'Vỡ tín dụng đen, người cho vay khó đòi lại tiền'
Theo Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công An) cơ quan an ninh khó xử lý hình sự với các vụ vỡ nợ, bởi việc gom tiền và cho vay lãi suất cao chủ yếu là thỏa thuận dân sự.
- Cùng với những khó khăn về kinh tế thì tình trạng vỡ nợ, đặc biệt là“tín dụng đen”gần đây xảy ra khá phổ biến. Ông nhận định về hiện tượng này như thế nào?
Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công An). Ảnh: CAND

- Tác động của kinh tế tới tình hình tội phạm nói chung rất phức tạp, kể cả tội phạm hình sự và kinh tế. Hoạt động cho vay trong dân vốn diễn ra lâu nay, nhưng khi kinh tế khó khăn thì mới nảy sinh nhiều vấn đề. Vỡ nợ tín dụng đen - như cách báo chí vẫn nói - là một hiện tượng như vậy.
Thống kê chưa đầy đủ, trong 9 tháng, cả nước có hơn 60 vụ kiểu này, chủ yếu diễn ra ở khoảng 10 địa phương. Hà Nội, TP HCM tập trung nhiều nhất nhưng cũng có những địa phương kinh tế chưa phát triển cũng có vụ vỡ nợ lớn. Thiệt hại vụ lớn nhất lên tới 500 tỷ đồng.
Lực lượng an ninh chúng tôi cũng đang rất chú ý tới hiện tượng này. Tuy nhiên, hiện hành lang pháp lý để giải quyết những vụ việc như thế này vẫn chưa rõ ràng. Phần lớn chưa đến mức phải xử lý hình sự nhưng xử lý dân sự lại chưa đủ sức răn đe. Do vậy, cơ quan an ninh nhiều khi cũng rất khó khi tham gia điều tra, xử lý.
- Cụ thể cái khó nằm ở đâu thưa ông?
- Theo luật hiện hành thì lãi suất cho vay cao gấp 10 lần lãi suất trần của Ngân hàng Nhà nước thì mới xử lý hình sự. Hiện nay lãi suất quy định là 14%. Như vậy cho vay dưới 140% một năm thì vẫn chỉ là vụ việc dân sự mà thôi.
Tuy vậy, cũng có một số trường hợp có thể chuyển thành án hình sự nếu người vỡ nợ rồi nhưng vẫn tiếp tục đi vay. Rồi chính những đồng tiền ấy lại được dùng để trang trải cho những khoản vay trước đó mà về mặt ý thức, người ta biết rằng không trả nổi. Nếu làm rõ được ý thức chủ quan này thì truy cứu được trách nhiệm hình sự về lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm. Hầu hết các vụ án được xử lý hình sự hiện đều được vận vào các tội danh này mà thôi.
- Vậy khi vỡ nợ, quyền lợi và trách nhiệm của những người hùn vốn cho chủ tín dụng đen sẽ được xem xét thế nào?
- Như tôi đã nói ở trên, trong quá trình cho vay, nếu chiếu theo các quy định thì người ta không sai vì phải trên 140% thì mới vi phạm luật. Nếu dưới mức đó là thỏa thuận dân sự. Nếu xử lý không khéo tức là hình sự hóa các quan hệ dân sự. Việc này rất là phức tạp. Phải tùy từng vụ, từng trường hợp cụ thể giải quyết.
Chính vì vậy trong thời gian tới, ngành công an sẽ tiếp tục tập hợp tài liệu, kiến nghị với Trung ương để xây dựng một Thông tư hướng dẫn việc giải quyết điều tra, kiểm soát chặt chẽ các hành vi vi phạm để chủ động phòng ngừa. Vì thực ra mà nói, các thiệt hại trong các vụ việc mà lâu nay chúng ta gọi là tín dụng đen đều rất lớn.
- Trong quá trình xử lý những vụ vỡ nợ gần đây, ông đánh giá khả năng thu hồi tài sản cho người bị hại ra sao?
- Trong quá trình điều tra, chúng tôi thấy phần lớn số tiền đi vay đã được đầu tư vào các thị trường bất động sản, tài chính - chứng khoán, vàng… Khi các thị trường này sụt giảm, tài sản thu được không nhiều lắm. Có thể nói là tỷ lệ tài sản thu lại được là rất thấp. -
Vậy ở góc độ cơ quan an ninh, ông có khuyến cáo gì đối với người dân để tránh gặp phải những bi kịch như vậy?
- Hiện quy định pháp luật là các vụ việc phải giải quyết trước hết bằng dân sự nên hầu hết người dân đều giải quyết theo hướng ấy. Thứ hai là tâm lý muốn “vớt vát” nên nhiều nạn nhân cũng ngại trình báo.
Cho nên tôi nghĩ rằng người dân trước hết, trong điều kiện kinh tế thế này, khi cho vay dân sự thì hết sức chú ý để chủ động phòng ngừa. Nếu như cứ tin tưởng cho vay như thế thì rất khó cho cơ quan quản lý, pháp luật. Thứ hai là khi phát hiện, mình phải chủ động, tố cáo với cơ quan chức năng để xử lý cho đúng, cho trúng.
Nhật Minh
Vnexpress



Xem bài viết: 'Vỡ tín dụng đen, người cho vay khó đòi lại tiền'