Hybrid View
-
28-10-2011 02:19 PM #1
Platinum Member- Ngày tham gia
- Jun 2011
- Bài viết
- 59,568
- Được cám ơn 1,465 lần trong 1,303 bài gởi
Tăng dự trữ bắt buộc có 'cứu' được thanh khoản?
Tăng dự trữ bắt buộc có 'cứu' được thanh khoản?
TS. Phan Minh Ngọc cho rằng, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tăng lãi suất trả cho dự trữ bắt buộc tuy không làm tăng áp lực lạm phát nhưng không nhất thiết cải thiện được thanh khoản cho ngân hàng thương mại.
LTS: Phản biện một số bài viết gần đây liên quan đến đề xuất tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, TS. Phan Minh Ngọc, Phó giám đốc nghiên cứu DN của Ngân hàng Sumitomo Mitsui chi nhánh Singapore, đã có bài phân tích cụ thể, rõ ràng với ví dụ dễ hiểu về lý do tại sao hành động tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và sau đó dùng phần dự trữ bắt buộc tăng lên này cho ngân hàng thiếu hụt thanh khoản vay sẽ không nhất thiết cải thiện được thanh khoản cho ngân hàng đó.
Gần đây có một số kiến nghị nâng cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc (chẳng hạn lên 10% từ mức 3-4% như hiện tại) và lãi suất trả cho dự trữ bắt buộc (chẳng hạn lên 12-13%/năm) để giải bài toán khó khăn thanh khoản ở các ngân hàng thương mại trong bối cảnh chính sách tiền tệ vẫn phải thắt chặt (mà theo cách hiểu và cách dùng từ của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là "chặt chẽ") để kiềm chế lạm phát. Mới đây nhất có bài trả lời phỏng vấn VEF.VN của cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Lê Đức Thúy.
Có thể thấy xuất phát điểm của luồng ý kiến này là việc làm sao để giảm căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng (và nhờ đó giúp giảm lãi suất) mà không gây thêm áp lực lên NHNN để tăng cung tiền, vốn sẽ gây thêm áp lực tăng lạm phát, theo kiểu "lấy mỡ nó rán nó". Không biết vô tình hay hữu ý mà cả hai tác giả đều dùng cụm từ này (ngoài một số nội dung khác cũng giống nhau) để mô tả hành động đó, nếu có, của NHNN, nhằm lấy vốn từ những ngân hàng dư thừa vốn cho vay lại những ngân hàng đang thiếu thanh khoản.
Ý kiến trên có một số bất ổn cả về mặt khái niệm lẫn số học.
Theo ông Thúy thì: "Nếu trả lãi suất cho những khoản tiền gửi bắt buộc ấy thì sẽ thu hút được lượng tiền nhàn rỗi của các ngân hàng thừa và cho vay lại đối với những ngân hàng thiếu ở mức lãi suất cao hơn, vừa đảm bảo bù đắp chi phí lại vừa không phải bơm tiền ra nền kinh tế".
Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, sau đó dùng phần dự trữ bắt buộc tăng lên này cho ngân hàng thiếu hụt thanh khoản vay sẽ không nhất thiết cải thiện được thanh khoản cho ngân hàng đó (ảnh minh họa - SGTT)
Về mặt khái niệm, có thể nói ngay dự trữ bắt buộc không phải là/không liên quan gì đến "tiền nhàn rỗi của các ngân hàng thừa" như ông nói. Khi ngân hàng thương mại huy động được 100 triệu VND, giả sử với tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện hành là 4% thì lập tức ngân hàng thương mại đó phải trích gửi vào tài khoản dự trữ bắt buộc ở NHNN một khoản là 4 triệu VND, bất kể ngân hàng đó đang thừa hay thiếu vốn. Số tiền 4 triệu này có thể được hoặc không được NHNN trả lãi, tùy từng thời điểm. Nhưng thông thường, vì đã gọi là "bắt buộc" nên nếu có được trả thì lãi suất cũng ở mức rất tượng trưng so với lãi suất cho vay thương mại.
Còn nếu ngân hàng thương mại mà thừa vốn và giả sử nó không huy động tiền gửi nữa thì NHNN về nguyên tắc chẳng có quyền gì yêu cầu ngân hàng trên phải nộp dự trữ bắt buộc (tất nhiên nếu NHNN "lạm quyền" thì có thể bắt buộc ngân hàng thương mại mua tín phiếu hay một loại hình bắt buộc tương tự mà hình như đã từng xảy ra để giảm (dư thừa) thanh khoản của (một số) ngân hàng thương mại).
