Technical View - Phân tích kỹ thuật chứng khoán, vàng và dầu: Tuần 31/10 - 04/11/2011
(Vietstock) – Chiến lược đầu tư & Phân tích kỹ thuật chuyên sâu thị trường chứng khoán Việt Nam (VN-Index, HNX-Index, VS 100), chứng khoán Mỹ (Dow Jones), Châu Á (Nikkei 225) và Châu Âu (FTSE 100).
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
VN-Index – Vượt lên trên Fibonacci Retracement 61.8%. Sau phiên giao dịch ngày 28/10/2011 có hai điểm đáng chú ý trên chỉ số VN-Index.
Thứ nhất, VN-Index đã vượt lên trên ngưỡng Fibonacci Retracement 61.8%. Đây vốn là ngưỡng đã tạo ra áp lực điều chỉnh rất mạnh cho chỉ số trong suốt những phiên gần đây ,nên việc phá vỡ ngưỡng này sẽ giúp tăng cường động lực tăng trưởng.
Thứ hai, khối lượng đã tăng đến gần 100% so với những phiên còn lại trong tuần. Điều này cho thấy đây có thể là một sự bùng nổ về mặt tâm lý của các nhà đầu tư sau một thời gian dài thận trọng.
Giá đang test lại bộ đôi SMA 50 và SMA 100. Nếu như vượt qua được cả hai đường này vào đầu tuần sau, VN-Index sẽ bước vào một chu kỳ tăng điểm mới mạnh và bền vững hơn. Còn nếu kịch bản ngược lại xảy ra khả năng test đáy cũ 380 điểm vẫn là rất lớn.

HNX-Index – Vượt qua middle của Bollinger Bands. Chỉ với một phiên bứt phá mạnh, HNX-Index đã xuất hiện rất nhiều tín hiệu lạc quan. Đáng chú ý nhất là chỉ số này đã vượt lên trên middle của Bollinger Bands. Đây là tín hiệu phá vỡ đầu tiên kể từ trung tuần tháng 08/2011 đến nay.
Mặt khác, khối lượng cũng phục hồi rất mạnh và đạt mức cao nhất kể từ 30/09/2011. Điều này lại càng củng cố thêm tính vững chắc cho vùng 65 – 67 điểm.
Nếu thanh khoản tiếp tục duy trì trên 25 triệu đơn vị/phiên trong những phiên đầu tuần sau thì việc mua vào bắt đáy có thể xem xét.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tiếp tục bứt phá (+2.41%) trong phiên giao dịch ngày 28/10/2011, VS 100 cho thấy đà giảm đang yếu dần và có thể chuyển sang phục hồi ngắn hạn.
Giới phân tích cho rằng nếu khối lượng tiếp tục duy trì mức cao như hiện nay vào tuần sau thì vùng 56 – 58 điểm nhiều khả năng sẽ trụ vững và trở thành vùng đáy dài hạn của VS 100.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 28/10/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 5.5, tức số mã tăng giá bằng 5.5 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 27.43, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 27.43 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 5.38 lần và VS-U/D HNX bằng 96.77 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 0.08.
Chỉ số VS-Thrust VN tiếp tục duy trì mức trung bình nên không có tín hiệu nào đáng chú ý.

