Tướng Lê Văn Cương bình về "hiện tượng Đinh La Thăng"
  • Thông báo


    + Trả lời Chủ đề
    Kết quả 1 đến 2 của 2
    1. #1
      Ngày tham gia
      Jun 2011
      Bài viết
      59,568
      Được cám ơn 1,465 lần trong 1,303 bài gởi

      Post Tướng Lê Văn Cương bình về "hiện tượng Đinh La Thăng"

      Tướng Lê Văn Cương bình về "hiện tượng Đinh La Thăng"
      Trong chiến trận có hai cách đánh: một là trực diện, hai là vu hồi, tức là đánh vòng quanh. Trong bài toán giao thông và tài chính Việt Nam, theo tôi cả Vương Đình Huệ - Đinh La Thăng nên chọn cả hai phương án vừa trực diện, vừa vu hồi. Trong cơ chế này, phương án vu hồi xem ra hiệu quả hơn, từng khâu một, chậm mà chắc - Thiếu tướng Lê Văn Cương khuyên.
      Bộ trường Bộ giao thông Đinh La Thăng có thể đang là người xứng đáng nhận được danh hiệu: Bộ trưởng nổi tiếng trong thời gian ngắn nhất. Hàng loạt động thái của ông, cũng như một loạt văn bản, kiến nghị ông vừa ban hành đang gây chú ý. Kẻ khen, người chê.
      Để mong giúp Bộ trưởng Thăng có điều kiện soi chiếu về những động thái của mình, cũng như xã hội có một tiếng nói khách quan về cá nhân ông Thăng nói riêng và một vài vấn đề xã hội nói chung, Tuần Việt Nam trò chuyện với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an.
      Tỉnh táo và thực tế
      Báo chí và dư luận đang được dịp ồn ào với 'hiện tượng Đinh La Thăng', hẳn thiếu tướng cũng biết. Ông có nhận định gì về tân Bộ trưởng Giao thông, cũng như một loạt động thái đang gây chú ý của ông ấy?
      Trước hết, dù có nhiều luồng dư luận khác nhau về ông Thăng, nhưng quan điểm cá nhân tôi là ủng hộ ông ấy.
      Thứ nhất, trong điều kiện xã hội hiện nay còn nhiều bức bách, nhức nhối, chất chứa nhiều vấn đề bức xúc như hiện nay thì chuyện đồng chí Bộ trưởng Bộ giao thông Đinh La Thăng công khai thể hiện quan điểm và ý chí hành động ở một loạt vấn đề - tôi cho rằng - là những động thái tích cực. Nó khơi gợi và củng cố niềm tin vào bộ máy quản lý của Nhà nước. Dưới góc độ này tôi ủng hộ và mong muốn hơn 20 bộ trưởng còn lại cũng thể hiện như ông Thăng.
      Thứ hai, 'hiện tượng Đinh La Thăng' chỉ ra rằng: không phải bây giờ, mà đã hàng chục năm nay, xã hội đã tích dồn rất nhiều vấn đề bức xúc đến độ sớm hay muộn cũng sẽ xuất hiện những nhân tố mới, tích cực hơn nhằm tích cực tháo gỡ.
      Về mặt khoa học, sự tích dồn khi đến một độ nào đó sẽ chuyển sang một trạng thái khác thì dù là một cá nhân đơn lẻ, vẫn có thể phản ánh xu hướng mới của một xã hội, cụ thể đây là Nhà nước Việt Nam, là nhận thức mới của ****. Điều này thể hiện rõ tại Hội nghị Trung ương **** III vừa rồi, đã thẳng thắn hơn trước và tiếp cận gần tới tinh thần của Đại hội 6 là nhìn thẳng vào sự thật; và lần đầu tiên tại Hội nghị TW Tổng bí thư phê phán lối 'tư duy nhiệm kỳ' và tệ 'lợi ích nhóm' trong bộ máy công quyền.
      Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, những vấn đề ông Thăng nêu ra sẽ không thể đạt được nhanh chóng. Bởi lẽ, đến giờ phút này Đinh La Thăng chỉ là thiểu số. Hơn nữa cơ chế của ta đã trì trệ cả chục năm rồi, rất nặng nề níu kéo. Một người nổi lên khó mà lay chuyển được.
