Vietstock Daily 26/10: Mấu chốt là tín hiệu ổn định trên thị trường tiền tệ
(Vietstock) – Một sự thận trọng trong giao dịch chứng khoán là có thể hiểu được, vì sự ổn định của thị trường tiền tệ là yếu tố tối cần thiết để TTCK tăng trưởng.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 26/10/2011
Diễn biến giao dịch: Thị trường đồng loạt giảm điểm mạnh trên cả hai sàn khi VN-Index giảm 1.23% về 409.38 điểm và HNX-Index giảm 1.04% đứng tại 67.72 điểm, VS 100 giảm 0.44 điểm, tương ứng với 0.75%.
VS-Micro Cap giảm mạnh nhất trong các chỉ số Market Cap với mức giảm 1.48%, tiếp theo là VS-Large Cap giảm 1.41%, VS-Mid Cap giảm 1.22% và VS-Small Cap giảm 1.12%.
Khối lượng giao dịch khớp lệnh tiếp tục sụt giảm khá mạnh, lần lượt giảm 9.2% trên HOSE và 17.3% trên HNX.
Khối ngoại trở lại mua ròng nhẹ 1.7 tỷ đồng trên HOSE và tiếp tục duy trì lực mua ròng 5.65 tỷ đồng trên HNX. Họ bất ngờ mua ròng mạnh nhất ở SJS với giá trị 4.2 tỷ đồng, bất chấp nhiều thông tin ”lùm xùm” gần đây ở công ty này; trong khi tiếp tục bán ròng mạnh DHG.

Triển vọng thị trường: Như vậy là VN-Index đã mất mốc 410 điểm khi thị trường tiếp tục có phiên giao dịch tiêu cực. Công bằng mà nói, chỉ số thị trường đã không giảm quá sâu vì nhóm vốn hóa lớn tính riêng 4 mã MSN, BVH, VPL và PVD đã kéo giảm VN-Index xuống hơn 0.9%.
Tuy vậy, với sự lao dốc đồng loạt ở tất cả các nhóm vốn hóa, đặc biệt là Micro Cap, đã khiến cho nhiều danh mục giảm mạnh hơn thị trường (nhóm vốn hóa nhỏ vẫn thu hút dòng tiền trong thời gian qua).
Khối lượng tiếp tục sụt giảm đáng kể, nguồn cung lấn át trong khi chỉ số độ rộng không tích cực cho thấy tâm lý giới đầu tư đã thực sự rơi trở lại vào trạng thái bi quan.
Toàn thị trường chỉ có 4/24 nhóm ngành tăng điểm; trong đó nhóm Chứng chỉ quỹ tăng mạnh nhất 0.99% (tuy vậy có thể thấy khối lượng giao dịch không nhiều nên không thực chất), tiếp đến là nhóm Ngân hàng tăng 0.29%. Đà tăng điểm của nhóm Ngân hàng tiếp tục được dẫn dắt bởi các mã EIB, STB với thông tin lợi nhuận quý 3 công bố vẫn khả quan. Ở chiều ngược lại, các ngành nóng như Chứng khoán, Xây dựng, Bất động sản lần lượt giảm điểm mạnh 2.33%, 1.82% và 1.81%.
Giao dịch mạnh trên thị trường không có diễn biến mới và vẫn tập trung chủ yếu vào các mã đầu cơ. ORSVSP tiếp tục là tâm điểm khi đóng cửa với mức tăng trần và giao dịch lớn thứ 3 và 4 trên HNX, chỉ sau KLSVND.
Chúng tôi nghe thấy giới đầu tư thảo luận thông tin căng thẳng thanh khoản của nhóm ngân hàng quy mô nhỏ. Đây là vấn đề không mới, và cũng đã xuất hiện các động thái M&A ở GiaDinhBank. Có lẽ chúng ta sẽ chứng kiến nhiều động thái tái cấu trúc/chấp thuận tái cấu trúc dứt khoát hơn trong thời gian tới từ cơ quan quản lý. Để có cái nhìn toàn cảnh về quy mô các ngân hàng Việt Nam, có thể tham khảo thông tin tại đây.
Như đề cập trước đây, trong một bối cảnh như vậy, một sự thận trọng trong giao dịch chứng khoán là có thể hiểu được, vì sự ổn định của thị trường tiền tệ là yếu tố tối cần thiết để TTCK tăng trưởng. Đây là điểm mấu chốt của thị trường chứng khoán vào thời điểm hiện nay.
Trong khi các ngân hàng quy mô nhỏ đang “oằn lưng”, tín hiệu được xem là tích cực là thanh khoản của các ngân hàng lớn, đặc biệt các ngân hàng có nguồn gốc quốc doanh vẫn đang dồi dào. Những ngân hàng này đang được kỳ vọng sẽ tạo xương sống cho sự ổn định trở lại trên thị trường tiền tệ.
BIDV vừa thông báo tiếp tục giảm lãi suất cho vay chỉ còn 15%/năm cho nhóm đối tượng ưu tiên mở rộng bao gồm: các doanh nghiệp xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, và doanh nghiệp khu vực bão lũ.
Tuy nhiên, đáng chú ý là ngân hàng này đã giải ngân hơn 8,000 tỷ đồng trong số vốn cam kết 10,000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi. Như vậy, trên thực tế BIDV chỉ còn 2,000 tỷ đồng, một con số không lớn, dành cho vay ưu đãi với lãi suất 15% như công bố. Có thể thấy mức lãi suất “siêu thấp” này là không hề phổ biến hay đại diện cho xu hướng.
Đáng chú ý là ngân hàng này cũng cam kết dành 3,000 tỷ đồng với lãi suất tối đa 15.7% để cho vay đối với các dự án quan trọng của ngành giao thông từ nay đến cuối năm.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Không vượt được Fibo 61.8%. Lo ngại về hiện tượng pullback đang tăng cao hơn khi mà VN-Index không vượt qua được Fibonacci Retracement 61.8% trong phiên giao dịch ngày 25/10/2011.
Nếu trong vài phiên tới, VN-Index lấp đầy hoàn toàn breakaway gap được tạo ra vào ngày 24/10/2011 thì khả năng có một đợt thoái lùi mới là rất lớn vì bên dưới chỉ số không hề có một ngưỡng chống đỡ đáng kể nào.
Khối lượng vẫn chưa có dấu hiệu đột biến khi liên tục dao động quanh mốc 20 triệu đơn vị/phiên. Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng nếu thanh khoản dưới 30 triệu đơn vị/phiên trong những phiên giao dịch còn lại trong tuần.

