"Đảo hàng" và lướt sóng

"Thị trường lúc này là thời điểm kiếm ăn của những người chuyên nghiệp, biết chọn mã, lúc nào cũng duy trì cả tiền mặt lẫn CP để có lợi thế về thời gian."



"Đuổi theo CP tăng giá mà phát mệt" là lời than thở của không ít NĐT trong bối cảnh thị trường hiện tại. VN-Index cứ tăng - giảm thất thường và những CP lên - xuống đan xen: "Có CP tưởng như sắp tuột dốc không phanh đến nơi thì lại xuất hiện lực cầu lớn chặn mua giá thấp. Ngược lại, có mã hôm trước còn kịch trần, hôm sau đã ỉu xìu".

Đây là thời điểm khó "kiếm ăn" nhất với đa số NĐT.

Thời của dân chuyên nghiệp?

Thực tế không phải NĐT nào cũng "phát mệt". Không ít NĐT lại ưa thích tình trạng hiện tại khi chứng tỏ được kỹ năng lướt sóng, đầu cơ của những người chuyên nghiệp. Theo lời một NĐT chuyên lướt sóng, nhóm của anh mấy tuần nay đang "chạy" hết công suất vì "thị trường lúc này là thời điểm kiếm ăn của những người chuyên nghiệp, biết chọn mã, lúc nào cũng duy trì cả tiền mặt lẫn CP để có lợi thế về thời gian".

Lối chơi phổ biến của đa số NĐT là mua CK để chờ bán lại lúc cao hơn. Tuy nhiên, diễn biến của thị trường nói chung và giá nhiều CK nói riêng thời điểm hiện tại làm phá sản chiến thuật này. Đơn giản vì diễn biến tăng thường rất ngắn và NĐT có thể mất lãi khi CP về đến tài khoản, thậm chí còn lỗ.

Đối với NĐT đánh theo VN-Index dựa vào các CP trụ, sự đổi vai thường xuyên và sự xoay vòng tăng của các nhóm CP khác nhau có thể gây bối rối vì chỉ số có thể giảm, nhưng nhiều mã vẫn tăng - mạnh hay blue-chip thay phiên nhau tăng - giảm không biết đường nào mà lần.

Một ví dụ là hầu như hiếm có CP nào tăng một mạch 20-30% như trước mà xen kẽ nhiều đợt tăng - giảm. Nếu đánh kiểu mua và nắm giữ "chân phương", NĐT rất dễ "mất hàng" trong các đợt rung lắc hoặc chỉ thắng với tỉ lệ rất thấp. Chỉ có những NĐT khôn ngoan chấp nhận "ăn" vừa phải ở một mã nhưng lại nhanh chân nhảy sang các CP khác mà tiếng lóng gọi là "chuyền cành" khéo mới đạt tỉ lệ lợi nhuận cao do "ăn" được nhiều phần trăm ở các CP khác nhau.

Mấy tuần gần đây, chỉ số CK liên tục tăng - giảm xen kẽ. Dù cả tăng hay giảm thì lực mua lẫn bán đều rất mạnh. Không có tình trạng phân phối như trước: Khi thị trường đạt đến đỉnh cao, lượng cung tăng mạnh, tiền được rút ra nằm chờ điều chỉnh để mua lại rẻ hơn vài chục phần trăm.

Hiện tại, chiến thuật đảo hàng, "lên bán - xuống mua" đang được áp dụng rất phổ biến khiến cung - cầu lúc nào cũng cân bằng. "CP cứ giảm là xuất hiện lực mua hỗ trợ, nhưng hễ tăng mạnh là lại lôi hàng ra bán", NĐT này cho biết.

Giá CP do đó không tăng mạnh, nhưng cũng không giảm sâu. Đối với NĐT vốn ít, non nghề thì gần như không "kiếm ăn" được gì do giá cứ lình sình, thậm chí còn lỗ nếu lỡ tranh mua trần. Ngược lại, với NĐT lớn và cả CTCK, chiến thuật "trading" cực ngắn này lại là cơ hội rất tốt để gia tăng cả khối lượng CP lẫn khối lượng tiền mặt.

Một trong những lợi thế của NĐT lớn là lúc nào cũng sẵn cả CP lẫn tiền mặt để có thể mua - bán liên tục. Chẳng hạn với kho CP đầu tư dài hạn, khi giá tăng nóng, họ có thể xả hàng giá cao. Tuy nhiên đó không phải là hoạt động phân phối tại đỉnh, chỉ cần giá giảm trở lại vài phần trăm - thậm chí ngay trong phiên - là họ lại nhanh chóng mua (cover) lại hàng để bảo đảm khối lượng danh mục dài hạn.

Đây là chiến thuật đảo hàng, vẫn đảm bảo lượng CP cần thiết nhưng có thể làm tăng lượng tiền mặt. Trong khi đó, NĐT nhỏ lẻ thường bị hạn chế về mặt thời gian do quy trình thanh toán T+3 cũng như khả năng tài chính hạn hẹp, quen lối đánh "tất tay" trong một lần giao dịch.

Vui với bữa tiệc nhỏ

Khác với phân tích thường thấy của các CTCK, giới đầu tư hầu như không quan tâm nhiều đến Index. "Phân tích kỹ thuật với Index lúc này không nhiều tác dụng và không giúp đưa ra quyết định đúng", một NĐT cho biết. Nguyên nhân là dòng tiền đang chạy vào, chạy ra với từng nhóm CP khác nhau chứ không đẩy giá tăng chung nên giá lên - xuống phản ánh "nhiễu" vào Index. NĐT chọn CP đúng vẫn có thể "có ăn" dù Index giảm và ngược lại.

Mặt khác, khối lượng giao dịch cực lớn gần đây có thể khiến nhiều người phán đoán sai. Trong một thị trường theo xu hướng, khối lượng tăng vọt thường báo hiệu đỉnh và giá giảm trở lại theo một tỉ lệ nào đó có thể ước đoán trên cơ sở phân tích kỹ thuật.

Tuy nhiên, trong thị trường mà nhà đầu cơ sẵn sàng chấp nhận lãi 3-4% ngay trong phiên thì CP khó có thể tăng mạnh liên tục, nhưng cũng khó có thể giảm sâu. Lượng cầu lẫn cung khá cân bằng do áp lực mua - bán chỉ mang tính thời điểm: Lực mua mạnh ở giá thấp do NĐT mua lại chính khối lượng vừa bán, nhưng với giá rẻ hơn.

Hiện tại, thị trường không có nhiều thông tin hỗ trợ từ vĩ mô mà chủ yếu là các tin tức của từng DN cá biệt. Theo giới đầu tư, đây là điều kiện thuận lợi cho những nhà đầu cơ có kinh nghiệm cần mẫn nhặt nhạnh từng phần trăm, lướt T+ một cách linh hoạt với những CP có điều kiện tạo sóng. "Tạm qua thời của những "con sóng vĩ mô" như hồi tháng 5, tháng 6. Hãy quen với những bữa tiệc nhỏ"!

Theo Hoàng Nguyên
Stockbiz