-----------------------------
Blog: http://pgbankresearch.wordpress.com/
Thời gian đăng: 20/10/2011
-----------------------------

Hiện tượng vỡ nợ tín dụng trên thị trường chợ đen (không qua hệ thống ngân hàng) thời gian vừa qua đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Người ta lo ngại nhiều về việc liệu có sự lây lan sang hệ thống ngân hàng và dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính thanh khoản, và cộng hưởng với tâm lý người dân, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao sẽ phải đối mặt với những khó khăn hoặc khả năng bị thôn tính.

Với hàng loạt các động thái của NHNN vừa qua, đã có nhiều ý kiến cho rằng NHNN đang phát tín hiệu bật đèn xanh cho hoạt động sáp nhập các ngân hàng nhỏ thực hiện cải tổ hệ thống ngân hàng Việt Nam trở nên chuyên nghiệp, vững vàng hơn. Đến lúc này, khi “cơn bão” tín dụng đen đang càn quét hệ thống tín dụng truyền thống, người ta bắt đầu nghĩ đến những ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thống NHTM và nhu cầu phải cải tổ, điều đó là có cơ sở.



Người dân có thể sẽ vay tiền ngân hàng để cho vay lại trên thị trường chợ đen khi siêu lãi suất trên thị trường này có khả năng cạnh tranh quá cao (từ 3 – 5%/tháng) và khi vỡ nợ xẩy ra không thể nói hệ thống ngân hàng không bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, việc các kênh đầu tư phi sản xuất đều đang gặp khó khăn (BĐS đóng băng, TTCK giảm điểm kéo dài, vàng đã hạn chế được phần nào hiện tượng đầu cơà giá ổn định) khiến người đầu tư không thể rút được vốn để trả gốc và lãi, ai dám đảm bảo rằng tiền này không phải từ hệ thống ngân hàng chạy ra.
Việc kinh doanh khó khăn cũng khiến khách hàng thực hiện vay trên thị trường chợ đen để trả ngân hàng, nếu vỡ nợ lan rộng trên thị trường chợ đen sẽ khiến việc vay khó khăn thậm chí không thực hiện được thì đương nhiên các khoản nợ này sẽ được đưa vào nợ xấu. Đối với khách vay mua chứng khoán có tình hình trả nợ có vấn đề sẽ được ngân hàng yêu cầu bán giải chấp CK cầm cố, việc này không dễ trong tình hình hiện nay, và thế là lại phát sinh nợ xấu.


Tóm lại việc vỡ nợ trên thị trường chợ đen sẽ ảnh hưởng đến tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng cao và đã có các con số được công bố rộng rãi: nợ xấu của nhóm NHTM nhà nước tăng 66,18%, nhóm các ngân hàng cổ phần tăng 44,29%, nhóm ngân hàng liên doanh, nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài tăng 59,23% so với cuối năm 2010. Tỷ lệ nợ xấu từ 2,16% cuối năm 2010 đã tăng lên mức 3,13% vào cuối tháng 6/2011. Tổng nợ xấu sáu tháng đầu năm khoảng 75.000 tỉ đồng. Trong đó, nợ xấu nhóm 5 (nợ mất vốn) chiếm khoảng 47% (theo Thời báo Sài Gòn).


Có vẻ như diễn biến tình hình thị trường tiền tệ gần đây đã chỉ ra thời cơ phải tiến hành cải tộ hệ thống tài chính đã phát triển bùng phát 4,5 năm gần đây. Với nhiệm kỳ mới, NHNN đã ra tay gần như ngay lập tức với việc hạn chế dòng tiền chảy vào những nơi ít tạo ra giá trị gia tăng mà chỉ gây ra các cơn sốt ảo, lúc nóng lúc lạnh. Hàng loạt các biện pháp “chuyên môn” lẫn hành chính mạnh tay đã tỏ ra có hiệu lực ít nhất là về mặt thị uy, phát đi thông điệp với toàn hệ thống về một cuộc cải tổ. Khi đã bị chặn mọi ngả, thị trường tín dụng chợ đen có vỡ nợ cũng là điều đương nhiên và càng lộ ra những điểm yếu kém về chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Đây là thời cơ để dẹp loạn thị trường chợ đen, phát triển hệ thống ngân hàng, tài chính lành mạnh, công khai, minh bạch hơn, tạo được niềm tin đối với người dân. Đã đến lúc họ được cảnh tỉnh về lòng tham và chấp nhận gửi tiền vào ngân hàng, dù lãi suất thấp nhưng độ an toàn cao hơn nhiều. Điều này giúp cho các ngân hàng huy động được lượng vốn còn tồn đọng trong xã hội để đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ cho nền kinh tế. Đồng thời giải quyết được nhu cầu vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người nông dân.

Đầu tư vào sản xuất kinh doanh là gốc rễ phát triển kinh tế chứ không phải là đầu cơ, mong chờ siêu lợi nhuận. Với những hành động gần đây và sự giúp đỡ của hệ thống thông tin có tính chất định hướng, có vẻ như NHNN đang đi đúng hướng và tỏ ra có quyết tâm lớn về việc cải tổ hệ thống tài chính, đưa hệ thống ngân hàng về đúng chức năng huy động nguồn lực toàn xã hội để sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP chứ không phải tạo khoảng cách phân biệt giầu nghèo ngày càng lớn, tạo sự bất ổn cho nền kinh tế thông qua việc tiếp sức cho hoạt động đầu cơ, cho lòng tham và ảo tưởng siêu lợn nhuận.