Vietstock Daily: Nhận định thị trường chứng khoán ngày 02/11
(Vietstock) – Bên cạnh các yếu tố trong nước, thị trường đã bị tác động đáng kể bởi diễn biến bi quan của chứng khoán thế giới, sau vụ việc MF Global Holdings Ltd nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 02/11/2011
Diễn biến giao dịch: VN-Index giảm 1.66% xuống mức 413.82 điểm, trong khi HNX-Index giảm mạnh 2.41% đứng tại 68.52 điểm; VS 100 cũng mất 1.54%.
Các chỉ số Market Cap đều giảm điểm mạnh. VS-Small Cap giảm nhiều nhất 2.26%, tiếp theo là VS-Mid Cap giảm 1.81%, VS-Micro Cap giảm 1.80% và VS-Large Cap giảm 1.79%.
Khối lượng giao dịch khớp lệnh sụt giảm mạnh 22.8% trên HOSE và 36.2% trên HNX so với phiên giao dịch ngày hôm qua.
Khối lượng thỏa thuận đột biến tăng ở STB với gần 12.5 triệu cổ phiếu, tiếp theo là KDC với 2 triệu cổ phiếu và HVG 1 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại mua ròng 9.6 tỷ đồng trên HOSE và 2.3 tỷ đồng trên HNX. Đáng chú ý là NTL có phiên giao dịch khởi sắc nhưng khối ngoại lại bán mạnh hơn 9 tỷ đồng.

Triển vọng thị trường: Thị trường có phiên giao dịch tiêu cực trên nhiều phương diện. Sau các tín hiệu tháo hàng mạnh trong hai phiên cuối tuần trước, thị trường đã chịu áp lực bán rất mạnh và tâm lý giới đầu tư đang dần chuyển sang bi quan. Chỉ số và khối lượng khớp lệnh trên đà sụt giảm, độ rộng thị trường tiêu cực, trong khi cán cân nghiêng hẳn về bên cung.
MBB hôm nay chào sàn tăng nhẹ khoảng 3% vào đầu phiên nhưng sau đó đã phải lùi về mức giá “tham chiếu” khi kết thúc phiên giao dịch. Phân tích lệnh trên VietstockTrader cho thấy giao dịch tại cổ phiếu này khá “phức tạp” và xu hướng cung cầu chưa có gì rõ nét. Điểm tích cực nhất có lẽ là MBB tiếp tục duy trì tính thanh khoản cao (như đã từng có ở thị trường OTC) khi đứng đầu khối lượng khớp lệnh trên HOSE với 2.7 triệu đơn vị.
Áp lực xả hàng trên HNX mạnh hơn HOSE vì trên thực tế nhiều mã ở sàn này đã có mức sinh lời đáng kể trong hơn 1 tuần vừa qua. Dư bán giá sàn đã xuất hiện ở nhiều mã cổ phiếu Chứng khoán có tính đầu cơ cao, ngoại lệ có thể kể đến ở KLSVND khi lệnh mua treo ở hơn mức giá sàn vẫn còn nhiều. VNDKLS kết thúc phiên với khối lượng khớp lệnh cao nhất trên HNX, với hơn 5 triệu đơn vị mỗi mã.
Về mặt trading ngắn hạn, rủi ro bán tháo cổ phiếu không nên coi là một bất ngờ. Trong bối cảnh rủi ro hệ thống, giới đầu tư đang khá lo ngại về các diễn biến mới đây trên thị trường bất động sản. Đây cũng không phải là điều mới mẻ, bởi doanh nghiệp bất động sản trên thực tế đã phải “oằn lưng” đề gồng gánh trong một thời gian dài. Có chăng là động thái “buông” đã chính thức xuất hiện và có dấu hiệu lan tỏa.
Sau trường hợp của dự án PetroVietnam Landmark của PVL, nay đến lượt dự án An Tiến Nhà Bè được “đại hạ giá”. Cần để ý rằng An Tiến chính là dự án HAG đã “bán tháo” cách đây vài năm mà chúng tôi đã có dịp đề cập.
Một thị trường giảm giá 30% thì đã chính thức bị coi là thị trường “con gấu”, và rõ ràng điều này đã diễn ra khá lâu trên lĩnh vực bất động sản.
Giới đầu tư cũng đang e ngại sự liên hệ giữa bất động sản và lĩnh vực ngân hàng có thể làm phát sinh thêm nhiều hệ lụy – đây cũng là đích nhắm cho việc tái cấu trúc được thảo luận ráo riết trong vài tuần vừa qua.
Chúng tôi đang kỳ vọng một động thái “giải cứu” sẽ đến với lĩnh vực bất động sản vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2012, sau khi các tín hiệu lạm phát và chỉ tiêu vĩ mô của năm 2011 đã được xác lập.
Bên cạnh các yếu tố trong nước, thị trường đã bị tác động đáng kể bởi diễn biến bi quan của chứng khoán thế giới. Tâm điểm chú ý là việc MF Global Holdings Ltd đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của Luật phá sản Mỹ, trong khi công ty con hoạt động trong lĩnh vực môi giới là MF Global Inc (không thuộc diện nộp đơn bảo hộ phá sản mà phải bán tài sản) đang bị kiện và sẽ phải đối mặt với việc thanh lý tài sản và trả lại tiền cho khách hàng. Cho tới ngày 31/08, mảng môi giới hàng hóa, phái sinh, chứng khoán và giao dịch ngoại hối quản lý tài khoản cho khách hàng với tổng tài sản 7.2 tỷ USD.
MF Global nắm giữ 6.3 tỷ USD trái phiếu các nước Ý, Tây Ban Nha, Bỉ, Bồ Đào Nha và Ireland. Tại thời điểm nộp hồ sơ phá sản, công ty này có tổng số nợ là 39.7 tỷ USD và tổng tài sản là 41 tỷ USD.
Gần đây, khủng hoảng nợ công châu Âu đã đẩy nhanh làn sóng hạ bậc tín nhiệm trái phiếu khiến hoạt động bán tháo không ngừng tăng cao.
Trước đây, chúng tô có đề cập đến thông tin các ngân hàng chưa hề đánh giá lại (marked to market) các khoản nợ liên quan đến Hy Lạp. Điều này có nghĩa là nếu Hy Lạp vỡ nợ, các ngân hàng này sẽ phát sinh (thêm) các khoản thua lỗ khổng lồ và tất yếu phải cần được bơm thêm vốn để đảm bảo an toàn hoạt động. Hai ngân hàng Mỹ có thể bị ảnh hưởng lớn nhất là Citigroup và JPMorgan Chase.
Lần này, liên quan đến MF Global, JPMorgan Chase dường như cũng đang đứng “đầu bảng” khi là chủ tín thác cho khoản nợ 1.2 tỷ USD tại MF Gobal (trong đó số nợ chính chủ của JPMorgan Chase là 80 triệu USD). Deutsche Bank AG xếp thứ 2 với số tiền đứng dưới tên chủ tín thác là hơn 1 tỷ USD.
Các thông tin về các chủ nợ có liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu là khá phức tạp, đặc biệt là sau động thái cắt giảm (haircut) 50% các khoản nợ cho Hy Lạp. Diễn biến tại MF Global hiện khiến giới đầu tư quan ngại liệu rằng đây có phải chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, là “phát súng” báo hiệu thêm một cuộc khủng hoảng tài chính hay không?
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Sức ép của SMA 100 rất mạnh. Như chúng tôi đề cập trong báo cáo trước, giá đang chịu sức ép lớn từ bộ đôi SMA 50 và SMA 100, đặc biệt là SMA 100. Nếu như vượt qua được cả hai đường này vào đầu tuần, VN-Index sẽ bước vào một chu kỳ tăng điểm mới mạnh và bền vững hơn. Còn nếu kịch bản ngược lại xảy ra, khả năng test đáy cũ 380 điểm là rất lớn. Với phiên thoái lùi mạnh ngày 01/11/2011, VN-Index có vẻ như đang đi theo kịch bản điều chỉnh.
Khối lượng giao dịch cũng đang dần sụt giảm chứng tỏ tâm lý nhà đầu tư đã bớt hưng phấn so với hai phiên trước đó. VN-Index hiện cũng đang duy trì bên dưới Fibonacci Retracement 61.8% nên càng làm cho sự lo ngại tăng cao.
Nếu như thanh khoản không thể duy trì trên 35 triệu đơn vị/phiên trong những ngày tới thì việc tạm thời thoát ra khỏi thị trường để phòng ngừa rủi ro là có thể xem xét.

HNX-Index – Đáy cũ sẽ tiếp tục được test. Rõ ràng tín hiệu mua của các chỉ báo như MACD, Stochastic Oscillator... đều chỉ mang ý nghĩa thứ yếu. Mọi sự chú ý của giới đầu tư tại thời điểm này đều tập trung vào yếu tố thanh khoản.
Sự sụt giảm nhanh chóng (đến hơn 30%) của thanh khoản đã khiến cho giới đầu tư bắt đầu lo lắng về khả năng có thêm một đợt suy giảm mới trên HNX.
Nếu như khối lượng tiếp tục sụt giảm trong các phiên tới thì khả năng đáy cũ 65 – 67 điểm bị thủng là rất cao.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tiếp tục điều chỉnh mạnh (-1.54%) trong phiên giao dịch ngày 01/11/2011, VS 100 tiếp tục gây lo ngại về khả năng thủng vùng đáy cũ. Mẫu hình shooting star đã báo hiệu khá chính xác cho phiên giảm điểm ngày 01/10/2011.
Cũng giống như VN-Index và HNX-Index, khối lượng của VS 100 cũng sụt giảm rất mạnh. Điều này sẽ làm cho khả năng phục hồi suy giảm nhiều.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 01/11/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 0.21, tức số mã tăng giá bằng 0.21 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.13, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.13 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.22 lần và VS-U/D HNX bằng 0.01 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 4.61.
Chỉ số VS-Thrust VN tiếp tục duy trì mức trung bình nên không có tín hiệu nào đáng chú ý.

II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES
Dow Jones: Ngắn hạn – Spinning top đã báo hiệu chính xác. Mẫu hình nến đảo chiều trong phiên giao dịch cuối tuần trước (28/10/2011) đã báo hiệu khá chính xác cho sự thoái lùi mạnh trên DJIA vì spinning top là dạng mẫu hình nến khá thành công ở thị trường Mỹ.
Các chỉ số dao động đều đã đi vào vùng overbought nên khả năng cho tín hiệu bán mạnh trong những phiên tới là rất lớn.
Dài hạn – RMO Trade Mode sắp cho tín hiệu bán. Tín hiệu đạt đỉnh của Swing Trd 2 trong hệ thống RMO Trade Mode đã báo hiệu trước sự sụt giảm mạnh của DJIA.
Đây là dạng tín hiệu có độ chính xác cao trong vòng 2 năm gần đây nên được giới phân tích kỹ thuật quốc tế rất chú ý. Nếu như tín hiệu bán xuất hiện, sự thận trọng sẽ trở lại trên thị trường Mỹ.

III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 01/11/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Daily: Nhận định thị trường chứng khoán ngày 02/11