Tái cơ cấu DN nhà nước - Giải bài toán chất lượng, hiệu quả
Chiếm đến 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA nhưng theo Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ đóng góp khoảng 37%-38% GDP. Chính vì vậy, việc tái cơ cấu DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Sản xuất phân bón tại một nhà máy thuộc Petrovietnam

Cha chung, thiếu động lực
Hiện nay, cả nước có trên 1.200 DNNN là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Sử dụng nhiều nguồn lực nhưng theo Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, hàng năm có khoảng 12% DNNN lỗ, trong khi khu vực DN nói chung là 25%. Tuy nhiên, mức lỗ bình quân của một DNNN cao gấp 12 lần so với DN ngoài nhà nước. Còn theo Ban Cải cách và phát triển DN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư), cơ chế quản lý đầu tư còn nhiều bất cập đã hạn chế hiệu quả đầu tư của DNNN. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của DNNN chưa tương xứng với quy mô các nguồn lực được đầu tư.
Những nguyên nhân chủ yếu, xuất phát từ đặc thù của DNNN, không theo đuổi mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận như DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Cơ cấu DNNN hoạt động kinh doanh chưa hợp lý, có khoảng cách khá xa giữa chính sách và triển khai thực hiện. Kết quả của quá trình cơ cấu lại DNNN đến nay mới chỉ dừng ở mức độ giảm số lượng DNNN nên chưa có ảnh hưởng rõ rệt đến cơ chế phân bổ nguồn lực nhà nước, tái cấu trúc ngành nghề và hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN. Việc quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động của DNNN cũng chưa tốt.
Lợi thế chính sách và hỗ trợ của chủ sở hữu nhà nước làm giảm động lực nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Cơ chế đánh giá hoạt động của DNNN chưa có tác dụng cảnh báo và ngăn ngừa việc sử dụng kém hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư.
Theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả hoạt động, phải đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh, cần tách biệt vai trò Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu với tư cách quản lý, điều tiết. Các biện pháp của Chính phủ phải giúp DNNN nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng suất chứ không phải tăng lợi nhuận ngắn hạn. Các DNNN cần phải chịu các áp lực cạnh tranh giống các thành phần kinh tế khác.
Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa
Ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản ký kinh tế trung ương, cho rằng quan trọng nhất trong việc tái cơ cấu DNNN là công khai hóa, minh bạch hóa thông tin. Điều này sẽ tạo sức ép buộc các lãnh đạo DN phải ứng xử theo cơ chế thị trường. Một trong những giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của khối DNNN là đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, thu hẹp tối đa số DNNN nắm giữ vốn 100%.
Đối với các DN mà Nhà nước cần tiếp tục quản lý, sử dụng như một công cụ kinh tế thì lựa chọn hình thức công ty cổ phần, trong đó Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Do đó, trọng tâm trong thời gian tới là cần tiếp tục rà soát các DNNN để phân loại và kiên quyết sắp xếp các DNNN đã phân loại, được phê duyệt nhằm sớm có cơ cấu DN phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng nhìn nhận, để góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế đã được Đại hội **** lần thứ XI đề ra trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, nhiệm vụ được ngành tài chính xác định là hoàn thiện chính sách, cơ chế tài chính DN; thúc đẩy quá trình đổi mới, sắp xếp lại khu vực DNNN.
Để khắc phục những tồn tại, bất cập khiến tiến trình cổ phần hóa chậm thời gian qua (giai đoạn 2007-2010, số lượng DN thực hiện cổ phần hóa chỉ đạt 25% theo các phương án đã được Thủ tướng phê duyệt), Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 59 thay thế Nghị định 109 về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Trong đó, những điểm mấu chốt được coi là nút thắt hiện nay đã được tháo gỡ: xác định giá đất, về quy định cổ đông chiến lược, xác định giá trị DN...
Việc tái cơ cấu DNNN, trong đó bao gồm đẩy mạnh tiến trình sắp xếp DNNN, trong vài năm gần đây diễn ra rất chậm. Để đạt được mục tiêu tái cơ cấu DNNN cần tiến hành đồng bộ, trong đó có cả tái cơ cấu thị trường tài chính, thị trường vốn. Bên cạnh đó, mục tiêu cổ phần hóa là nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, thay đổi căn bản quản trị DN; trong đó có việc tìm nhà đầu tư chiến lược có năng lực thật sự, có vị thế không chỉ trong nước mà cả quốc tế để nâng cao chất lượng hoạt động sau cổ phần hóa.
TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM:
"Việc tái cơ cấu DNNN đã được nêu tại Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) vừa qua là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc thực hiện mục tiêu này sẽ gặp nhiều thách thức. Vì vậy, để tái cơ cấu DNNN thành công, Chính phủ cần phải đề ra đề án hết sức cụ thể".

Hà My
Sài Gòn giải phóng



Xem bài viết: Tái cơ cấu DN nhà nước - Giải bài toán chất lượng, hiệu quả