Tái cơ cấu DNNN: Không thể làm ngơ với cơ cấu nợ
Nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang lâm nạn nợ nần, nảy sinh chuỗi nợ liên hoàn. Nợ xấu ngân hàng ở mức trên 76.000 đồng, trong đó nguy cơ mất trắng khoảng 37.000 tỉ đồng. Tái cơ cấu DNNN không thể lơ đãng với các khoản nợ này.

Xuất hiện trong dự thảo báo cáo của **** uỷ khối doanh nghiệp Trung ương mới đây, những con số lỗ lớn tính từ đầu năm của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đáng để giật mình: gần 8.000 tỉ đồng nợ ở tập đoàn Điện lực; khoảng 1.500 tỉ đồng của tổng công ty Xăng dầu, hay hơn 600 tỉ đồng với tổng công ty Hàng hải… Và, đằng sau những con số lỗ lớn của nhiều tập đoàn, tổng công ty là câu chuyện về nợ xấu ngân hàng và chiếm dụng vốn lẫn nhau. Theo ông Deepak Mishra – kinh tế trưởng ngân hàng Thế giới (WB) hiện các DNNN chiếm tới 60% tín dụng của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, mức nợ của các DNNN đang chiếm tới 70% nợ xấu của các ngân hàng.
Tính đến hết tháng 8.2011, nợ xấu toàn ngành ngân hàng ở mức trên 76.000 tỉ đồng và đang có xu hướng tăng. Trong đó, các tổ chức tín dụng có nguy cơ mất trắng khoảng 37.000 tỉ đồng (số này thuộc nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn). Một số đơn vị có nhiều nợ xấu tăng là các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín, Đệ Nhất, công ty tài chính Dầu khí, ngân hàng liên doanh Việt Thái, ngân hàng United Overseas Bank… Nợ xấu của một số ngân hàng cao hơn mức bình quân của toàn ngành là 3,21%/tổng dư nợ. Trong đó, nợ xấu của Agribank là 6,67%, Vietcombank là 3,47%.
Điều đáng quan tâm là trong lúc nợ xấu ngân hàng tăng nhanh thì việc mua bán nợ xấu theo quyết định 59/2006/QĐ-NHNN chưa đáp ứng nhu cầu, có nhiều công đoạn và mất rất nhiều thời gian. Khi doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, việc giải chấp các tài sản đảm bảo cũng không đơn giản. Vì thế, các định chế nước ngoài rất ít hoặc chưa muốn tham gia vào lĩnh vực này do e ngại rủi ro mua tài sản rồi về sau không bán được. Thực tế này không chỉ gây khó cho các ngân hàng mà nó còn là một dấu hiệu đáng lo ngại cho cả nền kinh tế. Bởi lẽ nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng lên, tín nhiệm quốc gia giảm xuống, định hạn của các tổ chức tín dụng Việt Nam hạ xuống sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Việt Nam trên thế giới.
Hiện các DNNN chiếm tới 60% tín dụng của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, mức nợ của các DNNN đang chiếm tới 70% nợ xấu của các ngân hàng.