HNX-Index – Dark Cloud Cover đã báo hiệu chính xác. Sự sụt giảm của cả giá lẫn thanh khoản đã tạo nên mẫu hình dark cloud cover điển hình trong phiên giao dịch ngày 24/10/2011. Mẫu hình candlesticks này đã báo hiệu khá chính xác sự sụt giảm tiếp tục trong phiên giao dịch ngày 25/10/2011.
Phiên giảm điểm này cùng với sự sụt giảm mạnh liên tục của khối lượng giao dịch, khả năng thủng đáy cũ 65 – 67 điểm đang được giới phân tích kỹ thuật đặt ra. Trong quá khứ hầu như không có vùng chống đỡ lớn nào HNX-Index test thành công quá 3 lần nên nhà đầu tư tỏ ra rất thận trọng với lần test này.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Gần như đứng yên (-0.75%) trong phiên giao dịch ngày 25/10/2011, VS 100 tiếp tục gây lo ngại về đà giảm điểm có thể tiếp diễn.
Vùng 56 – 58 điểm sẽ gặp khá nhiều khó khăn để trụ vững nếu như thanh khoản liên tục xuống thấp như hiện nay.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 25/10/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 0.41, tức số mã tăng giá bằng 0.41 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.19, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.19 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.21 lần và VS-U/D HNX bằng 0.16 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 1.7.
Chỉ số VS-Thrust VN vẫn chỉ duy trì ở mức trung bình nên khả năng có hồi phục mạnh không quá cao.

II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES
Ngắn hạn – Vượt ngưỡng Fibo 161.8%. DJIA tiếp tục đà bứt phá mạnh trong phiên giao dịch ngày 24/10/2011. Điều này khiến cho chỉ số củng cố được đà tăng trong ngắn hạn.
Dự kiến thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những phiên sắp tới. Nguy cơ giảm điểm đã được giảm bớt khi những cây nến xanh dài xuất hiện trong phiên giao dịch ngày 21/10/2011 và 24/10/2011.
Dài hạn – Phá vỡ SMA 100. Như chúng tôi đã từng đề cập trong các báo cáo trước, DJIA đang đứng trước cơ hội lịch sử để phá vỡ SMA 100. Với hai phiên bứt phá mạnh gần đây, giá đã vượt qua được SMA 100.
Tuy nhiên, khối lượng lại có dấu hiệu sụt giảm khá mạnh. Vì thế có thể torng 1 – 2 phiên tới DJIA sẽ thoái lùi trở lại nhưng không quá sâu.

III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 25/10/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Daily 26/10: Mấu chốt là tín hiệu ổn định trên thị trường tiền tệ