Ngân hàng bán vàng bình ổn: Lợi ích nhiều hơn trách nhiệm!?
Khi nói đến chương trình bình ổn giá, các doanh nghiệp tham gia vì trách nhiệm hơn là quyền lợi. Nhưng trong câu chuyện bình ổn giá vàng đang diễn ra, dường như các ngân hàng tham gia đang được hưởng lợi thực sự thay vì phải hy sinh bớt quyền lợi vì trách nhiệm chung.
Hai ngân hàng lớn là Á châu (ACB) và Kỹ thương (Techcombank) nằm trong nhóm 7+1 (7 ngân hàng và Công ty SJC) đều triển khai chương trình khuyến khích khách hàng mua vàng và gửi vàng lại ngân hàng.
ACB đang áp dụng chương trình Ngày vàng ACB, theo đó, khách hàng mua từ 30 lượng trở lên có thể được hưởng mức giá rẻ hơn giá niêm yết khoảng 50.000 đồng/lượng và nếu gửi vàng lại ACB kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng sẽ được áp dụng mức lãi suất cao nhất là 2%/năm, trong khi mức lãi suất gửi vàng thông thường chỉ 0,9%/năm.
Tại Techcombank, tổng đài giải đáp thắc mắc cho biết, Ngân hàng chỉ bán vàng cho những khách hàng mua và gửi tiết kiệm vàng lại ngân hàng. Mức lãi suất được hưởng khi gửi vàng là lãi suất 2%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng.
Techcombank còn thực hiện chương trình mua bán vàng giao ngay và vàng giao sau. Theo đó, giao ngay là nhận vàng trong vòng 2 ngày kể từ khi thỏa thuận về giá và số lượng. Còn khi mua giao sau, người mua phải ký quỹ 10% với số lượng vàng, tối thiểu là 10 lượng.
Vì sao các ngân hàng lại khuyến khích người mua gửi vàng lại ngân hàng hoặc chỉ bán vàng cho người gửi tiết kiệm vàng tại ngân hàng. Ngoài việc người mua vàng là khách hàng tiềm năng thì nguyên nhân chính là ngân hàng muốn cân đối dự trữ vàng khi mà số lượng vàng bán ra lớn hơn lượng có thể mua vào trong nước.
Tuy nhiên, trong trường hợp lượng vàng mua lại thấp hơn lượng bán ra, để cân đối dự trữ, các ngân hàng có thể mua vàng tài khoản ở nước ngoài theo sự cho phép vừa qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Kể từ khi thực hiện việc bán vàng bình ổn, lượng vàng bán ra ước tính vào khoảng trên 10 tấn. Số lượng này không lớn so với khối lượng giao dịch vàng ở thị trường trong nước và thực sự vẫn chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng giá vàng trong nước cao hơn quá nhiều so với giá vàng thế giới, hiện vẫn dao động trong khoản từ 1 đến 2 triệu đồng/lượng. Nhiều khả năng, lượng vàng bán ra nhằm bình ổn giá kim loại này sẽ còn tiếp tục tăng.
Trong trường hợp nhóm 7+1 thực sự "phải" nhập vàng để bù đắp cho lượng đã bán ra, thì cho đến khi giá vàng trong nước san bằng khoảng cách so với giá vàng thế giới, nhóm 7+1 này sẽ còn thu được một khoản lợi nhuận đáng kể, bởi ngay cả khi cộng thêm các chi phí, rủi ro phát sinh khi nhập vàng vào giá vàng quy đổi, hiện tại, giá vàng đầu vào của nhóm này vẫn thấp hơn nhiều so với giá vàng trong nước.
Nhóm 7+1 có thể gặp phải một rủi ro khác là tỷ giá. Tỷ giá tăng sẽ làm tăng chi phí nhập vàng. Tuy nhiên, rủi ro này không đáng kể so với mức chêch lệch giá vàng hiện tại, nhất là khi tỷ giá đã được NHNN cam kết không tăng quá 1% cho đến cuối năm nay.
Ngoài lợi ích từ việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, nhóm 7 ngân hàng trên khi đã được tạo điều kiện để bán vàng, thanh khoản của ngân hàng cũng sẽ được nâng lên dù đây vốn là nhóm ngân hàng lớn, ít khi gặp khó khăn về thanh khoản. Qua đây, nhóm này càng có điều kiện để cho vay với các ngân hàng nhỏ, khó khăn về thanh khoản với lãi suất rất cao.
Mức chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế đã dư để ngân hàng bán vàng bình ổn kiếm lợi nhuận thì thanh khoản dồi dào lại đem đến lợi nhuận một lần nữa cho ngân hàng. Rõ ràng trước mắt, bán vàng bình ổn mang lại lợi nhuận cho ngân hàng nhóm 7+1 nhiều hơn là rủi ro. Qua hoạt động bán vàng này, chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã giảm từ 3 triệu đồng/lượng xuống còn còn khoảng 1 đến 2 triệu đồng/lượng như hiện nay. Chừng nào, chênh lệch này còn đáng kể, số ngân hàng trên còn có cơ hội thu lợi từ… trách nhiệm bình ổn thị trường vàng.
Thu Hương
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Ngân hàng bán vàng bình ổn: Lợi ích nhiều hơn trách nhiệm!?