II. CHIẾN LƯỢC DANH MỤC ĐẦU TƯ
Mô hình có dấu hiệu đột biến trên HNX
Cung cầu: Chênh lệch khối lượng mua bán trên sàn HNX trong tuần là 30.91 triệu đơn vị, số lệnh đặt mua nhỏ hơn số lệnh đặt bán 96 lệnh. Trung bình lệnh mua (3,349 đơn vị/lệnh) lớn hơn so với trung bình lệnh bán (2,902 đơn vị/lệnh).
Trên HOSE, chênh lệch khối lượng mua bán là 17.55 đơn vị, với số lệnh đặt mua lớn hơn số lệnh đặt bán 4,636 lệnh. Trung bình lệnh mua (2,833 đơn vị/lệnh) lớn hơn so với trung bình lệnh bán (2,776 đơn vị/lệnh).
HNX: Tỷ trọng danh mục đề nghị đối với sàn HNX là: 31.64% cash/ 68.36% stocks.
Tỷ trọng cổ phiếu của mô hình trên HNX đã có dấu hiệu đột biến đáng kể. Điều này cho thấy mô hình đã bớt thận trọng với tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, tỷ trọng cổ phiếu của mô hình chỉ mới cải thiện trong một phiên. Nếu tỷ trọng cổ phiếu vẫn duy trì ở mức cao vào đầu tuần sau thì có thể lạc quan trở lại với thị trường.

HOSE: Mô hình Định lượng của chúng tôi đưa ra tỷ trọng danh mục đề nghị đối với sàn HOSE là: 53.17% cash/ 46.83% stocks.
Tỷ trọng cổ phiếu trên HOSE đang tiếp tục giảm trở lại. Việc sụt giảm này chứng tỏ mô hình vẫn tiếp tục duy trì sự thận trọng trên HOSE.

III. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES, VÀNG, DẦU
Dow Jones: Ngắn hạn – Vượt ngưỡng kháng cự mạnh. Dài hạn – Phá vỡ cả hai đường MA quan trọng
DJIA đã làm nên sự đột biến khi chỉ trong vòng 2 phiên bứt phá mạnh đã vượt qua được vùng đáy cũ của giai đoạn tháng 06/2011. Vì đây là vùng giao dịch dày đặc (congestion zone) của giai đoạn trước nên việc phá vỡ nó có thể mở đầu cho một giai đoạn tăng trưởng ngắn hạn mạnh mẽ của thị trường Mỹ.
Các chỉ số dao động đều đang duy trì ở mức cao nên khả năng có thêm nhưng phiên đột biến tăng là không quá lớn. Dự kiến thị trường Mỹ sẽ giằng co mạnh trong phiên cuối tuần.

Dài hạn: Sức ép từ hai đường SMA 100 và SMA 200 trong dài hạn là rất lớn nên việc vượt lên trên cả hai ngưỡng này trong những phiên gần đây khiến cho giới phân tích kỹ thuật trở nên lạc quan hơn.
Sự lo ngại về một đợt suy giảm mạnh kéo dài trên thị trường Mỹ đã dần vơi đi với những tín hiệu trên. Tuy nhiên, cần theo dõi tiếp tục trong các phiên tới để chắc chắn rằng đây không phải là một dạng tín hiệu nhiễu (failure pattern).

Nikkei 225: MACD Histogram đang cho phân kỳ giá xuống
Sự bứt phá của chỉ số Nikkei 225 không thực sự mạnh mẽ như mong đợi khi mà MACD Histogram liên tục cho dấu hiệu cảnh báo một phân kỳ giá xuống (bearish divergence) sắp hình thành.
Vì vậy, giới phân tích lo ngại sự tăng điểm sẽ có thể sớm kết thúc nếu như không có những đột biến lớn xảy ra. Vùng 8,500 – 8,650 điểm sẽ tiếp tục là vùng chống đỡ mạnh của giá trong thời gian tới nếu giá tiếp tục thoái lùi.

FTSE 100: Sắp test lại midterm trendline
Chỉ số Stochastic Oscillator đã duy trì rất lâu trong vùng overbought và đang dần hình thành nên một phân kỳ giá xuống (bearish divergence).
Mặt khác, giá cũng đang về gần midterm trendline nên khả năng có đột biến tăng không quá lớn. Vùng chống đỡ 4,780 – 4,950 điểm đã rất tốt vai trò hỗ trợ trong 3 tháng qua nên khả năng giảm quá sâu là không lớn.

Nguyễn Quang Minh, Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Technical View - Phân tích kỹ thuật chứng khoán, vàng và dầu: Tuần 31/10 - 04/11/2011