Lưu ý khi đầu tư vào TTF, CSM, TCM, VCF
(Vietstock) - Trong báo cáo phát hành mới đây, VCF được đánh giá là doanh nghiệp mạnh trong ngành và được tiếp thêm sức mạnh nhờ thương vụ Masan. Trong khi đó, các công ty chứng khoán lưu ý nhà đầu tư về hệ số nợ và tỷ trọng vay USD của TCM, về hàng tồn kho và lãi vay của TTF. Ngoài ra, cổ phiếu CSM được nhận định đang giao dịch dưới giá trị thực 36%.
TTF: Hàng tồn kho và lãi vay cao
Ngày 19/10, CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) phát hành báo cáo phân tích cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF). Trong báo cáo, FPTS cho rằng nhà đầu tư cần lưu ý tình hình vay nợ cao, lãi vay cũng như hàng tồn kho tăng cao của doanh nghiệp này. Trong ngắn hạn, FPTS khuyến nghị nắm giữ thận trọng và quan sát tình hình hình kinh doanh của công ty trong những tháng cuối năm.
Hiện nay, hàng tồn kho của TTF có giá trị lớn gấp 2 – 3 lần doanh thu hàng quý của công ty, chủ yếu là nguyên vật liệu. So với các công ty trong ngành, hệ số vòng quay hàng tồn kho của TTF tương đối thấp, bình quân 1.25 vòng/năm. Nguyên nhân do TTF sản xuất cả 3 dòng hàng: nội thất, ngoại thất và ván sàn nên nguyên liệu dự trữ khá lớn. Ngoài ra, giá trị hàng tồn kho là nguyên liệu teak có giá trị cao nhưng khó bán gây ứ đọng nhiều.
Tính đến 30/06, số dư hàng tồn kho của TTF lên đến 1,581 tỷ đồng. Hiện công ty đang lên kế hoạch bán hàng tồn kho và chấp nhận bán với giá thấp hơn giá mua ban đầu nhằm giảm lượng hàng tồn kho và cải thiện dòng tiền, tránh phát sinh chi phí tài chính.
Còn số dư vay ngắn hạn của TTF tính đến 30/06 là 1,751 tỷ đồng, vay dài hạn 108.8 tỷ đồng. Cơ cấu đòn bẩy của TTF hiện nay khá cao, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu ở mức 266.4%. 6 tháng đầu năm, tổng nợ đã vượt hơn 3 lần so với vốn chủ sở hữu của công ty. Nguồn vốn lưu động của TTF nằm trong khoản 250 – 350 tỷ đồng mỗi năm. Cả 2 chỉ số thanh toán nhanh và thanh toán lãi vay đều ở mức dưới 1.
Về kết quả kinh doanh, FPTS dự phóng doanh thu toàn công ty năm 2011 đạt khoảng 2,500 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế khoảng 100.85 tỷ đồng.
Theo số liệu thu thập và phân tích sơ bộ, FPTS định giá TTF tại thời điểm này đạt 10,300 đồng với mức P/E và P/B tương ứng đạt 8x và 0.52x. EPS ước đạt 3,201 đồng, book value/cp đạt 23,816 đồng. Xem báo cáo chi tiết
TCM: Hệ số nợ và tỷ trọng vay USD cao
Trong báo cáo phát hành ngày 21/10, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng CTCP Đầu tư Thương mại Dệt may Thành công (HOSE: TCM) là một doanh nghiệp có nhiều lợi thế trong ngành dệt may.
So với các doanh nghiệp trong ngành, TCM có quy mô lớn nhất về tài sản và vốn chủ sở hữu. Đồng thời, công ty cũng dẫn đầu về khả năng sinh lời với tỷ suất lợi nhuận ròng, ROA, ROE tính đến quý 2/2011 đều cao hơn các đối thủ cạnh tranh như GMC, GIL, TNG hay NPS.
TCM cũng là doanh nghiệp trong ngành duy nhất có khả năng tự cung cấp và đáp ứng 100% nhu cầu về sợi bông cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Công ty sở hữu dây chuyền sản xuất khép kín giúp kiểm soát tốt chi phí và chất lượng sản phẩm đầu ra trong khi nhiều doanh nghiệp khác phải khâu may gia công cũng là lợi thế cạnh tranh.
Hiện thị trường tiêu thụ của TCM khá đa dạng và không phụ thuộc vào bất cứ khách hàng hay thị trường nào. Nhờ vậy, công ty giảm thiểu được rủi ro biến động thị trường và sức ép về giá hay thời gian giao hàng. Các sản phẩm chính của TCM là quần áo thun nên ít bị ảnh hưởng bởi tính mùa vụ và chu kỳ kinh tế. Do đó, sản lượng của công ty tương đối ổn định.
