Tái cơ cấu ngân hàng: Bắt đầu từ sàng lọc
Ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung ương
Trao đổi với DĐDN ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung ương cho rằng, VN không nên và không đủ sức để đặt ra một chương trình tái cấu trúc quá “hoành tráng”, vì khó ai đủ sức “tổng chỉ huy”, kiểm soát nổi. Thay vào đó, cần nhắm vào một vài chương trình tái cơ cấu then chốt, trong đó tái cấu trúc hệ thống ngân hàng (NH) trong hoàn cảnh hiện nay là nhiệm vụ quan trọng nhất.
- Theo ông, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nên được xem xét bắt đầu từ đâu?
Theo tôi, trong số hơn 30 NH nhỏ chúng ta cần sàng lọc ra NH nào quản lý tốt, NH nào quản lý không tốt. Với những NH quản lý không tốt, cần phân tích xem không tốt chỗ nào? Ví dụ như, cho vay bất động sản quá nhiều, gây rủi ro cao, thu hồi tiền không được, thiếu thanh khoản thanh toán cho các chủ tài khoản...
Ngay cả trường hợp một số NH chưa thể tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng cũng cần lưu ý, nếu như vận động ít rủi ro, thanh khoản tốt thì vẫn là NH hoạt động tốt, ngược lại những NH dù có vốn điều lệ 5.000 hay 6.000 tỉ đồng mà hoạt động nhiều rủi ro có thể đi đến tình trạng không đủ thanh khoản để giải quyết hoạt động thì vẫn trong vòng nguy hiểm.
- Vậy cụ thể của quá trình sàng lọc này sẽ như thế nào, thưa ông?
NHNN cần phải tăng cường thanh kiểm tra xem NH nào khó khăn đến đâu để có hướng giải quyết đến đó. Trước hết, cần giải quyết với những NH không có khả năng để thu hồi nợ. Ở Mỹ chẳng hạn, khi thanh tra, kiểm tra, nếu NH Trung ương phát hiện NH nào đang đứng trên bờ phá sản, không đủ thanh khoản để giải quyết các hoạt động hàng ngày, họ sẽ đóng cửa NH đó và cơ quan bảo hiểm tài khoản sẽ trả cho mỗi chủ tài khoản 200.000 USD. Ở VN thì mỗi chủ tài khoản được chi trả 50 triệu đồng. Trường hợp này, NHNN là cơ quan quản lý Nhà nước áp dụng luật bảo hiểm NH để thanh toán cho các chủ tài khoản được bảo hiểm theo luật pháp.
Nếu NH nhỏ cho những nhà vay nợ có đủ tài sản và có khả năng thanh toán được, nhưng tạm thời không có tiền mặt thì NHNN có thể cho NH nhỏ này vay tiền để giải quyết thanh khoản. Sau này, những khoản nợ thu lại được đem trả lại cho Nhà nước.
- Tuy nhiên, NH nhỏ thường muốn tự chủ, không thích sáp nhập vào NH khác, còn NH lớn lại không thích nhận một NH đang “ốm đau, bệnh tật”?
Đây cũng là do tâm lý, bởi lẽ ai cũng muốn mình được độc lập tự chủ. Nhưng chúng ta cũng cần thấy rằng, thể trạng sức khoẻ các NH VN hiện rất gay go.
Vì vậy, hiện có hàng chục NH đang nằm trong diện cần cơ cấu lại, tức sáp nhập hoặc giải thể. Tôi cũng xin nhắc lại, việc sáp nhập hay giải thể những NH yếu kém bây giờ không còn là tự nguyện nữa, nếu anh bệnh tôi không quản lý anh, không kiểm soát thì anh có thể trở thành dịch bệnh của nền kinh tế.
- Với thực tế hoạt động hiện nay của các NH, ông đánh giá thế nào về tính khả thi của biện pháp này?
