Bình ổn giá vàng: Thuốc chưa đủ liều!
17 ngày sau khi liên minh Công ty SJC và các ngân hàng (NH) bán hàng chục tấn vàng ra thị trường nhưng mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới về mức 400.000 đồng/lượng vẫn chưa đạt được.
Hiện nay giá vàng trong nước đang được tính toán dựa trên tỉ giá thực mà các NH giao dịch với nhau, ở mức 21.850 đồng/USD, tức cao hơn 895 đồng/USD so với giá USD niêm yết tại các NH.
Lỗi tại tỉ giá?
Ngay cả khi quy đổi theo tỉ giá giao dịch thực tế giữa các NH, đã tính đầy đủ các khoản phí, giá vàng bán ra trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới hơn 700.000 đồng/lượng, ở mức 44,05 triệu đồng/lượng. Nếu tính theo tỉ giá niêm yết, mức chênh lệch lên đến 2,5 triệu đồng/lượng.
Lý giải nguyên nhân giá vàng trong nước tăng cao, phó tổng giám đốc một công ty vàng cho biết là do được quy đổi theo tỉ giá giao dịch thực tế giữa các NH cao hơn gần 1.000 đồng/USD so với giá USD niêm yết. Những ngày gần đây tỉ giá này tăng rất mạnh do các NH được cấp phép bán vàng can thiệp thị trường đẩy mạnh mua USD để ký quỹ trên tài khoản giao dịch vàng nước ngoài và để bảo toàn vốn, chuẩn bị sẵn nguồn ngoại tệ trong trường hợp NH Nhà nước cấp phép nhập khẩu vàng.
Do nhu cầu mua quá lớn, đã xuất hiện hiện tượng các NH chủ động đẩy giá USD lên để tranh mua. Thậm chí những ngày gần đây giá USD liên NH đóng vai trò dẫn dắt giá USD tự do, từ mức 21.500 đồng/USD thời điểm đầu tuần giá USD tự do đã tăng lên 21.950 đồng/USD (bán ra), mua vào ở 21.800 đồng/USD vào ngày 22-10.
Ngoài ra giá vàng tăng cao còn do sức mua quá lớn. Công ty SJC cho biết tính riêng trong hai ngày 20 và 21-10 đã bán ra trên 20.000 lượng. Thị trường hầu như chỉ diễn biến theo chiều mua, trong khi đến nay NH Nhà nước vẫn chưa cấp phép cho các đơn vị bán vàng can thiệp được nhập khẩu vàng để bổ sung nguồn cung.
Nên tăng cung cho thị trường
Theo tổng giám đốc một NH, theo quy luật, chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau do nhu cầu mua vàng của người dân tăng. Có những thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới đến 1-2 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch này ít tồn tại lâu vì ngay sau đó nguồn cung vàng trên thị trường sẽ trở nên dồi dào nhờ được bổ sung từ nhiều kênh khác nhau. Nhưng hiện nay thị trường chỉ trông chờ vào nguồn hàng từ Công ty SJC và các NH vì theo quy định mới, từ tháng 8-2011 Công ty SJC chỉ được nhận gia công ra vàng miếng SJC cho các doanh nghiệp có giấy phép nhập khẩu vàng và theo hạn ngạch do NH Nhà nước cấp.
Vướng quy định này, không chỉ vàng biên mậu mà vàng phân kim, vàng có nguồn gốc từ các thương hiệu khác không thể chuyển hóa thành vàng SJC - trong khi thị trường chỉ chuộng loại vàng SJC - khiến nguồn cung vàng trên thị trường bị thu hẹp. Phó tổng giám đốc một công ty vàng lớn cho rằng nếu cho dùng vàng nguyên liệu ở trong nước để dập vàng miếng SJC sẽ giúp tăng cung cho thị trường, đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn, từ đó làm giảm nhanh chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới.
Được biết, lãnh đạo Công ty SJC đã nêu kiến nghị này với các cơ quan quản lý, tuy nhiên cũng khó cho NH Nhà nước vì nếu không quản lý chặt sẽ lại mở đường cho các đợt nhập lậu vàng, châm ngòi cho đợt tăng giá USD tự do. Ngược lại, nếu tiếp tục siết vàng lậu để kềm tỉ giá thì buộc phải cấp phép nhập vàng làm tốn kém ngoại tệ, về lâu dài ảnh hưởng đến tỉ giá.
Nhiều chuyên gia cho rằng NH Nhà nước nên cho phép các NH tăng lãi suất huy động vàng để thu hút nguồn vốn vàng trong dân và sử dụng chính nguồn vàng này để can thiệp, bình ổn thị trường.
A.Hồng
tuổi trẻ



Xem bài viết: Bình ổn giá vàng: Thuốc chưa đủ liều!