Ông Dominic Scriven: Sợ nhất là vỡ nợ niềm tin

Ông Dominic Scriven

Thị trường tài chính đang đối mặt với những vụ vỡ nợ hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng mà chưa có thống kê rõ ràng từ cơ quan quản lý, trong khi những ngân hàng, doanh nghiệp có liên quan thì giữ sự im lặng, khiến cho nhà đầu tư không rõ thực hư ở công ty mình bỏ vốn vào.
Trả lời phỏng vấn, ông Dominic Scriven, tổng giám đốc công ty quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital nói: “Những vụ vỡ nợ rất dễ dẫn đến việc vỡ niềm tin của nhà đầu tư”.
Thưa ông, sự vi phạm quyền lợi của cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ, tại các công ty đại chúng, như ở dược phẩm Viễn Đông, đã trở thành vấn đề lớn, phổ biến. Đứng ở góc độ một người tham gia trên thị trường, theo ông tại sao như vậy?
Thị trường càng lớn càng đòi hỏi sự điều hành chặt chẽ. Doanh nghiệp quản trị và tự điều hành, còn cơ quan quản lý điều hành thị trường. Thị trường chứng khoán hiện có gần 750 doanh nghiệp niêm yết, đúng ra tất cả phải tuân thủ luật Chứng khoán, các quy định về thông tư, công bố thông tin về quản trị, trách nhiệm… Tuy nhiên, số lượng công ty quá đông khiến thanh tra kiểm soát rất khó. Cho nên kiểm soát sự điều hành từ bản thân doanh nghiệp là chính.
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn nên không giữ được cam kết với cổ đông, với bạn hàng. Doanh nghiệp khó khăn đến mức nào? Tiền gởi tiết kiệm tương đương 100% của GDP trong nước, người gởi tiết kiệm được trả 20% một năm, nghĩa là ngân hàng phải trả lãi 20 tỉ USD một năm. Phía bên kia, tín dụng đạt khoảng 125% GDP, người đi vay chịu lãi 25%, nghĩa là người ta trả lãi vay xấp xỉ 25 tỉ USD một năm. Làm sao doanh nghiệp có thể làm ăn trong thời kỳ này để trả nổi chừng đó trong một năm. Đó là chưa kể trả vốn. Doanh nghiệp đang khó khăn thật sự.
Vụ vỡ nợ hàng ngàn tỉ đồng có những ngân hàng, doanh nghiệp liên quan. Ông đánh giá sự quản trị tại các công ty, ngân hàng hiện nay như thế nào khi mà vẫn có sự thao túng, tư lợi từ cấp quản trị?
Ở một số doanh nghiệp, đó là sự yếu kém. Ở công ty cổ phần, chủ là cổ đông giao quyền cho HĐQT và có trách nhiệm theo dõi HĐQT, hàng năm chất vấn. Nếu tại HĐQT hoặc công ty phát sinh vấn đề, thì người cuối cùng chịu trách nhiệm phải là HĐQT.
Những yếu kém trong quản trị đã đưa đến những lỗ hổng khiến những người điều hành có thể thao túng, không chỉ làm hao hụt tài sản nhà đầu tư, mà còn làm mất đi lòng tin của họ.
Trong hai năm qua, chúng tôi xây dựng bảng rủi ro với khoảng trên 35 loại rủi ro khác nhau đối với một công ty quản lý quỹ đầu tư như Dragon. Chúng tôi đánh giá đứng đầu là rủi ro uy tín. Uy tín bị hỏng thì mất hết, từ khách hàng, phát triển thị trường mới, mối quan hệ với cổ đông, cơ quan quản lý… Mà nói về uy tín là liên quan đến đạo đức.
Những vụ thao túng, vỡ nợ xảy ra, mình đổ hết lỗi cho cơ quan quản lý không hẳn là đúng. Người chịu trách nhiệm chính phải là doanh nghiệp.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn việc thực hiện quản trị công ty và trình bộ Tài chính xem xét nhằm tăng cường giám sát khoảng 1.600 công ty đại chúng. Các công ty đại chúng sẽ phải công bố thông tin về thu nhập, quan hệ, quyền lợi của các thành viên HĐQT, ban giám đốc từ các công ty con của doanh nghiệp.

Quỹ đầu tư, khi tham gia HĐQT công ty, như là người giữ cửa không chỉ cho mình mà còn được các cổ đông nhỏ lẻ trông cậy vào. Tuy nhiên, trong các sự cố vừa qua, các cổ đông nhỏ chưa thấy được vai trò của quỹ đầu tư. Ông cũng là người đại diện tham gia HĐQT một số công ty, ông có thể can thiệp và “gác cửa” tới đâu?
Tuỳ quỹ đầu tư. Các quỹ, như những quỹ lướt sóng, đừng hy vọng ở họ trách nhiệm. Nhưng một quỹ đầu tư doanh nghiệp thì khác, họ muốn doanh nghiệp tăng trưởng và có giá trị nên tham gia xây dựng “cơ thể” của doanh nghiệp hoàn chỉnh hơn.
Nhìn vấn đề ở một góc độ khác, doanh số giao dịch hàng ngày trên thị trường chứng khoán, chỉ có khoảng 3 – 4 đồng từ nhà đầu tư nước ngoài, 10 – 15 đồng từ nhà đầu tư tổ chức, 80 đồng từ nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, ít có nhà đầu tư cá nhân đặt vấn đề ứng cử tham gia HĐQT. Có những cá nhân được một nhóm cổ đông đề cử tham gia HĐQT. Tôi không coi nhẹ vai trò của cá nhân, nhưng để xây dựng sự quản trị chuyên nghiệp và lâu dài, không thể xem nhẹ vai trò của nhà đầu tư tổ chức.
Ông có nhận xét gì về niềm tin của nhà đầu tư hiện nay?
Niềm tin suy giảm là rõ ràng, không chỉ ở Việt Nam mà nhìn chung trên thế giới, các cuộc biểu tình ở các nước, kinh tế khó khăn, người dân khó khăn, doanh nghiệp khó khăn dẫn đến những vụ vỡ nợ. Sợ nhất là những vụ vỡ nợ dễ dẫn đến “vỡ nợ” niềm tin. Củng cố lòng tin của nhà đầu tư, người dân là chuyện lớn nhất hiện nay. Đánh giá vai trò của niềm tin cũng là một lý do khiến chúng tôi cho rằng uy tín là rủi ro lớn nhất.
Hồng Sương (thực hiện)
sài gòn tiếp thị



Xem bài viết: Ông Dominic Scriven: Sợ nhất là vỡ nợ niềm tin