Làm sạch nợ xấu
Định hướng đầu tiên là có giải pháp làm sạch nợ xấu và tập trung vào những ngân hàng có nợ xấu vượt quá 5%
Theo Ngân hàng (NH) Nhà nước, tái cấu trúc hệ thống NH theo hướng sáp nhập là để bảo đảm an toàn hệ thống. Việc sáp nhập NH sẽ tăng uy tín, giảm chi phí, tạo lợi thế kinh doanh cho các bên tham gia… Do đó, xu hướng sáp nhập có thể xảy ra giữa các NH quy mô lớn với nhau, giữa NH quy mô lớn và NH quy mô nhỏ, giữa NH quy mô nhỏ với nhau. Đây là nhiệm vụ cấp bách của ngành NH trong 5 năm tới.

Cần vượt rào cản
Tuy nhiên, tại thời điểm này, lãnh đạo nhiều NH hết sức băn khoăn về lộ trình sáp nhập. Có ý kiến cho rằng nếu 3 NH quy mô nhỏ, hoạt động yếu kém hợp sức với nhau có thể không ổn bởi cả ba đều thường xuyên thiếu hụt thanh khoản, nợ xấu chồng chất. Trường hợp NH quy mô lớn sáp nhập với NH quy mô nhỏ chưa chắc đã thành công bởi NH quy mô lớn vẫn còn khó khăn trong giải quyết tình trạng nợ xấu của mình, nay phải gồng gánh thêm nợ xấu của NH khác… sẽ không đơn giản. Đó là chưa kể công nghệ, nhân lực, năng lực quản lý không đồng đều, đặc biệt là thông tin về tín dụng của mỗi NH chưa thật sự minh bạch.
Một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu của nhiều ngân hàng tăng là do cho vay bất động sản trong khi thị trường này đóng băng kéo dài. Ảnh: Hồng Thúy
Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, dư nợ của toàn hệ thống NH hiện chiếm trên 125% GDP nhưng rất khó xác định chất lượng của nó. Tuy các NH báo cáo tỉ lệ nợ xấu trên 3% nhưng các tổ chức nước ngoài đánh giá ít nhất 10%. Lãi suất trên thị trường liên NH tăng cao cũng là dấu hiệu để NH Nhà nước phát hiện NH nào đang “lâm bệnh”, bởi NH không thể cho doanh nghiệp vay với lãi suất 17%-18%/năm nhưng lại huy động vốn trên thị trường liên NH với lãi suất 18%-22%/năm. Nếu NH Nhà nước phát hiện một NH phát “bệnh” thì nên đưa NH đó vào vòng kiểm soát, hạn chế phạm vi kinh doanh để tránh “bệnh” lây lan đến nền kinh tế.
Thực chất, phần lớn NH quy mô nhỏ là các NH nông thôn được chuyển thành NH đô thị và mới thành lập. Các NH này thường có cổ đông chính là một số thể nhân và doanh nghiệp. Dư luận cho rằng nhóm NH này ra đời nhằm phục vụ một số nhóm lợi ích. Việc sáp nhập NH sẽ khiến lợi ích của họ bị tổn thương và sẽ trở thành rào cản lớn.
Tập trung vào ngân hàng có nợ xấu cao
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, NH Nhà nước nên phân loại, sắp xếp từng nhóm NH, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục với từng nhóm. Sau đó, tùy trường hợp cụ thể để có biện pháp xử lý thích hợp.
TS Hoàng Công Gia Khánh, Trưởng Khoa NH Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết: Tại Mỹ, trong số 6.413 NH có đến 91,6% có tổng tài sản dưới 1 tỉ USD (tương đương 21.000 tỉ đồng) ngang bằng với tổng tài sản của hàng loạt NH quy mô nhỏ ở Việt Nam. Thế nhưng, Chính phủ Mỹ chỉ cho phép nhóm NH này hoạt động kinh doanh theo một phạm vi nhất định.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tái cấu trúc hệ thống NH không hẳn là nhắm vào các NH quy mô nhỏ mà tập trung vào những NH có tỉ lệ nợ xấu vượt quá 5%. Đây là một chương trình lớn đòi hỏi nhiều kinh phí và một ủy ban tầm cỡ Chính phủ chỉ đạo thống nhất. Theo đó, định hướng đầu tiên là làm sạch nợ xấu các NH bằng cách dùng ngân sách hỗ trợ xóa nợ, khoanh nợ; yêu cầu các NH tăng vốn, sử dụng quỹ dự phòng rủi ro...
Về dài hạn, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng cần siết chặt cơ chế quản trị rủi ro, bởi hiện nay hệ thống quản trị rủi ro tại các NH hoạt động mang tính hình thức, thiếu hiệu quả.
Bảo đảm quyền lợi người gửi tiền
NH Nhà nước cho biết: Toàn hệ thống hiện có 52 NH thương mại, 51 chi nhánh NH nước ngoài, 31 tổ chức tín dụng phi NH, một quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, 1.083 quỹ tín dụng cơ sở và một tổ chức tài chính quy mô nhỏ.
Tổng dư nợ tín dụng của hệ thống NH tăng trưởng bình quân hơn 29%/năm và đến cuối năm 2010 tương đương 116% GDP. Việc sáp nhập NH sẽ được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, dưới nhiều hình thức, lộ trình thích hợp. Căn cứ vào đặc điểm của từng NH, NH Nhà nước sẽ có hình thức và biện pháp hợp lý, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên liên quan.

Thy Thơ
Người lao động



Xem bài viết: Làm sạch nợ xấu