(Vietstock) - VN-Index đã có một giai đoạn tăng trưởng khá nóng trong giai đoạn tháng 8 – tháng 9. Tính đến ngày 30/09/2009, chỉ số này đã tăng 24.14% so với đầu tháng 8. Những người theo trường phái phân tích cơ bản đều cho rằng sự phục hồi của thị trường chứng khoán đã vượt xa tốc độ phục hồi của nền kinh tế và một sự điều chỉnh ngắn hạn là cần thiết trong giai đoạn này. Phân tích kỹ thuật dường như cũng đang ủng hộ quan điểm này.
Chuẩn bị bước vào sóng hiệu chỉnh
Giai đoạn từ cuối tháng 2 năm 2009 đến nay, có hai cách nhìn nhận khác nhau về sóng: ba sóng lớn hoặc năm sóng nhỏ. Nếu theo quan điểm 5 sóng thì chúng ta đang ở cuối sóng 5. Còn nếu theo quan điểm 3 sóng thì có thể VN-Index đang bước vào giai đoạn cuối sóng 3.
Như vậy, cho dù theo quan điểm nào của lý thuyết sóng Elliott thì chúng ta cũng đang đối diện với một sóng hiệu chỉnh phía trước: sóng 2 lớn (nếu theo quan điểm 5 sóng) hoặc sóng 4 lớn nếu theo quan điểm 3 sóng).



Khó vượt ngưỡng kháng cự Fibonacci Retracement 161.8% trong ngắn hạn
Nếu phân tích tuần về mặt khối lượng, tháng 9 không có gì khác biệt quá lớn so với tháng 8. Trong khi đó, ngưỡng kháng cự Fibonacci Retracement 161.8% hoạt động rất hiệu quả trong 5 – 7 phiên gần đây. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 23/09/2009 với volume lên đến 90,385,328 nhưng VN-Index vẫn không thể phá vỡ được ngưỡng kháng cự này.
Shooting star xuất hiện cho thấy sự bất lực của bullish group – nhóm đầu cơ giá lên. Vì vậy, trong vòng vài phiên tới khả năng phá vỡ ngưỡng này là khá thấp khi mà khối lượng chưa có dấu hiệu đột biến.
Hầu hết các chỉ báo đều cho tín hiệu điều chỉnh
MACD đã cho sell signal ngắn hạn. Tín hiệu bán này xuất hiện ở trên đường zero base nên có độ tin cậy khá cao. Chỉ cần vài phiên giảm điểm nữa thì sẽ xuất hiện cái gọi là “sự hội tụ giữa các yếu tố ngắn hạn và dài hạn” của chỉ báo này. Khi đó sell signal ngắn hạn của MACD daily sẽ cộng hưởng với sell signal dài hạn của MACD weekly tạo thành một tín hiệu rất mạnh xác nhận xu hướng giảm điểm của thị trường. Chỉ báo Money Flow Index cũng đã cho tín hiệu tương tự khi duy trì ở vùng overbought trong hơn 1 tuần.




Relative Strength Index và Parabolic SAR cũng sắp cho tín hiệu bán. Thị trường thực sự đang trong một giai đoạn hết sức nhạy cảm khi mà hầu hết các indicator đều báo hiệu sự điều chỉnh sắp xảy ra.
Thị trường khó rớt sâu
Mặc dù phải đối mặt với sóng hiệu chỉnh phía trước nhưng thị trường cũng khó có thể giảm sâu vì đang được các yếu tố trung hạn nâng đỡ.
Yếu tố đầu tiên là các đường SMA 25 và SMA 50. Trong tuần đầu tiên của tháng 9, VN-Index đã nhận được sự hỗ trợ từ SMA 25. Những phiên điều chỉnh sắp tới, thị trường sẽ cần đến các mức chống đỡ này.
Đường Andrews’ Pitchfork cũng là mức chống đỡ khá tốt nhưng yếu tố đang được kỳ vọng nhất để giữ cho thị trường không rớt sâu lúc này chính là đường trendline trung hạn và Fibonacci Retracement 38.2%.



Trendline trung hạn có độ dốc khá thấp (28.85 độ) và đã được test hai lần trong quá khứ nên có độ tin cậy cao. Độ dốc của đường giá xấp xỉ 50 độ nên việc thoái lùi về Fibonacci Retracement 38.2% là điều hợp lý. Mặt khác, mức chống đỡ này lại trùng với đỉnh 520 đã vượt qua trước đó nên càng bền vững.
Kết luận
Một sự điều chỉnh của thị trường là cần thiết. Vì càng giằng co lâu thì sự điều chỉnh càng mạnh và sâu hơn. Sự tăng điểm không đáng kể của thị trường là nguy cơ rất lớn khi mà các nhà đầu tư sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao sẽ có khuynh hướng bán ra để phòng ngừa rủi ro. Vì vậy, giải ngân trong giai đoạn này là khá mạo hiểm.