Cần nói thêm, dự trữ bắt buộc là một công cụ nặng ký của chính sách tiền tệ của NHNN để điều tiết cung tiền vào nền kinh tế. Vì thế mục đích của việc tăng hay giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc là để giảm hay tăng (theo chiều ngược lại) cung tiền, tương ứng là hút thêm tiền về két sắt của NHNN hay tung thêm tiền ra lưu thông. Do đó, về khái niệm và bản chất, dự trữ bắt buộc không phải là công cụ vi mô, điều tiết vốn từ chỗ này/ngân hàng này sang chỗ khác/ngân hàng khác như các tác giả này hiểu.
Tiếp theo, vì các quy định về dự trữ bắt buộc, theo nguyên tắc, là áp dụng chung cho cả hệ thống ngân hàng nên khi NHNN công bố rằng sẽ nâng cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc lẫn lãi suất trả cho dự trữ bắt buộc thì các mức mới này sẽ phải được áp dụng đồng đều cho tất cả các ngân hàng, chứ không chỉ riêng một ngân hàng nào đó. Hành động này có thể sẽ làm tăng khối lượng dự trữ bắt buộc ròng mà NHNN thu được từ hệ thống ngân hàng nhưng không nhất thiết sẽ làm cho thanh khoản của một ngân hàng nào đó được cải thiện, về mặt số học, kể cả khi NHNN đem cho vay lại một phần dự trữ bắt buộc thu được này.
Cụ thể hơn, giả thiết NHNN nghe theo khuyến nghị trên và chấp nhận tăng cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất trả cho dự trữ bắt buộc. Giả sử ngân hàng thương mại A đang thiếu hụt thanh khoản, và ngân hàng B thì ngược lại. Giả định rằng cả A và B đều đã huy động được 100 triệu VND tiền gửi. Giả sử thêm rằng hiện tại tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 4% thì khối lượng dự trữ bắt buộc mà NHNN thu được từ A là 4 triệu, và từ B cũng là 4 triệu. Trừ số này đi thì mỗi ngân hàng chỉ huy động ròng được 96 triệu (chưa tính lãi do NHNN trả cho phần dự trữ bắt buộc).
Nếu NHNN tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện nay lên 10% thì NHNN sẽ thu về 10 triệu dự trữ bắt buộc từ A và 10 triệu từ B trước khi trả lãi cho khoản dự trữ bắt buộc này. Với 10 triệu dự trữ bắt buộc phải nộp này, A hay B chỉ thu được 90 triệu vốn ròng từ số vốn huy động 100 triệu. Giả thiết NHNN trả lãi cho dự trữ bắt buộc một lần sau 1 năm nữa nên tại thời điểm tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, NHNN đã thu được từ A hay B một khoản chênh lệch dự trữ bắt buộc so với trước khi tăng dự trữ bắt buộc là 10 - 4 = 6 triệu.
Sau đó, giả thiết rằng NHNN dùng một phần của 6 triệu chênh lệch nói trên thu được từ B và cho A vay (vì NHNN phải trích lại một phần trong số 6 triệu nói trên đã trả cho dự trữ bắt buộc của B sau 1 năm nữa). Trước khi tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì A sẽ chỉ huy động được 96 triệu. Sau khi NHNN tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên 10% thì A cũng sẽ chỉ có <96 triệu, là tổng số của 90 triệu (là vốn ròng từ 100 triệu huy động) cộng với <6 triệu cho vay thêm từ NHNN.
Như vậy, so sánh thời điểm trước và sau khi NHNN tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì A vẫn chỉ thu ròng được <96 triệu vốn, và vì thế người viết mới nói ở phần trên rằng thanh khoản của A không nhất thiết được cải thiện kể cả khi NHNN "rán mỡ" A chia cho B.
Tất nhiên, tính toán trên sẽ cho kết quả khác nếu NHNN còn thêm ưu ái A bằng cách hoàn lại phần dự trữ bắt buộc thu của A cho A. Kết quả cũng sẽ khác đi tuỳ thuộc vào số vốn huy động của A và B (A có thể được thêm thanh khoản nếu số vốn huy động của A nhỏ hơn B; và ngược lại).
