Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 24 – 28/10
(Vietstock) – Với dư địa tín dụng không còn quá lớn so với chỉ tiêu 12%, chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm 2011 chỉ có thể dừng lại ở mức “vừa đủ” và chưa có tín hiệu sẽ được nới lỏng.

KINH TẾ TÀI CHÍNH THẾ GIỚI
Mỹ: Kinh tế Mỹ đến thời điểm này vẫn chưa thật sự tạo ra bước tiến nào đáng kể. Theo công bố của Bộ Tài chính Mỹ, thâm hụt ngân sách trong năm tài khóa 2011 là 1.3 ngàn tỷ USD, cao hơn so với mức 1.29 ngàn tỷ USD trong năm 2010 và là mức cao thứ 2 từ trước đến nay sau mức kỷ lục 1.42 ngàn tỷ USD trong năm 2009. Tuy nhiên, thâm hụt năm 2011 chiếm 8.7% GDP, thấp hơn so với mức 9% trong năm ngoái.
Lạm phát vẫn là mối đe dọa lớn tại Mỹ khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 3.9% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng mạnh nhất trong 3 năm. Ngoài ra, chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng tăng 0.8% trong tháng 9, mạnh hơn dự báo tăng 0.2% của các nhà kinh tế và là mức tăng mạnh nhất trong 5 tháng sau khi đứng yên trong tháng 8.
Tổ chức Nghiên cứu Conference Board cũng vừa công bố các chỉ báo kinh tế hàng đầu của Mỹ - thước đo triển vọng nền kinh tế từ 3-6 tháng tới - tăng 0.2%, khớp với dự báo của các nhà kinh tế nhưng thấp hơn so với mức 0.3% trong tháng 8.
Tín hiệu tích cực từ nền kinh tế này là số nhà mới khởi công trong tháng 9 tăng vọt 15% lên 658,000 đơn vị, mức cao nhất trong 17 tháng. Doanh số bán lẻ cũng tăng 1.1% trong tháng 9, cao gần gấp đôi so với dự báo của các nhà kinh tế.
Số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp giảm 6,000 xuống 403,000 trong tuần qua. Trong khi đó, số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp bình quân trong 4 tuần qua chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4.
Trên thị trường trái phiếu, các ngân hàng trung ương trên thế giới đang bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ và được xem là lần mạnh nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tín dụng bắt đầu vào năm 2007. Tuy nhiên, động thái này được xem là để vực dậy đồng nội tệ đang lao dốc mạnh chứ không phải do lo ngại về mức thâm hụt ngân sách 1.3 ngàn tỷ USD và khoảng nợ công ngày càng tăng cao của Mỹ.
Những tranh luận xung quanh việc cáo buộc Trung Quốc tham gia thao túng tiền tệ liên tục “nóng” lên từng ngày; và Bộ Tài chính Mỹ đã phải tuyên bố hoãn thời điểm công bố báo cáo tiền tệ tới giữa tháng 11 nhằm có cơ hội đánh giá tiến triển tại một số hội nghị quốc tế.
Châu Âu: Mặc dù đã đạt được sự đồng thuận nhất định trong việc gia tăng quy mô Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) lên 440 tỷ EUR, nhưng khu vực eurozone hiện vẫn đang bế tắc về cách thức mở rộng quỹ giải cứu khẩn cấp này do sự bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung là Đức và Pháp.
Sự “dùng dằng” này đang tạo sức ép rất lớn lên động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu và dần làm xói mòn niềm tin của giới đầu tư. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cũng đã đưa ra cảnh báo này khi hội nghị thượng đỉnh vào ngày 23/10 đang tới gần nhưng Đức và Pháp vẫn chưa tìm được kế hoạch chung nào.
Song song với các kế hoạch giải cứu, Liên minh châu Âu (EU) đã cấm các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng “khống” (“naked” CDS) đối với trái phiếu chính phủ các nước trong khu vực, nhằm ngăn ngừa các quỹ đầu tư đầu cơ vào sự vỡ nợ của các quốc gia châu Âu. Quy định mới này sẽ được thực hiện từ tháng 11/2012 sau khi hoàn tất các thủ tục thông qua quyết định này vào tháng 11/2011.
Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẽ công bố chương trình cải cách tài chính quy mô lớn, nhằm hạn chế giao dịch sản phẩm tài chính phái sinh và tăng cường giám sát chiến lược giao dịch tần số cao.
Đây là những tín hiệu rất tích cực cho thấy EU muốn đạt các mục tiêu giải quyết khủng hoảng nợ công tại hội nghị thượng đỉnh tới. Phải chăng các nhà hoạch định chính sách châu Âu cũng đã nhận thấy sự cần thiết và quyết tâm cải tổ lại toàn bộ hệ thống tài chính khu vực vốn dễ bị thao túng và lũng đoạn này?
Liên quan đến vấn đề giải cứu hệ thống ngân hàng, Liên minh châu Âu (EU) cũng vừa nhất trí khoản tiền cần thiết dùng để tái cấp vốn cho các ngân hàng của 27 quốc gia châu Âu vào khoảng 100 tỷ EUR (138 tỷ USD). Số tiền này sẽ dùng để tăng cường bảng cân đối kế toán ngân hàng và phòng ngừa nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp hoặc các quốc gia khác.
Trong khi đó, kế hoạch xem xét gia tăng nguồn lực cho vay của IMF đã vấp phải nhiều trở ngại lớn khi Mỹ và một số cổ đông lớn của IMF như Nhật Bản, Đức và Trung Quốc đều cho rằng quy mô 380 tỷ USD hiện nay của IMF là đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.
Tuy vậy, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của G20 cam kết sẽ đảm bảo cho IMF có đủ nguồn lực cần thiết để góp phần ổn định nền kinh tế thế giới.
Làn sóng hạ bậc tín nhiệm một lần nữa lại làm rúng động khu vực eurozone khi liên tiếp hai tổ chức xếp hạn tín nhiệm lớn như Moody’s và Standard & Poor’s (S&P) đã lên tiếng cảnh báo khả năng mất mức nhiệm cao nhất của Pháp trong thời gian tới. Hiện tại, Trái phiếu Chính phủ Pháp đang mất giá khi lãi suất kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 3.13% so với mức 2.6% vào cuối tháng 9 vừa qua.
Tín hiệu tích cực từ khu vực eurozone là sản xuất công nghiệp trong tháng 8 đã bất ngờ tăng 1.2%. Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cũng cho biết sản xuất công nghiệp hàng năm của khu vực này đã thêm 5.3%. Điều này phần nào giúp loại trừ bớt những lo lắng về khả năng lặp lại suy thoái trong quý 3 tại khu vực eurozone.
Ngoài khu vực đồng tiền chung Châu Âu, Anh đang phải đối mặt với mức lạm phát cao kỷ lục 5.2% trong tháng 9. Như vậy, đà leo thang của lạm phát đang đe dọa đến rủi ro đối với động thái nới lỏng tín dụng gần đây nhằm thúc đẩy tăng trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE).
KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Áp lực tỷ giá đến từ đâu?
Tỷ giá liên ngân hàng liên tục lập đỉnh mới không còn là hiện tượng lạ trên thị trường ngoại hối và hiện đang duy trì ở mức 20,748 VND/USD. Tại các NHTM, tỷ giá trần bán ra niêm yết là 20,955 VND/USD và giá thu gom cũng lên cao sát với giá bán ra.
Phải chăng việc liên tục tăng tỷ giá trên thị trường ngân hàng là một cuộc rượt đuổi với tỷ giá trên thị trường chợ đen hay điều ngược lại đang diễn ra?
Có thông tin cho rằng tỷ giá USD/VND tại một số NHTM hiện đang được giao dịch cao hơn rất nhiều so với tỷ giá niêm yết và thậm chí còn cao hơn tỷ giá chợ đen. Hệ quả là cuộc rượt đuổi tỷ giá lại càng làm tăng sức ép lên thị trường ngoại hối.
