Chủ đề: “Chiến dịch vàng” cần tổng lực
Threaded View
-
28-10-2011 03:43 PM #1
Platinum Member- Ngày tham gia
- Jun 2011
- Bài viết
- 59,568
- Được cám ơn 1,465 lần trong 1,303 bài gởi
“Chiến dịch vàng” cần tổng lực
“Chiến dịch vàng” cần tổng lực
Sau ba tuần thực hiện, quyết định cho các ngân hàng bán vàng nhằm đưa giá vàng nội ngang bằng giá quốc tế đã có những tác dụng nhất định. Nhưng mục tiêu cuối cùng là ổn định thị trường vàng cũng như ngoại hối về căn bản vẫn chưa đạt được và có những dấu hiệu cho thấy hiệu quả có thế mất đi nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không hành động dứt khoát, mạnh mẽ, chủ động hơn.
Lỗi ở cách thức bán vàng
Không khó để nhận ra ba yếu tố chính đã tác động đến hiệu quả của việc bán vàng. Thứ nhất, trong mười ngày đầu tiên kể từ khi bán, khối lượng bán ra khoảng 10 tấn, tương đương 267.000 lượng. Ngay sau đó, khi nhận thấy nhu cầu mua của người dân vẫn cao, NHNN mới cho phép bán tiếp 5 tấn nữa.
Thứ hai, cách bán không tập trung, không mạnh, có vẻ chập chờn, rỉ rả, dàn trải mỗi ngày một ít, nó thể hiện sự lo ngại của người bán là hết “đạn” (kiểu: nếu nhu cầu tăng, mà hàng đã bán hết, thì NHNN có cho bán tiếp không).
Thứ ba, và đây là điểm quan trọng nhất: giá bán không phải do NHNN ấn định dựa trên giá quốc tế cộng thêm phí nhập khẩu và chênh lệch 400.000 đồng/lượng như ý định ban đầu của cơ quan quản lý. Thay vào đó giá bán do 5 ngân hàng và Công ty SJC (tạm gọi là 5+1) quyết định. Sau này thêm hai ngân hàng là Phương Nam và Việt Á được tham gia bán vàng, thì nhóm 5+1 chuyển thành 7+1.
Như đã nhấn mạnh trong những bài viết trước, các ngân hàng và SJC là những doanh nghiệp. Đối với họ lợi nhuận được đặt lên hàng đầu.
Thông tư 32 cũng nêu rõ các ngân hàng được phép bán vàng chịu trách nhiệm về lời lỗ trong kinh doanh. Vì thế nhóm 7+1 phải lo cho lợi nhuận của họ trước đã. Lẽ ra ngoài việc ấn định giá bán, NHNN phải ấn định luôn thời gian bán, số lượng bán nhằm đạt mục tiêu.
Mục tiêu cao nhất của việc ổn định thị trường vàng chính là ổn định tỷ giá. Trong khi dự trữ ngoại hối có hạn, thì việc nhập khẩu vàng càng ít chừng nào, càng có ý nghĩa tích cực chừng đó. Những ngân hàng bán vàng ra, nếu không cân đối nguồn đã bán bằng cách nhập khẩu, thì chỉ còn cách mua lại vàng trong nước.
Thắt nút là ở đây! Một khi vàng được bán can thiệp đủ mạnh với giá ấn định, thời gian ấn định, số lượng ấn định, mới xuất hiện khả năng giá vàng nội ngang bằng giá thế giới và khi đó người dân (và giới đầu cơ) mới bán vàng ra, tức là thị trường hoạt động cả hai chiều mua và bán, tạo điều kiện cho các ngân hàng mua lại vàng. Làm sao để dùng nguồn lực vàng trong nước ổn định thị trường nội mà không cần có sự trợ giúp, hoặc trợ giúp một tỷ lệ nhỏ, của vàng nhập khẩu, mới là điều cần phải thực thi.
Hiện tại giá vàng nội vẫn cao hơn giá quốc tế 1 triệu đồng/lượng tính theo tỷ giá chính thức và 1,5-2 triệu đồng/lượng tính theo tỷ giá thị trường tự do. Mối quan ngại hơn là giá vàng và tỷ giá thị trường tự do đang đưa đẩy nhau và giá vàng không thể giảm xuống một khi tỷ giá “leo thang”.
Nghiệp vụ bán vàng và tỷ giá
Người ta đang đề cập đến nhóm lợi ích trong chính sách điều hành thị trường vàng, mà cụ thể là việc chọn lựa các ngân hàng được phép bán vàng, bởi suy luận các ngân hàng có thể bỏ túi ngay khoản chênh lệch giá vàng. Đâu có đơn giản thế! Cho đến nay các ngân hàng vẫn chưa được nhập vàng, nghĩa là vẫn chỉ hoạt động ở chiều bán, lấy đâu ra chênh lệch? Và còn đó tỷ giá. Vàng trong nước đã bán rồi, thời điểm được nhập chưa biết. Trong trường hợp tỷ giá tiếp tục biến động, dù có được nhập, khả năng lỗ không phải không có. Khi mua vàng tài khoản ở nước ngoài, các ngân hàng chỉ chốt giá vàng, không ai có thể chốt tỷ giá cả.
Hãy xem quy trình hạch toán của một ngân hàng bán vàng như thế nào!
Bán vàng, thu về tiền đồng, ngân hàng XYZ, thí dụ, phải hạch toán giảm vàng tại quỹ, tạo trạng thái âm (short) vàng trong nước. Đồng thời ngân hàng tăng tiền mặt tại quỹ, tăng nguồn vốn tiền đồng tương ứng số vàng đã bán.