Do đó, nếu các tác giả trên muốn khuyến nghị NHNN "chơi" công cụ dự trữ bắt buộc theo kiểu riêng của mình, không theo thông lệ quốc tế, thì thay vì đề xuất nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất trả cho dự trữ bắt buộc như trên (là cái không chắc chắn mang lại kết quả như mong muốn), họ nên đề xuất NHNN trực tiếp áp đặt tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho mỗi (nhóm) ngân hàng, cho giản tiện, dễ hiểu, dễ áp dụng mà vẫn thu được kết quả như ý muốn là "dùng mỡ nó rán nó". Cụ thể hơn, với A là ngân hàng đang bị thiếu thanh khoản thì thay vì áp dụng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc 4% như hiện tại, NHNN nên áp dụng tỷ lệ 0%, thế là đương nhiên lượng vốn ròng thu được từ huy động 100 triệu vẫn là 100 triệu, nhiều hơn 4 triệu so với trường hợp phải trả 4% dự trữ bắt buộc. Điều này cũng có nghĩa là A đã có thêm thanh khoản.
Còn với B là ngân hàng đang dư thừa thanh khoản thì NHNN áp luôn mức 10% như đề xuất ban đầu (đồng thời để cho công bằng hơn thì có thể trả lãi suất 12%, thậm chí là 15%/năm cho khoản dự trữ bắt buộc này). Như vậy, NHNN lập tức có ngay thêm 10 triệu dự trữ bắt buộc, cũng tức là có nhiều hơn 10 - 4 - 4 = 2 triệu so với khi áp tỷ lệ dự trữ bắt buộc 4% lên A và B cho khoản huy động 100 triệu của họ. NHNN có thể đem một phần lớn trong số 2 triệu trên (để lại một phần nhỏ để trả lãi cho B sau một năm nữa) cho A vay thêm để cải thiện hơn nữa thanh khoản của nó.
Có điều, dù giản tiện, dễ hiểu, dễ thi hành nhưng hành động trên của NHNN thuần túy mang tính chất hành chính, chủ quan, áp đặt và không minh bạch, dễ gây bất đồng, phản đối, và hoàn toàn rất có thể bị lợi dụng bởi một nhóm lợi ích nào đó. Khi đó, tuy có thể đạt được mong muốn trước mắt nhưng liệu NHNN có còn muốn áp dụng nữa không, và hậu quả về lâu dài có đong đếm được hay không là một số vấn đề mà NHNN cần suy nghĩ hai lần trước khi quyết định.
TS.Phan Minh Ngọc
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
Xem bài viết: Tăng dự trữ bắt buộc có 'cứu' được thanh khoản?
-
28-10-2011 02:19 PM #2
Platinum Member- Ngày tham gia
- Jun 2011
- Bài viết
- 59,568
- Được cám ơn 1,465 lần trong 1,303 bài gởi
Lê Quang Hiệp (28/10/2011 14:19)
Cách suy nghĩ của Bác Thúy hay một số tác giả khác là kiểu ăn sổi ở thì, vốn tồn tại trong văn hóa nước ta từ rất lâu mà vẫn chưa khắc phục được. Hy vọng các bác mới lên có cách nhìn xa trông rộng và sâu sắc hơn những thế hệ trước!
Xem bài viết: Tăng dự trữ bắt buộc có 'cứu' được thanh khoản?
Thông tin của chủ đề
Users Browsing this Thread
Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)
Similar Threads
-
Chứng khoán chưa thể nằm trong danh sách được “cứu”
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 3Bài viết cuối: 12-08-2011, 03:21 PM -
Chỉ tạm nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với ngân hàng vi phạm trong tháng 7
By tintucsukien in forum Thảo luận Tình hìnhTrả lời: 3Bài viết cuối: 29-06-2011, 01:42 PM -
Tỉ lệ an toàn vốn và tỉ lệ dự trữ bắt buộc
By cavarol in forum SÀN OTC CỔ PHIẾUTrả lời: 1Bài viết cuối: 11-10-2010, 11:10 AM -
Bỏng Ngô - Tỷ lệ dự trữ bắt buộc
By ProDuck in forum BlogTrả lời: 0Bài viết cuối: 20-09-2010, 02:12 PM -
Tăng lãi suất dự trữ lên 3,6 % hay giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc?
By giacngo in forum Kiến thức Chứng khoánTrả lời: 5Bài viết cuối: 07-09-2008, 12:10 AM
Bookmarks