Cần hình thành thị trường mua bán nợ
Hiện tại, việc mua và xử lý nợ tại Việt Nam chủ yếu dựa vào công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) – công ty 100% vốn nhà nước thuộc bộ Tài chính, được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ yếu là giải quyết nợ và tài sản tồn đọng của DNNN, hỗ trợ thúc đẩy quá trình sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN. Hoạt động của công ty này vẫn còn nhiều điều phải bàn.
Theo ông Nguyễn Đức Tặng, nguyên phó cục trưởng cục Tài chính doanh nghiệp (bộ Tài chính), tổng giá trị nợ và tài sản (bị loại khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá) từ các DNNN mà DATC đã tiếp nhận tính theo giá trị sổ sách là 3.033 tỉ đồng, trong đó nợ là 1.314 tỉ đồng, tài sản là 1.719 tỉ đồng. Sau khi tiếp nhận, đối với các khoản nợ, hiện DATC mới chỉ thu hồi được 12,6 tỉ/556,2 tỉ đồng, chiếm 2,2% số nợ có đủ hồ sơ. Số nợ không đủ hồ sơ, không có khả năng thu hồi vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Đối với tài sản, DATC đã xử lý tài sản các doanh nghiệp bàn giao, thu hồi được 363 tỉ đồng, bằng 22% giá trị trên số kế toán; xử lý tài sản bị mất, thiếu hụt, thu hồi được 295 triệu/12,7 tỉ đồng. Việc xử lý nợ và tài sản này được đánh giá là chậm, kéo dài.
Theo số liệu của DATC, đến cuối năm 2010, giá trị các khoản nợ thông qua hoạt động mua bán nợ và tài sản mà công ty đã thu hồi là 1.597 tỉ đồng, bằng 85,5% số nợ đã mua; doanh thu bán tài sản đã mua là 464 tỉ đồng.
Một số trường hợp đổ vỡ vì nợ mà điển hình là Vinashin, DATC đánh tiếng là có tham gia nhưng con số cụ thể đến nay vẫn chưa được công bố.
Có thể thấy, con số này chưa thấm vào đâu so với thị trường nợ hiện tại. Nhưng dù sao, thông qua hoạt động của mình, DATC đã giúp các ngân hàng và chủ nợ xử lý một khối lượng lớn nợ tồn đọng, góp phần cải thiện và nâng cao năng lực tài chính để cổ phần hoá DNNN, tăng cường tính an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng trong quá trình cải cách và hội nhập. Những việc này tạo tiền đề cho việc hình thành thị trường mua bán nợ. Vấn đề quan trọng là cho đến nay, hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh của DATC chưa đầy đủ, còn nhiều bất cập, hạn chế.
Theo ông Tặng, để tăng cường xử lý chuyện nợ nần, thứ nhất, cần xem nợ và tài sản DATC mua, bán là một loại hàng hoá kinh doanh của công ty, thuộc tài sản của doanh nghiệp. Vì theo tinh thần của văn bản luật hiện nay (thông tư 39/2004/TT-BTC và thông tư 38/2006/TT-BTC…) thì nợ vẫn được xem là tài sản của Nhà nước. Mặt khác quy định mua, bán xử lý các khoản nợ mua theo thoả thuận là chưa đúng bản chất của hoạt động này.
Theo luật Doanh nghiệp, Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu cấp vốn điều lệ cho DATC và DATC chịu trách nhiệm dân sự trong phạm vi số vốn đó. Tài sản (trong đó có hàng hoá) là tài sản của doanh nghiệp, doanh nghiệp chịu trách nhiệm dân sự bằng toàn bộ tài sản đó. Thế nhưng, trên thực tế, theo đánh giá của nhóm tư vấn chính sách Tài chính thì chủ sở hữu còn can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là hoạt động mua bán nợ. Vì vậy, cần đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và thông thoáng cho hoạt động của DATC, nâng cao tính chủ động trong hoạt động kinh doanh của DATC, đồng thời vẫn bảo đảm sự giám sát của chủ sở hữu.
Lãnh đạo DATC cũng cho biết, ngoài nhiệm vụ giải quyết chuyện nợ và tài sản tồn đọng của DNNN, các vấn đề khác như xử lý nợ trong nền kinh tế, thúc đẩy hình thành thị trường mua bán, xử lý nợ… không được đề cập hoặc được nêu nhưng không mang tính định hướng rõ ràng và không có quy định hướng dẫn cụ thể. Hiện hoạt động của DATC vẫn phụ thuộc vào chỉ định của Chính phủ nên bị hạn chế tính chủ động trong kinh doanh.
Dẫn chứng cho việc hoạt động chưa hiệu quả, ông Tặng khẳng định, hiệu quả sử dụng vốn của DATC chưa cao, “hiện có 3/4 số vốn nhà nước cấp cho DATC chưa được sử dụng vào hoạt động kinh doanh, mà gửi vào ngân hàng là một sự lãng phí rất lớn”. Trong khi vốn đầu tư chưa được sử dụng triệt để thì các hoạt động đầu tư và cung cấp dịch vụ, tư vấn là một phần trong hoạt động kinh doanh của DATC lại chậm được triển khai hoặc chưa triển khai. Cụ thể: tổng số vốn đầu tư của DATC hiện nay là 641 tỉ đồng, trong đó chuyển nợ thành vốn góp là 382 tỉ đồng, đầu tư trực tiếp bằng tiền là 259 tỉ tại 12 doanh nghiệp; trong ngành nghề kinh doanh của DATC có nghề cho thuê tài sản, tư vấn, môi giới mua bán nợ, tư vấn tài chính nhưng hiện nay DATC chưa triển khai các hoạt động này.
Đề xuất giải pháp cho việc tái cơ cấu nợ, nhiều chuyên gia cho rằng nợ và tài sản DATC mua, bán là một loại hàng hoá kinh doanh nên việc tạo dựng thị trường mua bán nợ là yếu tố không thể thiếu. Theo đó, thị trường mua bán nợ nên có sự tham gia một số công ty mua bán nợ của Nhà nước và một số tổ chức kinh tế ngoài Nhà nước. Trong đó, có thể DATC làm đầu tàu trong mô hình và nên mở rộng phạm vi hoạt động xử lý nợ đúng với tầm vóc của công ty xử lý nợ quốc gia.
Mặt khác, theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, cần đảm bảo lợi ích của công ty khi phải thực hiện nhiệm vụ kinh tế vĩ mô, nhiệm vụ công ích, mua bán nợ theo chỉ định.
Trương Minh Tình
SÀI GÒN TIẾP THỊ



Xem bài viết: Tái cơ cấu DNNN: Không thể làm ngơ với cơ cấu nợ