Bất ổn tỷ giá: Có lặp lại chuyện 'gửi trâu...lấy '?
Việc NHNN cấp tập điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng khiến lo ngại biến động tỷ giá vượt ngoài tầm kiểm soát ngày càng lớn.
1% - liều thuốc an thần phản tác dụng!

Chỉ trong vòng 1 tháng kể từ ngày Thống đốc NHNN tuyên bố: "việc điều chỉnh tỷ giá sẽ không quá 1% từ nay đến cuối năm", tỷ giá liên ngân hàng đã được điều chỉnh tới 14 lần. Lời tuyên bố của vị tân Thống đốc lúc đó giống như liều thuốc "an thần" cho thị trường ngoại hối vốn đang nóng từ trong nóng ra, nóng từ ngoài nóng vào. Thế nhưng, với việc liên tục bị điều chỉnh như những ngày vừa qua, tỷ giá "tự nhiên" trở thành mối lo ngại với bất cứ ai. Về lý thuyết, NHNN vẫn chưa dùng hết "chỉ tiêu" điều chỉnh tỷ giá và cũng chỉ còn hai tháng nữa là kết thúc năm. Giữ cho tỷ giá không chạm trần để cho người dân thấy Thống đốc đã giữ lời là không khó. Nhưng như vậy "trần" 1% mà Thống đốc đưa ra có vẻ như không còn nhiều ý nghĩa thực tế.
Để giảm sức ép, hỗ trợ cho việc điều chỉnh tỷ giá trong "chỉ tiêu", những ngày vừa qua, hàng loạt văn bản về quản lý hoạt động ngoại hối đã được ban hành cấp tập. Cùng với Nghị định 95 của Chính phủ về việc tăng mức xử phạt đối với những vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (chủ yếu là hành vi sử dụng đồng USD trong giao dịch trái quy định). Hay như chiều ngày 27/11, một văn bản mang tính chất củng cố tinh thần được đưa lên trang web của NHNN (thậm chí được gửi hỏa tốc cả đến các tòa soạn báo). Theo văn bản này, các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối phải báo cáo chi tiết doanh số giao dịch ngoại tệ với khách hàng, doanh số giao dịch ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng và trạng thái ngoại tệ cuối ngày 27/10/2011; đăng ký lượng ngoại tệ cần mua từ NHNN và dự báo nhu cầu ngoại tệ trong thời gian hai tuần tới… Đây là một trong những biểu hiện cho thấy NHNN đang nỗ lực kiểm soát cầu ngoại tệ của thị trường.
Song, thực tế là cầu từ thị trường chính thức (qua các tổ chức tín dụng) tuy chiếm phần lớn trong tổng cầu ngoại tệ của toàn thị trường, nhưng chính phần nhỏ còn lại của thị trường tự do lại có thể "dẫn dắt" tỷ giá trên toàn thị trường. Tại sao như vậy?
Nguyên nhân dẫn đến việc một nền kinh tế bị đô la hóa xuất phát từ chính sách tiền tệ không tương thích trong một thời gian dài, thể hiện ở tỷ lệ lạm phát cao và biến động lớn, thường xuyên phá giá đồng nội tệ.

Thứ nhất, cầu ngoại tệ để nhập khẩu vàng, đặc biệt là nhập lậu, đang ngày càng lớn theo đà tăng của giá vàng - nơi trú ẩn có vẻ an toàn nhất hiện nay khi những bất ổn về kinh tế và tài chính của khối EU chưa được giải quyết dứt điểm đe dọa sẽ lan ra toàn cầu. Thứ hai, những khoản tín dụng bằng ngoại tệ ngắn hạn đến hạn phải thanh toán (khá lớn). Trong bối cảnh tỷ giá liên tục tăng như hiện nay, người vay sẽ phải tìm kiếm ngoại tệ trên thị trường tự do, thậm chí với cả sự "hỗ trợ" không chính thức (tất nhiên với mức tỷ giá của thị trường tự do) của ngân hàng để có USD trả nợ. Và thứ ba, không có một thống kê nào cho biết số vàng, ngoại tệ thực sự tồn tại trong dân hiện nay là bao nhiêu. Như vậy, rất khó để cơ quan quản lý đánh giá được tiềm lực thực sự của thị trường tự do.
Tổng hòa những yếu tố trên cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng lún sâu vào tình trạng đô la hóa. Vì sao ra nông nỗi này?
Trâu lại hóa…gà?
Với việc liên tục bị điều chỉnh như những ngày vừa qua, tỷ giá "tự nhiên" trở thành mối lo ngại.

Khái niệm về đô la hóa của nền kinh tế xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng những năm 1980. Đô la hóa là do đồng bản tệ không đảm đương được các chức năng cần thiết của tiền tệ với tư cách là một loại hàng hóa công cộng. Lạm phát cao kéo dài trong nhiều năm cộng với việc VND bị phá giá thường xuyên đã làm hạ thấp chức năng dự trữ giá trị đối với các tài sản danh nghĩa của đồng tiền. Các hộ gia đình và doanh nghiệp ngày càng có xu hướng sử dụng USD và vàng làm phương tiện thay thế để cất giữ giá trị và là đồng tiền tính giá trong các hợp đồng danh nghĩa. Dần dà, đồng USD cũng được sử dụng làm đồng tiền định giá (đơn vị giá cả) và phương tiện để trao đổi. Và khi NHNN cho phép các NHTM được nhận tiền gửi và cho vay bằng USD thì việc đô la hóa trở nên gần như chính thức.
Trong lịch sử, cuộc cải cách tiền tệ "giá-lương-tiền" thất bại năm 1985 đã dẫn đến siêu lạm phát xuất hiện, lên tới 774,7% năm 1986 và lạm phát cao kéo dài với mức 3, rồi 2 chữ số cho đến đầu thập kỷ 90. Cả giai đoạn đó, khi gửi tiền tiết kiệm bằng VND vào ngân hàng, có thể hình dung trong một câu: gửi "trâu" lấy ra... . Từ đó, một cuộc chiến chống đô la hóa đã được NHNN phát động, với những chủ trương, chiến lược… kéo dài hàng chục năm nay. Thế nhưng, với tình trạng hiện nay có thể thấy, nền kinh tế đã hội tụ tất cả những yếu tố để thấy đô la hóa không được giảm bớt mà còn ngày càng trầm trọng hơn.
Cách gì lấy lại vị thế cho VND như đã từng có vào những năm 1995-1997 khi mà đồng tiền để người dân tính toán trong giao dịch những tài sản có giá trị lớn đều được tính bằng VND, thay vì quy ra USD hay vàng. Sẽ là bi quan thái quá nếu cho rằng, kinh tế Việt Nam có nguy cơ trở lại thời kỳ " trâu hóa ". Nhưng rõ ràng, nếu không giải quyết ngay những mối đe dọa từ đô la hóa thì e rằng lịch sử của những năm giữa thập kỷ 80 sẽ quay trở lại.
Nhật Hạ
Diễn đàn Doanh nghiệp



Xem bài viết: Bất ổn tỷ giá: Có lặp lại chuyện 'gửi trâu...lấy '?