Nâng tiêu chuẩn niêm yết, bao giờ?
Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung, trong đó một nội dung rất được chờ đợi là quy định nâng cao tiêu chuẩn niêm yết chứng khoán vẫn chưa được ban hành dù Dự thảo đã được UBCK trình Bộ Tài chính từ năm 2010 và hai lần được đưa ra lấy ý kiến.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) trình Bộ Tài chính từ năm 2010 và hai lần được đưa ra lấy ý kiến các thành viên thị trường. Trong đó, một nội dung rất được chờ đợi là quy định nâng cao tiêu chuẩn niêm yết chứng khoán với những điều kiện cụ thể về vốn điều lệ, cổ đông, kết quả kinh doanh đối với các DN niêm yết tại HOSE và HNX. Tuy nhiên, đến bao giờ văn bản này được ban hành và việc nâng chuẩn niêm yết được triển khai trên thực tế thì vẫn đang là câu hỏi ngỏ…
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, việc nâng cao chất lượng hàng hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở. Các DN niêm yết không chỉ phải đáp ứng tiêu chí về lợi nhuận, mà sẽ thêm những điều kiện khác như thời gian thành lập DN, công tác quản trị công ty trước và sau khi niêm yết… Tuy nhiên, việc triển khai phải được thực hiện theo trình tự, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung, Bộ Tài chính ra thông tư hướng dẫn, từ đó 2 Sở mới ban hành quy chế áp dụng. Ông Trung cho biết, hiện dự thảo Nghị định đã được Bộ Tư pháp thẩm định xong và đang trình Chính phủ xem xét ban hành.
Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung, điều kiện niêm yết trên cả hai sàn nhìn chung đã khắt khe hơn, như quy định cụ thể mức lãi của DN, mức độ đại chúng cao hơn và có thời gian hoạt động lâu hơn. Cụ thể, DN muốn lên sàn HOSE phải là CTCP có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 120 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán; có ít nhất 2 năm hoạt động dưới hình thức CTCP, hoạt động kinh doanh của 2 năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi và không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký niêm yết; tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm gần nhất tối thiểu là 5%. Bên cạnh đó, tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ.
Theo một đại diện Sở GDCK TP. HCM (HOSE), liên quan đến dự thảo Nghị định mà UBCK đã đưa ra lấy ý kiến, Sở cũng đã có những đóng góp, bổ sung một số nội dung trên quan điểm, điều kiện niêm yết mới chỉ áp dụng đối với những hồ sơ mới mà không hồi tố đối với các đơn vị đã niêm yết trên sàn, có nghĩa là chỉ nên tập trung nâng cao chất lượng "đầu vào" để tránh làm xáo trộn thị trường. Tuy nhiên, vị đại diện HOSE cũng cho biết: "Liên quan đến việc nâng tiêu chuẩn niêm yết, đến thời điểm này, bản thân Sở rất bị động trong việc ban hành quy chế, vì theo nguyên tắc, vẫn phải chờ đến khi các văn bản pháp quy được ban hành".
Ngược lại với quan điểm của HOSE, một số chuyên gia và lãnh đạo DN cho rằng, cần nâng tiêu chuẩn tồn tại niêm yết với các DN hiện hữu trên sàn, bên cạnh việc nâng tiêu chuẩn DN niêm yết mới. Có như thế mới nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết, tránh ảnh hưởng đến uy tín chung của thị trường. Nâng cao chất lượng DN niêm yết và thanh lọc dần DN yếu kém trên sàn là hai vấn đề cần được đặt ra song song.
"Một thị trường chuyên nghiệp là thị trường có sự phân bổ hàng hóa hợp lý và phân hóa giữa các sàn, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư thuận lợi trong việc lựa chọn danh mục đầu tư", tổng giám đốc một DN niêm yết trên sàn HOSE nói và nhận định, việc thanh lọc các cổ phiếu xấu cũng là cách để nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết, tránh ảnh hưởng đến uy tín chung của thị trường.
Mới đây, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) cũng đưa ra kiến nghị cần chọn lọc và hạn chế việc niêm yết các loại cổ phiếu mới kém chất lượng, nhằm giảm bớt lượng cung và tăng tính minh bạch thông tin, góp phần ổn định thị trường.
Có thể nói, để hạn chế tình trạng “vàng thau lẫn lộn” hiện nay, việc pháp lý hóa tiêu chuẩn niêm yết theo hướng chặt hơn và phân biệt rõ phẩm cấp hàng hóa trên từng sàn giao dịch là rất bức thiết. Không chỉ có Nghị định hướng dẫn thi hành - văn bản xương sống để Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung có thể triển khai trên thực tế, các thành viên thị trường cho rằng, trong bối cảnh TTCK còn ảm đạm và các yếu tố vĩ mô chưa thực sự khởi sắc trở lại thì các bước chuyển động trong chính sách quản lý đối với TTCK là điều nên được ưu tiên thực hiện.
Hoàng Anh
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Nâng tiêu chuẩn niêm yết, bao giờ?