      Chúng ta ủng hộ ông Thăng, nhưng nên tỉnh táo và thực tế đánh giá tình hình. Nói cho cùng ông Thăng chỉ là một bộ trưởng, muốn hay không muốn bộ trưởng cũng chỉ có một số quyền + hạn nhất định, rất nhiều vấn đề nằm ở chỗ khác; và ngay trong nội bộ Bộ giao thông.
      Tôi ủng hộ ông Thăng. Tôi cũng chia sẻ những khó khăn của ông ấy. Ông ấy sẽ vấp rất nhiều cản trở. Muốn làm những điều tốt đẹp như ông ấy mong muốn là cả một chặng đường lâu dài, và là một quá trình đau đẻ rất nặng nề; nhưng dù sao đó cũng là những đột phá ban đầu, mở ra hy vọng mới cho một thời kỳ mới.
      Không thể nào 'đẻ' mà không đau
      Chính phủ vừa bắt đầu một nhiệm kỳ. Cùng với Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Tài chính Vương Đinh Huệ với những quan điểm mạnh mẽ về nhóm lợi ích trong thị trường xăng dầu cũng làm người dân phấn chấn. Nhiều người gọi ông Thăng - Huệ là "thế hệ bộ trưởng mới" và kỳ vọng nhiều vào họ. Nhưng như ông vừa phân tích, những ông Thăng - Huệ liệu có vượt qua cơn 'đau đẻ' khó nhọc này?
      Đúng là khi nhiệm kỳ này bắt đầu, ngoài hai ông Thăng - Huệ còn có một số bộ trưởng khác cũng được dư luận cho là có những dấu hiệu tích cực.
      Cuộc sống luôn có những lối đi riêng không có lực lượng nào cản trở được. Những người này là những nhân tố mới, xu hướng mới, tư tưởng mới. Ở chừng mực nào đó có thể nói đây là những nhân cách mới. Nó báo hiệu rằng đã có sự chuyển mình sau Đại hội 11, rải rác từ những cá nhân, quá trình này sớm muộn cũng sẽ lan tỏa và trở thành phổ biến.
      Trở lại những năm 1980s, trong bối cảnh bao cấp nặng nề, những đốm lửa như Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc đã phải trả giá bằng cả sinh mệnh chính trị của ông ấy. Không có quá trình 'đau đẻ' nào không đau đớn.
      Tôi không dám so sánh ông Thăng - Huệ với những người như ông Kim Ngọc, nhưng dù sao họ cũng là những đốm lửa. Đây là cuộc đấu tranh giữa cái mới với cái cũ, và sẽ còn kéo dài, theo tôi cũng phải mất 1 - 2 kỳ Đại hội **** chứ không thể diễn ra đơn giản trong 1 nhiệm kỳ.
      Ông có thể nêu nhận xét thẳng thắn về những bộ trưởng trước, theo ông, phẩm chất cần có của một bộ trưởng trong thời điểm này là những gì?
      Có thể tôi hơi cầu toàn, nhưng thật tình, đến trước Đại hội 11, không có một bộ trưởng nào để lại cho tôi một ấn tượng tích cực. Tôi không nói tất cả họ là yếu kém nhưng bảo họ để lại ấn tượng tích cực thì tôi không yên tâm.
      Bộ nào thì cuối năm tổng kết cũng hoan hô, "chúng ta tiến một bước", hoàn thành tốt nhiệm vụ, thậm chí hoàn thành xuất sắc. Bộ Giao thông cũng vậy. Các con đường thì vẫn thế, tai nạn giao thông vẫn thế, ùn tắc vẫn vậy, hết Văn Thánh 1 sang Văn Thánh 2 rồi đến đường sắt cao tốc... tổng kết lại gắn huy chương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đố ai tìm được một bộ nào tổng kết cuối năm không hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?