Tôi cũng thẳng thắn nói rằng, việc để các NH nhỏ sáp nhập vào NH lớn không phải là điều có thể dễ thực hiện trong ngày một ngày hai. Bởi lẽ, các NH lớn nếu muốn sáp nhập các NH nhỏ thì cũng sẽ lựa chọn những NH đang hoạt động tốt để sáp nhập. Họ không việc gì phải sáp nhập những NH đang ở mức nguy hiểm để bỗng dưng "mang họa vào thân”. Bởi sáp nhập những NH này nghĩa là NH lớn phải lãnh cả những khoản nợ khó đòi và nợ xấu của NH nhỏ. Cho nên, rất khó để nói đến vấn đề sáp nhập đối với các NH đang ở mức nguy hiểm vào NH lớn đang hoạt động tốt.
Hiện nay, chúng ta đang có hơn 30 NH nhỏ, trong đó có những NH hoạt động rất tốt, nhưng nếu lường trước được những khó khăn sắp tới có thể ngồi cùng nhau tạo thành lực lượng mạnh hơn thì cũng nên sáp nhập với nhau.
Thế nhưng, những NH đang "ốm yếu” như nhau mà lại sáp nhập với nhau thì sẽ càng khó khăn hơn. Trong trường hợp đó, NHNN cần phải có sự thanh tra, giám sát khách quan, nếu NH nào không thể hoạt động được nữa thì không nên để tồn tại làm ảnh hưởng đến hệ thống NH và nền kinh tế. Những trường hợp NH sáp nhập lại mà có thể mạnh hơn thì cần có sự tư vấn, giúp đỡ của NHNN tạo điều kiện cho các NH này sáp nhập.
- Vậy theo ông, quá trình sáp nhập nên diễn ra như thế nào để tránh gây sốc cho nền kinh tế, cho hệ thống NH?
Lãi suất trên thị trường liên NH hiện quá cao. Chính đó là dấu hiệu lâm sàng để chúng ta phát hiện NH nào bệnh, vì anh không thể nào cho DN vay 17-18%/năm mà phải huy động trên thị trường liên NH qua đêm, qua tháng hay qua ngày với lãi suất trên 30%/năm.
Nhìn thấy dấu hiệu bệnh này, NHNN sẽ có biện pháp thanh tra để quản lý giám sát đặc biệt các NH này. Để đảm bảo an toàn hệ thống, chúng ta có thể hỗ trợ cho các NH đó, tức là “bơm thuốc”, nhưng phải cô lập nó lại để điều trị, không cho tăng thêm dư nợ, từng bước thanh lý dần tài sản của NH này và tránh lây lan ra hệ thống.
- Thế nhưng, quyền lợi của người gửi tiền cũng như các cổ đông sẽ được giải quyết như thế nào khi tiến hành sáp nhập hoặc giải thể NH, thưa ông?
Người gửi tiền của chúng ta có bảo hiểm tiền gửi. Kinh nghiệm các lần chúng ta sắp xếp trước đây thì NHNN thường đứng ra đảm bảo chi trả cho người gửi tiền. Nhưng qua đây cũng lưu ý người gửi tiền phải thận trọng trong việc lựa chọn NH tốt, hiệu quả để gửi tiền, tránh chạy theo các hình thức khuyến mãi lãi suất cao. Lãi suất cao luôn luôn đi kèm với rủi ro rất cao, đó là bài học vỡ nợ tín dụng chợ đen đang diễn ra gần đây.
- Trong bối cảnh lãi suất của các NH như nhau, nay lại có thêm việc tái cơ cấu khiến người gửi tiền có tâm lý tìm đến các NH lớn, gây thiệt thòi cho NH nhỏ. Ông nghĩ sao về điều này?
Chính phủ cũng như NHNN đã thông báo rõ ràng quá trình tái cấu trúc ở đây là hướng về hiệu quả trong hoạt động chứ không phải hướng về NH đó lớn hay nhỏ. Trên thế giới hiện nay NH Indonesia, Phillippines hay cả Mỹ cũng có nhiều NH nhỏ. Nhiệm vụ của chúng ta là phải tổ chức làm sao để NH nhỏ làm việc nhỏ, nhỏ không làm việc lớn.
- Xin cảm ơn ông !
Mai Thanh thực hiện
Diễn đàn Doanh nghiệp



Xem bài viết: Tái cơ cấu ngân hàng: Bắt đầu từ sàng lọc