Đầu tư công: Chọn mặt nào của tấm huy chương?

Việt Nam đang gấp rút cơ cấu lại đầu tư của Nhà nước vốn đã phình to và gây nhiều hệ lụy cho kinh tế vĩ mô. Song bài học thật sự liệu có được rút ra từ kinh nghiệm vừa qua?
Dàn trải và lãng phí
Tiến sĩ Kim Văn Chính, giảng viên Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, có một thói quen lạ. Ông đã cố gắng sưu tập được gần trăm bức ảnh các khu chợ xây xong rồi bỏ hoang trên khắp ba miền đất nước trong vòng hơn mười năm trở lại đây. Cứ khi có dịp giảng về chủ đề đầu tư công cho các học viên là quan chức các cấp, ông lại chiếu cho họ xem những bức ảnh đó. Ông nói: “Đầu tư công đã trở thành đại sự. Chỉ riêng về chợ, sự hoang phí đã là vấn đề toàn quốc”.
Xây chợ, như câu chuyện của ông Chính, chỉ là một phần rất nhỏ trong bức tranh đầu tư công ở Việt Nam trong vài năm gần đây. Trong nhiều trường hợp, đầu tư của Nhà nước dàn trải, manh mún đã gây ra nhiều lãng phí đáng quan ngại. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, sự dàn trải, kém hiệu quả của đầu tư công thể hiện rõ nhất qua hàng loạt các cảng biển, sân bay, khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu. Thống kê của ủy ban cho thấy, tại 24 tỉnh, thành duyên hải có 266 cảng biển, trong đó chỉ có 9 cảng có khả năng cải tạo, nâng cấp để tiếp nhận tàu 50.000 DWT - là loại tàu trung bình trên thế giới. Hơn nữa, cả nước có 22 sân bay thường xuyên hoạt động, trong đó miền Bắc có 6 sân bay, miền Trung có 7 sân bay, miền Nam có 9 sân bay. Cả nước có 15 khu kinh tế, 28 khu kinh tế cửa khẩu với tổng diện tích đất và mặt nước quy hoạch lên tới 1.162.249 héc ta. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, Chính phủ Việt Nam đã chi tiêu “cao hơn hẳn và gần gấp rưỡi” so với chính phủ các nước trong khu vực. Mức chi tiêu này còn chưa tính tới số tiền trái phiếu chính phủ và vốn vay ODA, mà theo hệ thống thống kê tài chính hiện hành của Việt Nam đã không được đưa vào ngân sách.

