Lo lắng làn sóng đóng tài khoản ở công ty CK nhỏ
Ngày 2/11/2011, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) ra quyết định đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký đối với Công ty cổ phần Chứng khoán SME (SMES) từ ngày 3/11 đến 3/12, bao gồm đình chỉ nhận ký gửi chứng khoán, cầm cố chứng khoán và chuyển khoản chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của thành viên, trừ trường hợp chuyển khoản tất toán tài khoản và chuyển khoản thanh toán giao dịch.
Sàn giao dịch chứng khoán SME. (Ảnh:Vietnam+)

Lý do, SMES thường xuyên vi phạm nghĩa vụ thanh toán giao dịch chứng khoán của thành viên theo quy định của Quy chế hoạt động thanh toán bù trừ chứng khoán và không hoàn trả tiền vay quỹ hỗ trợ thanh toán đúng thời hạn theo cam kết với Trung tâm Lưu ký.
Trước đó, VSD cũng đã có cảnh cáo SMES, do công ty này bị thiếu hụt tiền thanh toán giao dịch chứng khoán đã phải vay Quỹ Hỗ trợ thanh toán với tổng số tiền là 7,9 đồng trong ngày 24 và 31/8/2011. Tuy nhiên sau đó, VSD đã có công văn nhắc nhở gửi SMES, nhưng đến ngày 9/9/2011 công ty vẫn chưa hoàn trả khoản vay Quỹ hỗ trợ thanh toán theo quy định.
Sự kiện này đang gây ra tâm lý hoang mang và khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng về khả năng mất thanh khoản tại một số công ty chứng khoán nhỏ.
Thời gian qua, thị trường chứng khoán ảm đạm quá dài đã khiến giới đầu tư mất mát lớn, các công ty chứng khoán theo đó cũng không tránh khỏi tình trạng thua lỗ liểng xiểng.
Trên hai sàn niêm yết, trong số gần 30 công ty chứng khoán công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2011 thì có tới 18 công ty thua lỗ.
Trong số đó có nhiều tên tuổi lớn, như SHS (Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội) lỗ lũy kế 9 tháng gần 382 tỷ đồng, SBS (Công ty Chứng khoán Sacombank) gần 258 tỷ đồng, VND (Công ty Chứng khoán VNDirect) gần 130 tỷ đồng… và SMES cũng có mức lỗ là 35 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà đầu tư lâu năm trên sàn SME cho biết, hoạt động mua-bán chứng khoán tại SMES vẫn được diễn ra bình thường và chỉ dừng hoạt động lưu ký mới. Hiện tài khoản của ông Tuấn Anh không còn nhiều tiền nên ông này cho rằng không có gì phải quá lo lắng.
“Tuy nhiên do tâm lý bất an, một số nhà đầu tư khác trên sàn đã bắt đầu rút tài khoản để chuyển tới các công ty chứng khoán lớn có giao dịch an toàn,” ông Tuấn Anh nói.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dũng, Chuyên gia tài chính độc lập chỉ ra, sự yếu kém về thanh khoản của một số công ty chứng khoán nhỏ đã lộ rõ và dĩ nhiên sẽ có một làn sóng nhà đầu tư dịch chuyển tài khoản sang giao dịch tại các công ty chứng khoán có tiềm lực tài chính mạnh, có quản trị tốt. Thời điểm này sẽ là giai đoạn đào thải khốc liệt đối với các công ty chứng khoán yếu.
Trong bối cảnh thị trường có quá nhiều rủi ro, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng, mặc dù trên thực tế chưa có hiện tượng các nhà đầu tư cá nhân bị mất tiền tại các công ty chứng khoán. Song các nhà đầu tư nên phòng tránh và tự bảo vệ mình bằng cách mở tài khoản tại vài công ty chứng khoán để phân bổ và giảm thiểu rủi ro.
“Thêm vào đó, các cơ quan quản lý cần mạnh tay tách bạch độc lập tài khoản tiền gửi và chứng khoán lưu ký sang cho phía ngân hàng. Mặt khác, đã đến lúc các cơ quan chức năng nên xây dựng một quỹ bảo hiểm đầu tư, nhằm tránh giảm thiểu những rủi ro bất ngờ trong quá trình tái cấu trúc hoạt động tại các công ty chứng khoán,” ông Hải đưa ra ý kiến đóng góp./.
Linh Chi
Vietnam+



Xem bài viết: Lo lắng làn sóng đóng tài khoản ở công ty CK nhỏ