TS Trần Hoàng Ngân: Có thể giảm trần lãi suất huy động
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, đã có cơ sở để giảm trần lãi suất huy động, mở đường cho việc giảm nhanh lãi suất cho vay, bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngân nói:
- Với chỉ số giá tiêu dùng (CPI)tháng 10 tại Hà Nội và TP.HCM đã được công bố, dự báo CPI tháng này của cả nước dưới mức 0,5%, thấp nhất trong một năm qua. CPI tháng 9 là 0,82%, tháng 8 là 0,93%. Đó là cơ sở để chúng ta có thể tính đến việc giảm trần lãi suất huy động từ 14%/năm còn 13%/năm, sau đó nếu CPI vẫn trong xu hướng giảm thì giảm tiếp còn 12%/năm.

* Giảm như thế có sốc không khi lãi suất huy động thực tế vừa giảm mạnh, từ 17-18%/năm chỉ còn 14%/năm?
- Mức lãi suất huy động mà ngân hàng (NH) thực trả cho người gửi tiền 17-18%/năm so với CPI ở thời điểm trước tháng 8-2011 chưa hẳn đã có lợi cho người gửi tiền. Việc lập lại trật tự trong thi hành trần lãi suất đã kéo lãi suất huy động giảm còn 14%/năm.
Tuy nhiên, cần phải ghi nhận với những trường hợp mới gửi tiền từ tháng 8 đến nay thì mức trần lãi suất 14%/năm vẫn có lãi cao. Giả sử tháng 10-2011 CPI là 0,5%, tính chung ba tháng cũng chỉ có 2,26%, bình quân 0,75%/tháng, trong khi mức lãi NH trả cho người gửi tiền trong cùng thời gian này lên đến 1,16%/tháng.
Vì vậy, cần phải tính toán để hạ trần lãi suất huy động, trên cơ sở đó có thể giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Cũng cần lưu ý Chính phủ đã đề ra mục tiêu năm 2012 kiểm soát lạm phát ở mức dưới một con số. Việc điều hành lãi suất phải hướng theo lạm phát mục tiêu, đó cũng là cơ sở để giảm trần lãi suất huy động.
* Nếu lạm phát và lãi suất huy động cùng giảm, có thể nghĩ đến bỏ trần lãi suất huy động như một số ý kiến đang đề xuất?
- Còn quá sớm để nghĩ đến việc bỏ trần lãi suất huy động khi mà việc cơ cấu lại hệ thống NH mới khởi động. Có thể trần lãi suất là biện pháp hành chính, nhưng trong giai đoạn này vẫn cần thực hiện để đạt mục tiêu giảm lãi suất.
Giả sử không có trần lãi suất thì làm sao NH có được lãi suất đầu vào 14%, tới đây là 13%, rồi 12%/năm để có được mức lãi suất cho vay 17-18%, rồi sau đó là 16%, thậm chí dưới 15%/năm.
* Lãi suất huy động thực tế vừa giảm từ 17-18/năm còn 14%/năm, tới đây giảm thêm liệu có giữ được vốn huy động ở NH không sụt giảm?
- Đúng là nguồn vốn NH có sụt giảm nhưng chỉ tức thời và không đáng kể, trong khi cho vay cũng giảm. Điều này cho thấy lãi suất đang là gánh nặng cho các doanh nghiệp, vì thế phải nhanh chóng kéo xuống. Cũng đừng quá lo vốn huy động giảm, bởi đó chỉ là phản ứng tự nhiên của người gửi tiền, sau đó sẽ trở lại bình thường. Hơn nữa, các kênh đầu tư khác cũng kém hấp dẫn.
Gần đây xảy ra nhiều vụ đổ bể tín dụng đen khiến người dân phải tìm kênh đầu tư an toàn và ít rủi ro hơn, trong đó có gửi NH. Có một phần vốn từ NH được người dân chuyển sang mua vàng nhưng việc này không thể kéo dài mãi vì rủi ro rất cao.
NH Nhà nước cần có giải pháp để huy động trở lại nguồn vốn của dân đã chuyển hóa thành vàng và khai thác hiệu quả nguồn vốn này.
* Nhu cầu vay sẽ tăng khi lãi suất cho vay giảm, lượng vốn huy động sẽ giảm khi lãi suất huy động giảm thêm, khi ấy NH giải quyết bài toán vốn cho nền kinh tế ra sao?
- Có thể nhu cầu vay tăng nhưng không có nghĩa NH sẽ đáp ứng mọi nhu cầu vốn của doanh nghiệp, cá nhân. NH Nhà nước tiếp tục có chính sách để kiểm soát tín dụng tăng ở mức thấp phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát cao. Về phía NH cũng không thỏa mãn tất cả nhu cầu của người vay mà phải trên cơ sở hiệu quả của dự án sản xuất kinh doanh. Nhiều dự án cùng muốn vay tiền, chỉ tiêu tăng tín dụng có hạn, khi đó NH chọn những dự án có tính khả thi cao nhất.
* Gần đây các cơ quan quản lý có nói sẽ điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu, có khác gì so với nguyên tắc điều hành theo lãi suất thực dương?
- Chính phủ đã đặt ra mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức một con số, đó là lạm phát mục tiêu và Chính phủ phải thực hiện nhiều biện pháp để đạt được mục tiêu này. Trên cơ sở đó, hệ thống NH xây dựng cho mình định hướng về mặt bằng lãi suất. Doanh nghiệp cũng có cơ sở để tính toán chi phí đầu vào cho các dự án. Nếu lạm phát mục tiêu thấp mà NH vẫn duy trì lãi suất huy động cao thì vừa không hợp lý, lại khuyến khích người dân gửi tiền hơn bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh.
Giả sử kiểm soát lạm phát đạt được mục tiêu dưới một con số thì mức lãi suất huy động 10%/năm vẫn đảm bảo người gửi tiền bảo toàn vốn và có lãi. Tất nhiên, mức lãi không thể cao như thời còn lạm phát cao. Bởi lẽ tới đây việc định hướng mặt bằng lãi suất cần phải tính đến lợi ích của người vay.
Thực chất khi NH đưa ra lãi suất có lợi quá nhiều cho người gửi, chẳng khác nào bỏ tiền vào túi này lấy tiền ra từ túi khác. Doanh nghiệp chịu lãi cao, họ đưa tất cả vào giá bán hàng hóa - dịch vụ thì người mua, trong đó có người gửi tiền, phải chi trả.
* Lạm phát giảm dần, mặt bằng lãi suất theo lạm phát, việc điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu, vậy cá nhân ông nếu gửi tiền thì chọn gửi dài hay ngắn hạn?
- Trần lãi suất huy động đang áp dụng là theo lạm phát cao. Lạm phát đang được kiểm soát, giảm dần, mục tiêu kiểm soát lạm phát cũng rõ ràng, năm 2012 giữ lạm phát ở một con số. Vì vậy nếu gửi tiền lúc này nên chọn những kỳ hạn dài để có thể được hưởng lãi suất gửi cao.
Tuy nhiên, các NH khi huy động dài hạn sẽ tính toán để có thể điều chỉnh lãi suất theo mặt bằng lãi suất, tránh tình trạng tới đây mặt bằng lãi suất thấp nhưng vẫn phải trả lãi cao.
T.Tuyền thực hiện
tuổi trẻ



Xem bài viết: TS Trần Hoàng Ngân: Có thể giảm trần lãi suất huy động