Thủ thuật né tránh trách nhiệm

Một nguyên tắc quan trọng trong hợp đồng giao dịch kinh tế là đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên tham gia.

Thế nhưng, nhiều quy định trong hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán của một số CTCK không theo nguyên tắc này, bởi họ “tự chế” hợp đồng với những điều khoản, điển hình là các quy định về giao dịch trực tuyến, mà khi xảy ra tranh chấp, CTCK “trắng án”, còn NĐT ăn đủ rủi ro.

Nhiều NĐT đang rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” vì đối mặt với rủi ro khi giao dịch trực tuyến (qua Internet/điện thoại). NĐT Nguyễn Thanh Hải, mở tài khoản tại CTCK M cho biết: cách đây 3 tháng, anh gọi điện thoại đến nhân viên giao dịch của CTCK này yêu cầu đặt lệnh mua 50.000 cổ phiếu MB. Đến chiều, anh mới biết chỉ mua được một lượng nhỏ với lý do bảng điện tử bị treo. Sự cố này khiến anh thiệt hại không nhỏ, nên đã làm đơn khiếu nại lên Ban lãnh đạo CTCK M, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, xét về lý, với điều khoản miễn trừ trách nhiệm cho CTCK được quy định trong hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán mà NĐT thường ít để ý, gần như không thể quy trách nhiệm cho CTCK khi xảy ra sự cố như trên. Bởi vậy, khi xảy ra tranh chấp, NĐT luôn bị thiệt.

Khi được hỏi, liệu có biết trong hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán mà anh ký với CTCK M có quy định về trách nhiệm các bên khi xảy ra tranh chấp không, anh Hải cho biết, không chỉ riêng anh, mà hầu hết NĐT khi đến mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại CTCK chỉ biết ký vào bản hợp đồng công ty in sẵn, chứ ít khi đọc kỹ nội dung hợp đồng, nên không để ý những điều khoản quy định bất lợi cho NĐT. Kể cả phát hiện trong hợp đồng có quy định không đảm bảo sự bình đẳng về quyền lợi giữa CTCK và NĐT, thì NĐT cũng chẳng thể làm gì khác để bảo vệ quyền lợi của mình, bởi với quy định hiện hành, CTCK được độc quyền trong soạn thảo hợp đồng, chứ NĐT không được giam gia.

Để tránh sự chú ý của NĐT, trong hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán của một số CTCK như: công ty M, A, S…, mặt sau của hợp đồng thường in điều khoản về quyền, trách nhiệm của CTCK và NĐT với cỡ chữ nhỏ đến mức… khó có thể nhỏ hơn. Làm như vậy, CTCK mong NĐT không đọc, hoặc đọc càng ít càng tốt chăng?

Quy định về miễn trừ trách nhiệm cho CTCK khi xảy ra rủi ro trong giao dịch trực tuyến thường được CTCK đưa vào cam kết mặc định ở gần cuối các điều khoản trong bản hợp đồng.

Điển hình, trong hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán của CTCK M, có một điều khoản rất bất lợi cho NĐT khi xảy ra sự cố trong giao dịch trực tuyến. Đó là quy định: “Khách hàng thừa nhận việc đặt lệnh mua/bán chứng khoán qua Internet và/hoặc qua điện thoại luôn tồn tại rủi ro lỗi hệ thống bên ngoài sự kiểm soát của Công ty hoặc của bất kỳ một bên thứ ba nào khác. Khách hàng cam kết chấp nhận mọi rủi ro, mất mát hoặc thiệt hại khác phát sinh từ việc giao dịch qua Internet và/hoặc qua điện thoại do lỗi hệ thống, lỗi của bất kỳ bên thứ ba nào khác…”.

Một quy định tương tự với câu từ na ná trong bản hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán của CTCK S có nội dung: “Khách hàng thừa nhận rằng việc đặt lệnh mua bán thông qua các phương tiện khác như: fax, điện thoại, email… luôn tồn tại rủi ro tiềm tàng do lỗi của hệ thống hoặc của bất kỳ bên thứ ba nào khác. Khách hàng cam kết chấp nhận mọi rủi ro, mất mát hoặc thiệt hại nào khác phát sinh thông qua các phương tiện đặt lệnh nêu trên do lỗi hệ thống…”. Với quy định này, NĐT rất khó “trói” trách nhiệm của CTCK khi xảy ra tranh chấp trong giao dịch trực tuyến.

Vì tính “ưu việt” của điều khoản trên mà trong hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán của nhiều CTCK đều có quy định này. Để tăng phần chắc chắn khi xảy ra tranh chấp CTCK không có trách nhiệm với khách hàng, một số CTCK còn ban hành thêm bản thoả thuận giao dịch trực tuyến với nhiều quy định mà khi đưa ra mổ xẻ, CTCK hoàn toàn không có trách nhiệm gì với rủi ro của khách hàng.

Thực tế trên đặt ra câu hỏi: đang có “lổ hổng” trong quản lý hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán, nên khi xảy ra tranh chấp, NĐT luôn bị thiệt? Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải nhìn nhận: việc để CTCK tự thiết kế hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán đang bộc lộ nhiều điều không ổn, xâm phạm quyền lợi chính đáng của NĐT. Các điều khoản trong hợp đồng đều được CTCK “phác thảo” theo hướng có lợi cho họ. Nếu NĐT không chấp nhận ký, thì chẳng còn sự lựa chọn nào khác, vì CTCK nào cũng sử dụng điều khoản trên. Vì những tồn tại này mà thời gian qua, nhiều tranh chấp đã xảy ra giữa NĐT với CTCK và kết cục là NĐT luôn bị thiệt.

Ông Hải đề xuất, đã đến lúc UBCK cần vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng trên. Theo đó, UBCK sớm nghiên cứu để ban hành quy định về hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán mẫu. Nội dung của hợp đồng cần đảm bảo sự bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm giữa NĐT và CTCK. Trên cơ sở hợp đồng mẫu, CTCK có thể bổ sung một số điều khoản cho phù hợp với đặc thù của công ty, cũng như đề nghị từ phía khách hàng, nhằm đảm bảo quyền bình đẳng giữa hai bên.

Nguồn: http://vfinance.vn/

Linkgốc:http://vfinance.vn/m13/sm13/n14407/c...rach_nhiem.htm