      Nhất thiết phải xuất hiện những con người phản ánh được những xu thế phản biện tích cực. Anh Huệ, anh Thăng cũng không phải những con người gì toàn diện, siêu việt ghê gớm nhưng họ phản ánh một xu thế mới tích cực.
      Tôi tin dần dần chúng ta sẽ có những thế hệ bộ trưởng dám nói dám làm, với bàn tay sạch, trí tuệ cao; mà trí tuệ bộ trưởng không nằm ở chỗ ông ta giỏi chuyên môn thế nào, mà ông ta biết tập hợp những người tài giỏi trong bộ máy của mình. Nhìn vào đội ngũ cố vấn, cán bộ chuyên môn của các bộ trưởng có thể thấy được vận của đất nước.
      Một người trợ lý của của cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói với tôi: "Các ông cứ thần thánh hóa ông Lý Quang Diệu chứ ông Diệu chỉ là một người bình thường. Chỉ là ông ta đi khắp thế giới và rút ra được mấy vấn đề: Một đất nước nhỏ như vậy, muốn phát triển được trước hết phải có một bộ máy hành chính tử tế; hai là nguồn nhân lực có chuyên môn cao; ba là hệ thống hạ tầng thông suốt. Việc lớn nhất ông Diệu làm được chính là tập hợp được một đội ngũ những người giỏi xung quanh ông ấy; và đến giờ phút này, chưa có ai kêu ca gì về gia đình ông Lý Quang Diệu, họ hoàn toàn trong sáng"
      Làm sao hơn 20 vị bộ trưởng, 63 vị bí thư tỉnh ủy của ta làm được những việc như thế.
      Nếu tôi ở cương vị ông Đinh La Thăng...
      Bên cạnh những lời khen ngợi, loạt động thái của Bộ trưởng Thăng: trảm tướng giữa công trường, bắt nhân viên đi xe buýt, đòi tiêu hủy xe đua, cấm xe cá nhân lưu hành... bị cho là "ngẫu hứng bộp chộp", "thích thể hiện". Với tư cách một chuyên gia nghiên cứu chiến lược, ông hãy vạch giúp ông Thăng một lộ trình. Hay nói cách khác, nếu đặt ông vào cương vị ông Thăng hiện nay, ông sẽ làm những gì?
      Trước đây cũng có một đồng chí ở địa phương lên phụ trách một bộ. Đây là một người có đầu óc, ông ta muốn cải cách những cái mới, tốt đẹp hơn. Tôi rất mừng, nhưng khi ông ngồi ghế bộ trưởng thì tôi nghĩ ngay ông ấy sẽ không thực hiện được những ý định tốt đẹp đó, thậm chí sẽ rơi vào cực đoan. Bộ máy trì trệ sẽ cản trở ông ấy trong việc thực hiện cải cách.
      Hơn nữa, tôi không nói tất cả, nhưng những người như vậy dễ rơi vào cực đoan. Họ rất đáng quý trọng, nhưng mọi việc không thể sốt ruột giải quyết được theo kiểu "chiến dịch", "ra quân"... được.
      Ở Việt Nam chỉ có thể tìm ra từng nút rối để gỡ chứ không thể rũ tung ra làm lại để trở thành một mớ rối hơn, trừ khi anh là Putin.
      Nếu đặt tôi vào cương vị ông Thăng hiện nay, tôi phải đi tìm lời giải đáp cho 4 vấn đề sau: 1, Điểm "nghẽn" hay "nút thắt" của giao thông hiện nay nằm ở đâu. Nguyên nhân? Giải pháp? 2, Vì không thể có tiềm lực để cùng một lúc giải quyết mọi vấn đề nên phải xây dựng lộ trình và bước đi khả quan, hiệu quả. Tôi sẽ huy động mọi chuyên gia có tài ở trong và ngoài Bộ giao thông giúp tôi lý giải 2 vấn đề nêu trên. Đây là việc đầu tiên và quan trọng nhất Bộ trưởng Bộ Giao thông cần làm.
      Tất cả các câu hỏi này đòi hỏi phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo để tìm hiểu và giải quyết từng việc một.