Tuy nhiên, điểm yếu của công ty là hệ số nợ và tỷ trọng vay USD cao. Tính đến cuối tháng 6, vay ngắn hạn của TCM tăng 51%, lên 630.6 tỷ đồng, chiếm 68.4% tổng nợ vay. Đáng chú ý, các khoản vay bằng USD của TCM chiếm 46% tổng các khoản vay nguyên liệu đầu vào nhập khẩu. Dù vậy, VCBS cho rằng TCM không chịu áp lực lớn về nguồn USD để trả cho các khoản vay này do nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu chiếm 75 – 80% tổng doanh thu.
Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào thường xuyên biến động và mảng kinh doanh bất động sản chưa khiển khai cũng là những điểm bất lợi.
Với mức giá 14,400 đồng, TCM hiện đang giao dịch tại mức P/E là 2.63x, tương đối rẻ so với mức P/E trung bình 4.7x của TNG, GMC, GILNPS. Xem báo cáo chi tiết
CSM: Đang giao dịch dưới giá trị thực 36%
Trong báo cáo phát hành ngày 21/10, CTCP Chứng khoán Việt Thành (VTSC) khuyến nghị nhà đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu của CTCP Cao su Miền Nam (HOSE: CSM) cho mục đích đầu tư trung và dài hạn.
Theo VTSC, CSM là nhà sản xuất săm lốp lớn nhất Việt Nam. Thị phần của công ty chiếm vị trí cao trên hầu hết các dòng sản phẩm, săm lốp ô tô (16%), săm lốp xe máy (35%) và săm lốp xe đạp (25%).
Một trong những lợi thế cạnh tranh là doanh nghiệp này có công nghệ sản xuất hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế với thiết bị nhập khẩu từ Đức, Nhật… Hệ thống phân phối rộng với hơn 200 đại lý, nhà máy có công suất khoảng 5 triệu lốp xe máy và 900 ngàn lốp xe ô tô.
Hiện tại, công ty đang triển khai dự án nhà máy sản xuất lốp Radian toàn thép có công suất 1 triệu lốp/năm. Dự án này dự kiến hoàn thành vào năm 2012 hứa hẹn mang lại sự gia tăng doanh thu.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011 của CSM không mấy khả quan. Theo VTSC, nguyên nhân chủ yếu do giá nguyên vật liệu tăng (cao su, thép,…) do lạm phát giá hàng hóa trên thế giới.
Công ty chứng khoán này cho rằng năm 2011 CSM còn gặp khó khăn từ môi trường lãi suất cao nên kế hoạch lợi nhuận sau thuế 120 tỷ đồng khó hoàn thành.
Với kết quả định giá cổ phiếu CSM khoảng 16,775 đồng, thì CSM hiện đang giao dịch thấp hơn giá trị thực 36%. Do đó, VTSC khuyến nghị mua và nắm giữ cổ phiếu này cho mục đích đầu tư trung và dài hạn. Xem báo cáo chi tiết
VCF: Thêm sức mạnh từ Masan Consumer
Với CTCP Vinacafe Biên Hòa (HOSE: VCF), VCBS đánh giá đây là doanh nghiệp có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt trong báo cáo phát hành ngày 17/10.
Theo VCBS, VCF là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực cà phê hòa tan, VCF đã khẳng định vị thế trong ngành bằng kết quả doanh thu và lợi nhuận tăng trường mạnh, trung bình mỗi năm tăng trường liên tục 23% và 23.9% tương ứng giai đoạn 2009 – 2010.
Nhờ khả năng dự báo tốt biến động giá cà phê nguyên liệu và lập kế hoạch trữ nguyên liệu hợp lý nên lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của công ty tăng trưởng mạnh so cùng kỳ gần 61%.
Trong năm tới, khi nhà máy Long Thành đi vào hoạt động, sản lượng sản xuất cà phê hòa tan tăng trưởng hàng năm (CAGR ) của VCF khoảng 12.4%/năm trong giai đoạn 2012 – 2018. Mức tăng trưởng này hoàn toàn có đầu ra tiêu thụ do sức tiêu thụ cà phê tại Việt Nam được kỳ vọng duy trì mức tăng trưởng không dưới 10%/năm trong những năm tới.
Mới đây, sự hiện diện của Masan Consumer trong cơ cấu cổ đông của VCF được VCBS đánh giá là đem lại những ưu thế lớn cho công ty bởi Masan là tập đoàn kinh doanh thực phẩm nhiều kinh nghiệm trong việc mở rộng, chiếm lĩnh thị phần.
Tính đến cuối quý 2/2011, lượng hàng tồn kho là 309 tỷ đồng. Phần lớn hàng tồn kho này được thực hiện theo chiến lược dự trữ nguyên liệu trước khi biến động giá và đáp ứng nhu cầu sản xuất đến hết tháng 10/2011. Vì vậy, VCF đặt ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế hai quý cuối năm, mỗi quý ước đạt 50 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2011 ước khoảng 222.5 tỷ đồng, EPS dự phóng 8,371 đồng. Xem báo cáo chi tiết
Trương Thơ



Xem bài viết: Lưu ý khi đầu tư vào TTF, CSM, TCM, VCF