Nguyên nhân của hiện tượng này được giải thích chủ yếu là do áp lực huy động USD của các tổ chức tín dụng tham gia bình ổn vàng để ký quỹ trên tài khoản giao dịch vàng nước ngoài và dự trữ nhằm bảo toàn tài sản trên số vàng đã bán ra.
Trước sức mua vàng quá lớn của người dân hiện nay, thì khả năng “tranh giành” ngoại tệ là điều khó tránh khỏi khi mà nguồn ngoại tệ bán ra từ NHNN vẫn chưa đủ sức để cung ứng cho thị trường.
Điều lo ngại ở đây là áp lực tỷ giá đến từ thị trường tự do hay từ chính các NHTM? Nếu áp lực này thực sự đến từ chính các tổ chức tín dụng thì cuộc rượt đuổi sẽ càng khốc liệt hơn và nguy cơ mất giá đồng nội tệ sẽ càng tăng cao.
Lạm phát giảm tốc: Tín hiệu tích cực cho mặt bằng lãi suất
Thông tin công bố cho thấy CPI tháng 10 tại hai thành phố lớn TPHCM và Hà Nội giảm tốc đáng kể, chỉ tăng lần lượt là 0.18% và 0.13% so với tháng trước.
Yếu tố tích cực đóng góp vào mức giảm này đến từ nhóm Thực phẩm nói riêng và nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Ngoài ra, các nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm Giao thông cũng đóng góp tích cực giúp hãm đà tăng của CPI.
Nhóm Giáo dục vẫn còn giữ quán tính tăng khá cao; nhưng quá khứ cho thấy mức tăng này sẽ giảm dần ở các tháng tiếp theo và ảnh hưởng gần như không đáng kể đến CPI.
Với mức tăng CPI khá thấp ở hai thành phố lớn, ước tính của chúng tôi cho thấy CPI tháng 10 tính chung cả nước sẽ không quá 0.4%; và theo đó, CPI tính đến tháng 10 tăng khoảng 17.1% so với cuối năm 2011. Xu hướng giảm tốc này đang tạo tín hiệu khá tích cực cho lạm phát kỳ vọng và mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.
E ngại trong thời gian sắp tới là khả năng tăng giá điện khi EVN vừa có văn bản gửi Bộ Công thương đề xuất tăng giá điện thêm 10-13% từ tháng 11. Theo đó, giá bán lẻ điện trung bình sẽ là 1,403 đồng/kWh thay cho mức giá hiện hành là 1,242 đồng/kWh.
Chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ không có những biến động quá mạnh trong những tháng cuối năm do nhóm Thực phẩm (có trọng số lớn nhất trong rổ hàng hóa tính CPI) đang có xu hướng giảm nhẹ. Theo đó, lạm phát có thể dao động trong khoảng 18% -19% vào cuối năm 2011.
Vì đâu Trái phiếu Chính phủ kém hấp dẫn?
Hoạt động đấu thầu trên thị trường Trái phiếu Chính phủ sơ cấp liên tục diễn ra khá trầm lắng trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong thời gian từ đầu tháng 10 đến nay.
Cụ thể, tỷ lệ trúng thầu Trái phiếu Chính phủ trong tháng 8 đạt 49%, tháng 9 đạt 29.8% nhưng chỉ đạt mức 1% trong hơn nửa đầu tháng 10 và hầu hết là không thể bán được. Phiên đấu thầu trái phiếu Kho bạc Nhà nước gần đây nhất vào ngày 20/10 cũng không có đơn vị nào tham gia.
Tình trạng căng thẳng thanh khoản ở nhóm các ngân hàng yếu kém cùng với sự hạn chế trong khả năng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN đã đẩy các lãi suất liên ngân hàng nhảy vọt lên mức cao kỷ lục và có lúc đạt mức 30% - 40%/năm cho kỳ hạn 1 tháng.
Trong khi các ngân hàng nhỏ yếu kém phải “còng lưng” ra chống chọi để đảm bảo thanh khoản thì các “ông lớn” có cơ hội gia tăng hoạt động trên thị trường liên ngân hàng.
