Phát súng nổ đầu tiên của Chính phủ chính là tái cơ cấu đầu tư công
* Đầu tư công chỉ chiếm 19,9% chi ngân sách
Trao đổi với báo chí bên lề hành lang Quốc hội sáng 28.10, bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trong ba đột phá sắp tới, thì phát súng nổ đầu tiên của Chính phủ chính là tái cơ cấu đầu tư công, và bắt đầu từ năm 2012 này và bắt đầu bằng chỉ thị số 1792 ngày 15.10.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Thưa ông, hiện nay có nhiều ý kiến cần tái cơ cấu đầu tư công, ông có nhận định gì?
Tôi cho rằng bây giờ giảm đầu tư công là đúng hướng, nhưng nếu giảm đầu tư cứ đi theo hướng này thì đất nước rất là nguy nan. Bởi vì Việt Nam khác hoàn toàn với các nước khác, Việt Nam đang mới bắt đầu phát triển, cho nên nhu cầu đầu tư về kết cấu hạ tầng xã hội của chúng ta rất lớn. Trong khi đó, các nước khác đã đầu tư hàng 400-500 năm nay, như Pháp họ nói không còn chỗ nào để đầu tư cả, trường học, bệnh viện, đường sá giao thông, bến cảng đều ổn định rồi.
Mà tỷ lệ đầu tư công hiện nay trong tổng mức đầu tư là rất thấp, nếu chúng ta cứ so như thế này thì chúng ta ngừng không đầu tư à?
Nếu có thời gian phát biểu thêm trong Quốc hội, tôi sẽ nói về việc, trong ba đột phá sắp tới, về đầu tư, có đầu tư công, tái cơ cấu về doanh nghiệp trong đó có DN Nhà nước là trọng tâm, cơ cấu hệ thống tài chính thì ngân hàng thương mại là trọng tâm, thì phát súng nổ đầu tiên của Chính phủ chính là tái cơ cấu đầu tư công, và bắt đầu từ năm 2012 này và bắt đầu bằng chỉ thị số 1792 ngày 15.10.
Xin ông nói rõ hơn về tỷ lệ của đầu tư công?
Tổng mức đầu tư của Việt Nam hiện nay quá thấp, trong báo cáo thẩm tra của ủy ban Ngân sách và tài chính nói, năm nay giải ngân 123.000 tỷ đồng, chỉ bằng hơn 2 lần công trình đường tàu điện ngầm Bến Thành Suối Tiên thôi. Công trình đó vừa gửi Quốc hội là 47.000 tỷ đồng, như vậy 123.000 cho cả nước bằng 2,6 lần, chưa được 3 công trình đó. Trong khi phải bố trí cho bao nhiêu công trình đường cao tốc, bến cảng của 63 tỉnh thành, quá nhỏ bé và chỉ chiếm có 19,9% chi ngân sách thôi, còn đến 80% là chi thường xuyên và chi khác. Việt Nam giống như một gia đình nghèo, làm được bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu và không để một đồng đầu tư nào cả, đã nghèo mà chi cho an sinh thì bao nhiêu mà chả thiếu, nhưng nếu chúng ta không tiết kiệm để chi thì chúng ta lấy cái gì để mà phát triển.
Tôi cũng muốn nói, về nợ công và bội chi phải nói một điều là, chi đầu tư công là 180.000 tỷ năm 2012, trong khi đó bội chi là 140.000 tỷ, như vậy chi đầu tư công cơ bản là cái bội chi, mà bội chi vay ở trong nước và nước ngoài. Vậy thì anh phải dâng trần nợ công lên một chút, anh phải có bội chi thì mới có đầu tư, còn không anh thu bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu thì làm sao đất nước phát triển được.
Thời gian qua có thông tin các địa phương không thực hiện nghiêm túc cắt giảm đầu tư, thưa ông?
Các địa phương cơ bản là thực hiện khá nghiêm túc. Ở đây chỉ có 7 công trình là vi phạm, nhưng trong đó có 2 công trình về giao thông, 2 công trình thủy lợi, một công trình y tế và về giáo dục, nó cũng nhỏ thôi. Còn lại ghi trong đó là 333 công trình nhưng thực tế có 315 công trình chủ yếu là các phòng học kiên cố. Bởi vì Nghị quyết Quốc hội cho tổng mức đầu tư, riêng kiên cố trường học thì không ghi tên từng công trình một, mà cho m2 xây dựng, mà lại khởi công đầu năm hoàn thành cuối năm, tiền bố trí rồi nên các địa phương làm liều làm cố, cho nên vi phạm mất 315 công trình. Tuy nhiên tổng mức tiền rất là nhỏ, và số công trình vi phạm chỉ chiếm có 2 phần nghìn trong số công trình được giao thôi, nghĩa là 333 trên tổng số hơn 20.500 công trình, nhưng tổng vốn chiếm đưa đến 1 phần nghìn. Ở các tỉnh người ta thấy đã làm dở dang , đầu năm làm cho các cháu học, dở dang là vi phạm nhưng lần này làm rất nghiêm, Thủ tướng sẽ thu hồi số vốn đó .
Việt Anh (ghi)
Sài Gòn Tiếp thị



Xem bài viết: Phát súng nổ đầu tiên của Chính phủ chính là tái cơ cấu đầu tư công