Một khi vàng được bán can thiệp đủ mạnh với giá ấn định, thời gian ấn định, số lượng ấn định, mới xuất hiện khả năng giá vàng nội ngang bằng giá thế giới và khi đó người dân (và giới đầu cơ) mới bán vàng ra, tức là thị trường hoạt động cả hai chiều mua và bán, tạo điều kiện cho các ngân hàng mua lại vàng.
Bước tiếp theo là cân bằng trạng thái bằng cách mua vàng trên tài khoản nước ngoài:
1. Hạch toán tăng tiền gửi vàng trên tài khoản nước ngoài, tạo trạng thái dương (long) trên tài khoản này;
2. Trạng thái vàng trong nước được cân bằng với trạng thái mua ở nước ngoài;
3. Thanh toán số lượng vàng mua trên tài khoản nước ngoài, phải trích ngoại tệ (đô la Mỹ) từ tài khoản ở nước ngoài, tạo ra trạng thái âm đối với ngoại tệ. Do đó phải tất toán trạng thái ngoại tệ bằng cách mua vào tương ứng với số ngoại tệ dùng mua vàng. Giá thành của số vàng mua được tính bằng giá quốc tế cộng phí nhập khẩu nhân với tỷ giá.
Bước cuối là khi được nhập khẩu vàng về: hạch toán giảm tiền gửi vàng trên tài khoản nước ngoài, tất toán trạng thái vàng ở nước ngoài. Kế đó tăng vàng nguyên liệu tại kho trong nước (tăng trạng thái vàng nguyên liệu trong nước), ghi nhận lợi nhuận. Trạng thái bán vàng trong nước hoàn tất.
Nhìn vào quy trình trên, rõ ràng để đến thời điểm “ghi nhận lợi nhuận”, các ngân hàng bán vàng mới đi được một phần ba chặng đường. Mặc dù mới chỉ chốt giá vàng mua trên tài khoản nước ngoài, chưa thanh toán, họ vẫn đang bị rủi ro tỷ giá đe dọa lửng. Để tránh rủi ro này, hãy xem hành động tiếp theo của họ.
Từ ngày bán vàng, lượng vàng mà các ngân hàng và SJC mua vào thấp hơn đáng kể so với bán ra. Họ, với sự không phản đối của NHNN, đã tạo ra cách bán như trên, và hướng đến việc nhập khẩu vàng để cân bằng trạng thái bán hơn là tìm mua từ nguồn trong nước. Bán trong nước đến đâu, chốt khối lượng mua ở nước ngoài tương ứng, họ đồng thời mua ngoại tệ chuyển khoản cần thiết tương ứng ngay để dự phòng. Kết quả là tỷ giá liên ngân hàng tăng vọt. Cuối tuần trước tỷ giá giao dịch thực trên thị trường liên ngân hàng đã cao hơn tỷ giá thị trường tự do (trên giấy tờ tỷ giá liên ngân hàng chỉ kịch trần - NV). Bây giờ đến lượt tỷ giá thị trường tự do chạy theo tỷ giá liên ngân hàng.
Tất nhiên sự biến động vừa qua của tỷ giá có yếu tố tâm lý, có nhu cầu trả nợ của những doanh nghiệp vay ngoại tệ, có nhu cầu thanh toán nhập khẩu cao theo mùa vụ vào quí 4 hàng năm, nhưng cốt yếu vẫn là mua đô la dự phòng cho nhập vàng. Với 10 tấn vàng đã bán, 10 tấn vàng được mua ở tài khoản nước ngoài, thì ít nhất 600 triệu đô la Mỹ đã được mua dự phòng. Đây là nhu cầu ngoại tệ lớn trong thời gian khoảng mươi ngày và nó không làm tăng tỷ giá liên ngân hàng mới là lạ!
Với việc dự phòng cho nhập khẩu vàng, cầu ảo ngoại tệ đã tăng đột ngột!
Tổng lực cho “chiến dịch vàng”
Bán vàng là chủ trương đúng và cần thực hiện đến nơi đến chốn. Trước mắt NHNN phải chủ động xem xét việc ấn định giá bán vàng. Giá này phải được cập nhật thường xuyên, thường trực, đi cùng với điều chỉnh kịp thời thời gian bán và khối lượng vàng bán ra.
Giá vàng trong nước chỉ sụt giảm mạnh một khi nguồn cung lớn và dự báo còn lớn trong thời gian ngắn. Khi giá sụt giảm là lúc các ngân hàng bán vàng mua lại. Sự biến động nhanh, mạnh của giá vàng nội, tương tự sự biến động của giá quốc tế, mới giúp dập tắt đầu cơ vàng. Nhu cầu mua vàng của người dân cũng bớt đi nếu họ phải đối mặt với tốc độ lên xuống của giá vàng thế giới.
Hải Lý
TBKTSG Online
Xem bài viết: “Chiến dịch vàng” cần tổng lực
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)
Similar Threads
-
Chiến lược giao dịch vàng sáng- trưa- chiều -tối
By lucyvu in forum Forex và Hàng hóaTrả lời: 0Bài viết cuối: 09-12-2010, 10:28 AM -
Chiến lược giao dịch vàng sáng- trưa- chiều -tối
By lucyvu in forum Forex và Hàng hóaTrả lời: 0Bài viết cuối: 06-12-2010, 09:04 AM -
Chiến lược giao dịch vàng hàng ngày.
By lucyvu in forum Forex và Hàng hóaTrả lời: 7Bài viết cuối: 03-12-2010, 04:50 PM -
BỨC TRANH VÀNG VÀ CHIẾN LƯỢC VÀNG PHIÊN ÂU (daily update)
By sweet1105 in forum Forex và Hàng hóaTrả lời: 10Bài viết cuối: 18-01-2010, 06:59 PM
Bookmarks