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ chính phủ vừa qua thừa nhận, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội năm năm huy động gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2001-2005, đạt 42,7% GDP, còn tổng vốn đầu tư công chiếm 43,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Theo Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh thuộc Viện Kinh tế Việt Nam, Chính phủ Việt Nam là nhà đầu tư lớn nhất so với chính phủ các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Một nghiên cứu chuyên sâu của ông chỉ ra rằng, Chính phủ Việt Nam đã chi tiêu “cao hơn hẳn và gần gấp rưỡi” so với chính phủ các nước trong khu vực. Mức chi tiêu này còn chưa tính tới số tiền trái phiếu chính phủ và vốn vay ODA, mà theo hệ thống thống kê tài chính hiện hành của Việt Nam đã không được đưa vào ngân sách. Ông nhận xét, trên cả hai phương diện thu và chi tài chính, Nhà nước Việt Nam quản lý một tỷ lệ lớn của cải xã hội và đóng vai trò chi phối nguồn của cải này lớn hơn so với chính phủ các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Trong phần “nhược điểm” về đầu tư công của báo cáo tổng kết nhiệm kỳ giai đoạn 2006-2010, Chính phủ thừa nhận an ninh tài chính chưa thực sự vững chắc, thu ngân sách nhà nước chủ yếu mới đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên và trả nợ, phần lớn vốn đầu tư phát triển phải dựa vào vốn vay. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển còn thấp, chỉ số ICOR cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian xây dựng công trình, dự án chậm được khắc phục; tình trạng lạm dụng chỉ định thầu trong mua sắm công... đã gây lãng phí, làm giảm hiệu quả đầu tư.
Chính sách tài khóa mở rộng không ngừng nhưng hiệu quả đầu tư lại rất kém như trên là một trong những yếu tố chính đưa nền kinh tế Việt Nam vào vòng xoáy bất ổn vĩ mô khó thoát ra được, như Ngân hàng Thế giới đã khuyến nghị.
Tái cơ cấu bằng cách nào?
Một ngày sau khi nhậm chức Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh nói với TBKTSG về ưu tiên điều hành của mình: “Vấn đề lớn nhất hiện nay là điều hành kinh tế vĩ mô sao cho đúng các quy luật và tạo ra sự phát triển ổn định và bền vững trong dài hạn. Định hướng chính sách tài khóa phải dài hạn hơn cho mục tiêu đó”.
Cơ cấu nguồn vốn đầu tư toàn xã hội 2006-2010
Tổng mức huy động: 42,7% GDP, gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2001-2005
- Vốn ngân sách: 21,5%
- Vốn trái phiếu chính phủ: 5,5%
- Vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước: 6,4%
- Vốn của DNNN: 10,1%
- Vốn tư nhân và vốn khác: 56,5%
Nguồn: Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ chính phủ
Tư tưởng đó được bộ trưởng và các đồng nghiệp đưa vào chiến lược kinh tế nhiệm kỳ chính phủ tới, trong đó ông nhấn mạnh vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giảm xuống còn 33,5-35% GDP, giảm mạnh so với trung bình 42,7% GDP trong nhiệm kỳ vừa qua.
Trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước dự kiến chiếm 18%; đầu tư từ trái phiếu chính phủ chiếm 3,9-4,1%; đầu tư từ vốn tín dụng nhà nước 5,3-5,5%; đầu tư từ vốn của doanh nghiệp nhà nước khoảng 10-10,6% (tổng cộng 38,2% tổng vốn đầu tư toàn xã hội).
Điều đáng lưu ý là bội chi ngân sách nhà nước được Chính phủ xác định chỉ giảm xuống mốc 4,5% GDP vào năm 2015, so với mức trung bình khoảng 5,5% GDP trong năm năm trước đó. Bội chi ngân sách chưa bao gồm đầu tư từ trái phiếu chính phủ dự kiến khoảng 225.000 tỉ đồng trong năm năm.
Chỉ tiêu nói trên làm ông Giàu và các thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội băn khoăn bởi “không rõ Chính phủ tính theo cách nào”. Ông đề nghị sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước để có thể tính bội chi ngân sách theo thông lệ quốc tế và phấn đấu bội chi theo thông lệ đó dưới 5% vào năm 2015. Ông duy trì quan điểm vốn trái phiếu chính phủ phải được đưa vào trong cân đối ngân sách nhà nước hàng năm, bắt đầu áp dụng từ năm 2013. Ý kiến của ông Giàu đại diện Ủy ban Kinh tế được sự ủng hộ của Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng như lãnh đạo nhiều ủy ban khác của Quốc hội.
Song đây là điều khó khăn cho Chính phủ. Giải thích điều này với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp gần đây, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khăng khăng: “Về nguyên tắc, không thể đưa trái phiếu chính phủ vào ngân sách được”. Ông nói: “Chúng tôi đã tính toán rất kỹ, rất căng về dự toán các khoản, thu chi rồi nên mới đưa ra con số đó, không thể thay đổi được. Còn tất nhiên, nếu có thu thêm được thì sẽ ưu tiên bù bội chi”.
Liệu đầu tư công của Việt Nam sẽ được tái cơ cấu như thế nào? Nó có thực sự được chú ý nhằm mang lại hiệu quả và giảm bớt những rủi ro cho kinh tế vĩ mô? Điều này sẽ được thảo luận vào những phiên họp Quốc hội sắp tới khi bàn về kế hoạch kinh tế năm năm.
Tư Hoàng
TBKTSG



Xem bài viết: Đầu tư công: Chọn mặt nào của tấm huy chương?