Ông Lê Xuân Nghĩa: Nhiều cơ sở để giữ mức tăng tỉ giá không quá 1%
Tỉ giá USD/ VND tăng liên tục trong thời gian gần đây, thế nhưng ông Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng có nhiều cơ sở để giữ mức tăng tỉ giá từ nay đến cuối năm không quá 1%. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nghĩa nói:
Ông Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
- Cán cân thanh toán quốc tế năm nay sẽ thặng dư từ 4-5 tỉ USD. Ngân hàng (NH) Nhà nước cũng mua được rất nhiều ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối lên gấp đôi trong năm tháng qua, từ 3,5 tuần nhập khẩu lên 7,5 tuần nhập khẩu, vượt trên mức chúng tôi dự đoán. Giai đoạn hiện nay đang quyết liệt chống lạm phát, do vậy không thể để tỉ giá bùng lên như các năm trước.
Hiện nay cán cân vốn đang thặng dư khoảng 9 tỉ USD. Kiều hối dự kiến giảm thì lại tăng, đặc biệt kiều hối vào NH tăng hơn so với năm ngoái. Mặc dù đầu tư gián tiếp nước ngoài có giảm chút ít, xấp xỉ 1 tỉ USD trong những tháng gần đây, nhưng mức bù trừ đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp vào khu vực có khung ngoại tệ khác tương đối lớn và đó là điều lạc quan cho cán cân thanh toán.
* Khi các khoản vay ngoại tệ đáo hạn liệu có ổn định được tỉ giá hay không, thưa ông?
- Tính đến hết tháng 9, tổng huy động ngoại tệ khoảng 12,5 tỉ USD, cho vay 20 tỉ USD, chênh lệch giữa huy động và cho vay ngoại tệ trên 7 tỉ USD. Trong 7 tỉ USD này, chúng tôi nghiên cứu và thấy rằng 5,5 tỉ USD là vay ngắn hạn của các NH thương mại, còn lại khoản vay của doanh nghiệp (DN). Như vậy tới đây NH và DN đều phải mua trên thị trường hối đoái để trả nợ. Tuy nhiên quá trình trả nợ sẽ rải đều ra nhiều tháng, nhiều kỳ chứ không tập trung vào một thời điểm. Nhờ số ngoại tệ mua được trong thời gian qua, NH Nhà nước sẵn sàng bán ra để ổn định tỉ giá. Thống đốc đã từng tuyên bố chỉ giữ lại phần ròng của cán cân thanh toán, còn lại thì sẵn sàng bán ra để can thiệp thị trường.
* Theo ông, vì sao những ngày gần đây lãi suất liên NH tăng cao?
- Theo tôi, ngoài nguyên nhân do tiền gửi giảm, NH Nhà nước hút VND về còn có lý do quan trọng khác là các NH thương mại lớn đang thừa nhiều tiền nhưng không dám cho vay, đặc biệt cho vay trên thị trường liên NH. Hiện nay một vài NH thiếu thanh khoản, trong khi trần lãi suất (LS) huy động bị khống chế ở 14%/năm nên khó thu hút người gửi tiền. Từ đó họ buộc phải đẩy LS lên cao để vay bằng mọi giá. Theo tôi, NH Nhà nước nên xử lý trực tiếp đối với từng NH.
* Sau khi NH Nhà nước siết LS huy động, có hiện tượng nhiều công ty con của NH phát hành trái phiếu với LS 18-22%/năm?
- Trái phiếu không phải là lĩnh vực chủ chốt của thị trường chứng khoán nên không lo sẽ có sự cạnh tranh với thị trường chứng khoán. Tuy nhiên thị trường trái phiếu cũng sẽ bị giám sát chặt chẽ. Những DN phát hành trái phiếu LS cao thời gian gần đây phần lớn là các công ty con của các NH kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Chúng tôi còn nghi ngờ các trái phiếu này không hoàn toàn minh bạch vì có thể công ty con phát hành để huy động vốn cho NH mẹ. Ủy ban Giám sát đang điều tra xem có chuyện đó hay không.
Nếu NH Nhà nước tiếp tục giữ cung tiền tệ ở mức thấp như vậy, DN sẽ dần có thói quen nhìn ra thị trường chứng khoán như một kênh huy động vốn dài hạn. Còn nếu cho vay “xả láng”, các DN không còn chú trọng huy động vốn trên thị trường chứng khoán nữa.
Mặt khác, nếu duy trì được tốc độ tăng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán như năm nay thì lạm phát năm sau có thể chỉ còn khoảng 9%/năm. Nếu lạm phát như thế thì trần LS tiền gửi hiện tại chẳng còn là vấn đề gì cả. LS cho vay năm sau chỉ còn khoảng 13-14%/năm, huy động 10-11%/năm. LS trái phiếu DN chắc chắn sẽ không thể nào cao như hiện nay được.
* Kết luận của hội nghị trung ương 3 và mới đây NH Nhà nước cũng phát đi thông điệp tái cơ cấu NH, theo ông, việc triển khai nội dung này sắp tới sẽ như thế nào?
- Chương trình tái cơ cấu NH sẽ rất lớn, thậm chí chúng tôi đang đề nghị sẽ thành lập ủy ban về tái cơ cấu tầm cỡ Chính phủ để chỉ đạo vì cần rất nhiều tiền cũng như sự phối hợp của các bộ ngành liên quan. Trong quá trình tái cơ cấu, đương nhiên NH Nhà nước sẽ đưa ra các biện pháp cũng như chế tài để thực hiện. Nếu NH thương mại không tuân thủ chắc chắn sẽ bị xử lý.
Sẽ có nhiều biện pháp như yêu cầu NH phải tăng vốn điều lệ để lấy vốn điều lệ bù đắp cho những khoản thâm hụt của họ, trong đó có xử lý nợ xấu, sử dụng dự phòng rủi ro, để lại toàn bộ lợi nhuận của NH để bù đắp cho nợ xấu... Nếu không đáp ứng được thì sẽ có những biện pháp mạnh mẽ hơn buộc họ phải sáp nhập hoặc tham gia thị trường mua lại. Năm 2001-2005 VN đã sáp nhập và giải thể 16 NH thương mại nhưng việc này được thực hiện rất êm thấm, không ảnh hưởng đến người gửi tiền.
Tái cấu trúc NH là việc phải làm trong giai đoạn hiện nay. Nhưng quan trọng hơn là phải giữ toàn hệ thống trong tình trạng ổn định. Đồng thời cũng là bảo vệ uy tín ngành NH, lòng tin của công chúng đối với ngành NH, sâu xa hơn là bảo vệ chính người gửi tiền. Theo tôi, cuộc “đại phẫu” lần này khá lớn, khá đau và cắt bỏ nhiều thứ nhằm làm lành mạnh hóa thị trường tài chính.
NH Nhà nước đang nghiên cứu và sẽ ban hành cụ thể những quy định cho vay chứng khoán, bất động sản với nhãn quan phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, căn cứ vào “cơ địa” từng NH, NH Nhà nước sẽ xem xét. Không phải NH nào cũng có thể cho vay chứng khoán, bất động sản thoải mái
TS Lê Xuân Nghĩa

ÁNH HỒNG
Tuổi Trẻ



Xem bài viết: Ông Lê Xuân Nghĩa: Nhiều cơ sở để giữ mức tăng tỉ giá không quá 1%