So với mức lãi suất khá “khiêm tốn” trên thị trường trái phiếu, thì việc các ngân hàng lớn tranh thủ kiếm lợi nhuận “khủng” từ thị trường liên ngân hàng là điều khá dễ hiểu. Và hệ lụy là thị trường trái phiếu sơ cấp không còn sức thu hút.
Những bất ổn trong hệ thống cũng khiến cho nhiều ngân hàng chỉ tăng cường các hoạt động cho vay ngắn hạn hơn là dài hạn và nắm giữ tài sản có tính thanh khoản rất cao để phòng ngừa rủi ro.
Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém: Sáp nhập hay bơm vốn để “giải cứu”?
Tâm điểm của thị trường tiền tệ trong thời gian vừa qua là câu chuyện thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Với việc khoanh vùng nhóm ngân hàng cần “chăm sóc” đặc biệt trong thời gian qua, NHNN đang thể hiện quyết tâm tận dụng cơ hội lặp lại này để tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.
Câu hỏi lớn đặt ra là sự lựa chọn nào sẽ thích hợp trong bối cảnh của Việt Nam - sáp nhập hơn bơm vốn để “giải cứu” - nhằm tái cơ cấu ngân hàng yếu kém?
Tuy vậy, mỗi sự lựa chọn đều có những rào cản và khó khăn cần phải vượt qua. Đối với giải pháp sáp nhập, những vấn đề như những yếu kém hiện tại có bị loại trừ không, quản trị rủi ro có được cải thiện không… sẽ là những câu hỏi lớn cần lời giải đáp.
Trong khi đó, giải pháp NHNN bơm vốn để “giải cứu” ngân hàng khó khăn, sau đó phần vốn này sẽ được chuyển thành vốn góp cổ phần đang vấp phải những trở ngại trong việc quản lý khoản đầu tư cũng như quá trình thúc đẩy quản trị ngân hàng được rót vốn.
Hiện đang có tranh luận trong giới chuyên gia quốc tế về việc có nên sử dụng ngân sách công để “giải cứu” các ngân hàng (bail-out) hay là huy động các nguồn vốn tư nhân để thực hiện (bail-in) vì sự giám sát và minh bạch sẽ khả thi hơn.
Tín dụng năm 2011 có thể chỉ tăng trưởng 12%
Thông tin tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII ngày 20/10 cho thấy Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt. Đáng chú ý, ước cả năm 2011 dư nợ tín dụng chỉ tăng 12%, tổng phương tiện thanh toán tăng 12.5%.
Tính đến ngày 23/9, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế đạt 8.16% và tổng phương tiện thanh toán tăng 8.87% so với cuối năm 2010.
Như vậy, với dư địa không còn quá lớn so với chỉ tiêu 12%, chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm 2011 chỉ có thể dừng lại ở mức “vừa đủ” và chưa có tín hiệu sẽ được nới lỏng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cam kết điều hành chính sách tài khóa thắt chặt, tiết kiệm thêm 10% chi tiêu thường xuyên, đồng thời rà soát, cắt giảm và sắp xếp lại đầu tư công, miễn, giảm nhiều loại thuế cho doanh nghiệp và cá nhân. Dự kiến bội chi ngân sách nhà nước cả năm 2011 giảm xuống 4.9% GDP so với kế hoạch 5.3% GDP trước đó.
Năm 2012: Tăng trưởng 6 - 6.5%, lạm phát 10%
Theo báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012 sẽ trong khoảng 6 – 6.5%. Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2011 thì chỉ tiêu này có tăng nhẹ hơn chút ít.
Ngoài ra, báo cáo cũng đưa ra chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 12 – 13.1%; nhập siêu khoảng 11.5 – 12% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 740.5 nghìn tỷ đồng, tổng chi 903.1 nghìn tỷ đồng và tỷ lệ bội chi bằng 4.8% GDP. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33.5 – 34% GDP.
Trong khi đó, đáng chú ý là chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) vẫn giữ nguyên mức tăng dưới 10%, một mức kéo giảm đáng kể so với con số ước tính 19% của năm 2011. Chúng tôi cho rằng đây là một thách thức không hề nhỏ đối với các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2012.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Bình luận Kinh tế Vĩ mô: Tuần 24 – 28/10