      Việt Nam đang thiếu nhất là trí tuệ chứ không phải là tiền, vì tiền ở trí tuệ mà ra. Anh Vương Đình Huệ dù có tâm huyết thật, thì anh ấy cũng đang ở giữa một cơ chế phức tạp rất khó giải quyết, mà Bộ trưởng Tài chính thì có được bao nhiêu quyền?
      Trong chiến trận có hai cách đánh: một là trực diện, hai là vu hồi, tức là đánh vòng quanh. Trong bài toán giao thông và tài chính Việt Nam, theo tôi cả Vương Đình Huệ - Đinh La Thăng nên chọn cả hai phương án vừa trực diện, vừa vu hồi. Trong cơ chế này, phương án vu hồi xem ra hiệu quả hơn, từng khâu một, chậm mà chắc.
      Tôi đố ông Thăng giải quyết được vấn đề xe buýt trong ngày một ngày hai. Tôi cũng đố ông Thăng cấm được phương tiện cá nhân trong nhiệm kỳ của ông ấy. Chưa nói đó là quyết định cực đoan, chắc chắn bị xã hội bác bỏ như hàng loạt những kiến nghị kiểu ngày chẵn đi biển chẵn hay xe ngoại tỉnh không vào Hà Nội đã từng được đề cập trước đây.
      Thành phố Hồ Chí Minh có 3414 xe buýt và hơn 5000 taxi cũng chỉ giải quyết được 4,5% lượng vận tải hành khách công cộng. Nếu cấm phương tiện cá nhân thì 95% dân TP HCM sẽ đi lại như thế nào? Ra lệnh cấm xe tư nhân thì dễ, nhưng sẽ bị xã hội bác bỏ.
      Nếu không cẩn thận, ông Thăng sẽ rơi vào cái bẫy cực đoan do chính mình dựng lên.
      Ở Việt Nam không làm cái gì nhanh được khi anh là thiểu số. Tôi đã nói với nhiều người: Việt Nam không phải nước đang phát triển, đã phát triển hay chậm phát triển; mà là khó phát triển.
      Ông Huệ - Thăng phải biết rõ các ông ấy đang ở đâu, và văn phòng của các ông ấy không phải điện Kremlin hay Nhà Trắng.
      Chắc vì thế có người đã nhắn nhủ đến bộ trưởng Đinh La Thăng câu: "Con đường dài nhất không phải từ Lạng Sơn đến Cà Mau, mà là từ mồm đến tay".
      Câu đó đúng đấy. Tôi cũng xin nhắn tới ông Thăng một câu: "Trong cuộc đời, đôi khi đường thẳng lại là đường dài nhất, và đường vòng là đường ngắn nhất"
      Xin cảm ơn thiếu tướng!
      Tuần Việt Nam



      Xem bài viết: Tướng Lê Văn Cương bình về "hiện tượng Đinh La Thăng"

    2. #2
      Ngày tham gia
      Jun 2011
      Bài viết
      59,568
      Được cám ơn 1,465 lần trong 1,303 bài gởi

      Post Nguyễn Sơn Nam (27/10/2011 9:42)

      Tôi rất tâm đắc bài bình của Thiếu tướng Lê Văn Cương. Đây là một bài viết rất hay, các bộ trưởng như Ông Thăng, Ông Huệ nên tham khảo bài viết này. Tôi rất ủng hộ cách hành động của 2 bộ trưởng và huy vọng các Ông có đủ dụng khí hoàn thành lý tưởng của mình vì một dân tộc Việt nam giàu mạnh.
      Toàn thể người dân Việt nam luôn luôn ủng hộ các Ông.


      Xem bài viết: Tướng Lê Văn Cương bình về "hiện tượng Đinh La Thăng"

    Thông tin của chủ đề

    Users Browsing this Thread

    Có 1 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 1 khách vãng lai)

       

    Bookmarks

    Quyền viết bài

    • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
    • Bạn Không thể Gửi trả lời
    • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
    • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình