiện đi kèm theo việc cho vay vốn không chỉ đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao, mà còn khiến các ngân hàng co mình lại, giảm cho vay trên thị trường này, hoặc cho vay và đòi hỏi lãi suất cao ngất. Theo tổng giám đốc một ngân hàng TMCP hàng đầu, nếu đã trong hệ thống ngân hàng mà không tin nhau, đối xử với ngân hàng đi vay như quan hệ tín dụng với một doanh nghiệp, thì những ngân hàng khác càng thủ thế lo cho phận mình, chợ liên ngân hàng càng vắng vẻ.
Không những vậy, vay mượn ngoại tệ trên thị trường này gần như đóng cửa từ giữa tuần trước, nhất là từ sau nghị định 95 ban hành ngày 20.10, về chỉnh sửa và bổ sung các xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Giám đốc phụ trách khối ngoại hối của một ngân hàng lớn cho biết, hầu hết các ngân hàng rút về tự lo cho nhu cầu USD cho doanh nghiệp ở ngân hàng mình. “Một ngân hàng muốn vay mượn USD, ngày trước “la” lên giữa chợ liên ngân hàng là có đáp ứng. Còn nay, họ phải đi lòng vòng từng ngân hàng để hỏi mượn. Tỷ giá liên ngân hàng gần như không tồn tại nữa, vì không đúng với thực trạng toàn hệ thống”, ông cho hay.
Thiếu thanh khoản kéo dài
Từ cuối tuần qua và đầu tuần này, những ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank và Agribank đã trở lại tăng cường hỗ trợ vốn trên liên ngân hàng, cởi bỏ cơ chế thế chấp, thị trường liên ngân hàng dần ổn định trở lại.
Song ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vẫn duy trì cơ chế cho vay phải thế chấp. Trên tờ VnEconomy ngày 3.11, đại diện Vietcombank cho rằng, thông lệ thị trường đồng thời cũng như thực tế giao dịch tại Vietcombank, nghiệp vụ này được tiến hành theo hai hình thức, là cho vay theo hạn mức tín chấp và cho vay có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, theo giới tài chính và các chuyên gia, thông lệ quốc tế và lâu nay tại Việt Nam không có quy định đòi hỏi có thế chấp trên liên ngân hàng.
Lý do xuất hiện đòi hỏi này, là trước đây thị trường liên ngân hàng chỉ là nơi giải quyết những thanh khoản ngắn hạn như qua đêm, 1 tuần, nửa tháng, tối đa là 1 – 2 tháng. Nhưng một vài năm gần đây đã biến tướng, có những khoản vay cả năm trời. Điều này không những cho thấy có thiếu hụt thanh khoản kéo dài trong hệ thống, mà còn khiến tiền nằm trong hệ thống ngân hàng mà không đi ra nền kinh tế phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho hay, từ lâu trên thị trường liên ngân hàng không còn quan hệ vay mượn, mà là gởi tiền qua liên ngân hàng. Theo đó, những khoản tiền hàng ngàn tỉ đồng được ngân hàng lớn gởi lấy lãi suất cao ở ngân hàng nhỏ.
Hồng Sương – Bích Thuỷ
sài gòn tiếp thị



Xem bài viết: “Thủ thế” trên thị trường liên ngân hàng