Đi về đâu hỡi EVN Telecom?

Ngay những ngày đầu của kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII, vấn đề kinh doanh ngoài ngành thua lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN đã được dồn dập mổ xẻ. Và chưa lúc nào như lúc này, câu chuyện “đứa con” EVN Telecom đi về đâu cũng đang được bàn tán nhiều hơn.
Sau khi EVN đề xuất được tăng giá điện từ 10 -12% để bù đắp cho khoản lỗ khoảng 30.000 tỷ đồng do nhiều nguyên nhân, thì vấn đề của tập đoàn này đã được đưa ra mổ xẻ, và nguyên nhân thua lỗ bước đầu được làm rõ: EVN đã đầu tư ra ngoài ngành quá nhiều, và hầu hết đều đang sa lầy và thua lỗ.
Chỉ tính riêng món nợ tiền mua điện từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam của EVN đã lên đến gần 10.000 tỷ đồng, ngoài ra còn nợ tiền mua điện của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam.
EVN cũng lỗ tới 11.000 tỷ đồng do mua điện giá cao từ một số nhà máy điện độc lập. Khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá khi mua nhiên liệu bằng ngoại tệ cũng lên đến 17.000 tỷ đồng. Khoản vốn đầu tư tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn khoảng 8.000 tỷ đồng.
Với khoản nợ và lỗ khổng lồ như trên, EVN có khả năng sẽ đi vào đúng vết xe đổ của Vinashin của năm 2010. Chính vì những khoản lỗ như thế, EVN muốn khỏa lấp bằng cách tiếp tục nâng giá điện, mà không chịu làm minh bạch hóa giá mua-bán điện như thế nào, lãi-lỗ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện ra sao, mà cứ nhập nhằng giữa đầu tư, kinh doanh trong và ngoài ngành.
Những khoản đầu tư ngoài ngành đầy rủi ro của EVN vào các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, du lịch, viễn thông... đến nay đa phần bị sa lầy, đặc biệt trong tình hình thị trường chứng khoán, tài chính đang không có gì sáng sủa.
Riêng lĩnh vực viễn thông, EVN sở hữu 100% vốn đầu tư mạng di động công nghệ CDMA EVN Telecom đã đi vào hoạt động nhiều năm nay nhưng cũng đã “chết lâm sàng” vài năm trở lại đây.
“Con” trả lãi
Năm 2010, doanh thu của EVN Telecom đạt hơn 2.000 tỷ đồng, lỗ hơn 1.000 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của EVN Telecom lên đến 5,1 lần, tức Cty này nợ đến 7.760 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 1.586 tỷ đồng.
Khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của EVN Telecom chỉ còn đạt 31%. Hiện nhà mạng này không còn khả năng cân đối các chi phí vận hành, đầu tư mạng lưới mới, trả lãi các khoản vay đầu tư...
Năm 2010, khi vụ Vinashin vỡ lỡ thì EVN Telecom ngỡ như đã bám được tấm phao cứu sinh khi FPT đàm phán mua lại 60% cổ phần. Khi ấy EVN Telecom được xác định có tổng vốn điều lệ là 2.963 tỷ đồng. FPT sẽ phải phát hành cổ phiếu thưởng với tổng mệnh giá không quá 2.000 tỷ đồng để góp vốn vào EVN Telecom.
Tuy nhiên, thương vụ này sau đó không thành. Theo những nguyên nhân bề nổi là EVN Telecom chỉ được chấp thuận bán 49% cổ phần ra bên ngoài cho đối tác, còn lại 51%, thì 0,4% cổ phần được bán cho người lao động trong doanh nghiệp, 50,6% còn lại do EVN nắm giữ.
Khi đó, dư luận trong giới báo chí viết về viễn thông đã cho rằng, nếu thương vụ trót lọt thì FPT chắc chắn sẽ sa lầy và nếm quả đắng. Rất may FPT dưới thời của CEO Trương Đình Anh đã “rút dù”, nhưng vẫn còn vướng lại khoản đặt cọc 708 tỷ đồng.
Giờ thì EVN Telecom không còn tiền để hoạt động nữa. các khoản đầu tư vào nếu diễn ra lúc này cũng khó cứu vãn được tình thế, nếu không muốn nói là như... đổ vào cái thùng không đáy chẳng biết bao nhiêu cho đủ.
EVN, cũng như SPT, đã từng muốn bán EVN Telecom hay S-Fone để tránh sa lầy nhưng không được. SPT được Saigon Tel mua lại 40% cổ phần, nhưng từ đó tới nay cũng chả thấy khởi sắc gì. EVN Telecom sau cú trục trặc với FPT, cũng không có lối thoát nào khác.
Cũng có thông tin cho biết Hanoi Telecom đã gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ và EVN Telecom xin mua lại băng tần 3G và toàn bộ cơ sở hạ tầng mạng 3G của EVN Telecom.
Nếu được Chính phủ đồng ý Hanoi Telecom sẽ mua lại toàn bộ EVN Telecom với giá cả và điều kiện đúng như hợp đồng đã ký giữa EVN Telecom và VTC trước đó. Hiện Hanoi Telecom và EVN Telecom đang có chung giấy phép băng tần 3G và mỗi bên được sử dụng 1/2 bằng tần này.
Đang có dư luận rằng, khả năng Viettel sẽ mua lại EVN Telecom. Nhưng đây cũng mới chỉ là dư luận chứ chưa có gì công khai, minh bạch và chắc chắn. Cũng có thể đây chỉ là cú... nhá đòn, giống như cú nhá đòn của FPT một năm trước, khiến cho dư luận nhầm lẫn là EVN Telecom đã được cứu.
Kỳ thực, đã là những người làm kinh doanh, họ chỉ có thể quyết định bỏ ra hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng mua lại EVN Telecom khi thấy mạng viễn thông này còn khả quan để vực dậy kinh doanh.
EVN Telecom kinh doanh cùng ngành với Viettel. Tuy nhiên, riêng mạng di động, lại khác nhau về công nghệ (mạng Viettel dùng công nghệ GSM), thì liệu sự sáp nhập như dư luận đang bàn tán có thể mang lại hiệu quả gì được?
Còn nếu cứ để cho EVN nắm giữ như hiện nay, thì EVN Telecom có khả năng sẽ càng lỗ nặng hơn. Thực sự, con đường phía trước của EVN Telecom đang rất mù mịt lối ra.
Diệu Tiên
doanh nhân sài gòn



Xem bài viết: Đi về đâu hỡi EVN Telecom?