Ngân sách nhà nước: Thu lỏng lẻo, chi “xông xênh”
Mặc dù Chính phủ đã có hẳn nghị quyết về kiềm chế lạm phát, thắt chặt chi tiêu ngay từ đầu năm, song tổng số chi ngân sách nhà nước vẫn đạt ở mức 70.400 tỷ đồng, vượt dự toán gần 10%.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2011 do Chủ nhiệm Ủy ban Phùng Quốc Hiển trình bày trước Quốc hội chiều 20/10, cho thấy công tác ngân sách năm 2011 đã bộc lộ khá nhiều những bất cập, bao gồm cả khâu thu lẫn chi.

Trốn thuế còn nhiều
Theo Ủy ban, đánh giá của Chính phủ về kết quả thu ngân sách nhà nước năm 2011 là khá tích cực, tương đối sát thực tế. Tuy nhiên, qua làm việc với các bộ, ngành và giám sát ở một số địa phương cho thấy, khả năng thu của năm 2011 vẫn sẽ cao hơn dự kiến của Chính phủ. Nhận định này của Ủy ban dựa trên những căn cứ có thể tăng thu hơn nữa, đặc biệt là trong thu nội địa và thu cân đối xuất, nhập khẩu.
Nhìn nhận về công tác thu nội địa, cơ quan này cho rằng, mặc dù Chính phủ đánh giá vượt 11,3% so với dự toán, tăng 19,9% so với thực hiện năm 2010. Tuy nhiên, qua giám sát, Ủy ban Tài chính ngân sách thấy rằng, tình trạng gian lận thương mại, trốn lậu thuế vẫn diễn ra khá phổ biến, nhất là ở một số thành phố lớn. Vẫn có thể khai thác nguồn thu từ đất đai, kinh doanh bất động sản, từ khai thác tài nguyên khoáng sản.
Và nếu như, các cơ quan thẩm quyền áp dụng các biện pháp tăng cường, quyết liệt hơn trong việc quản lý thu thuế và truy thu số thuế nợ đọng, đây sẽ là những dư địa góp phần làm tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Về thu cân đối xuất, nhập khẩu, báo cáo của Chính phủ đánh giá có thể tăng 3,8% so với dự toán, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, trên cơ sở tình hình thực hiện 9 tháng và theo chu kỳ hoạt động xuất, nhập khẩu vào những tháng cuối năm, số thu có thể tăng hơn do một số nguyên nhân như: mức nhập siêu trong năm 2011 theo dự báo có thể cao hơn mức Chính phủ dự kiến (10,5%), vì trong quý 4/2011 nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị chuẩn bị cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng thường tăng mạnh...
Đánh giá chung về tình hình thu ngân sách nhà nước năm 2011, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, cơ cấu thu đã có sự chuyển biến dựa vào sản xuất kinh doanh trong nước song chưa nhiều.
Đặc biệt, qua thực hiện giai đoạn 2006-2010 và năm 2011 cho thấy, chính sách thu hiện hành còn nhiều bất cập về: mức huy động, về chính sách ưu tiên và miễn, giảm, còn lồng ghép nhiều chính sách xã hội làm giảm tính trung lập của thuế.
Cùng với đó là cơ cấu nguồn thu chưa vững chắc, chưa đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế trong tình hình mới. Qua giám sát thực tế cho thấy, tình trạng trốn lậu thuế, thất thu ngân sách nhà nước vẫn diễn ra khá phổ biến, ở các mức độ khác nhau, công tác quản lý thu thuế tuy có nhiều tiến bộ, song vẫn còn bất cập.
Gánh nặng ngân sách đang tăng
Về thực hiện dự toán chi ngân sách nhà nước, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhìn nhận, mặc dù nghị quyết 11 của Chính phủ tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu công, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên, nhưng tổng số chi ngân sách vẫn vượt dự toán 9,7%. Đây là mức tăng khá lớn. Nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính cho rằng, mức tăng chi trên chưa thể hiện vai trò tích cực của chính sách tài khóa trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Chi đầu tư phát triển vẫn vượt dự toán và tăng 15,1% (23.000 tỷ đồng) là mức tăng khá cao, nếu đặt trong bối cảnh đang thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, giảm đầu tư công thì việc tăng chi nói trên là chưa hợp lý. Với thực tế đó, Ủy ban đã đề nghị Chính phủ giải trình rõ về nguyên nhân nguồn tăng chi, thẩm quyền quyết định tăng chi đầu tư phát triển vượt so với dự toán.
Ngoài ra, quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban cũng nhận thấy, việc rà soát, cắt giảm, đình hoãn các dự án khởi công mới chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa khắc phục được tình trạng phân bổ dàn trải.
Số liệu cho thấy: đến ngày 22/9/2011, tổng vốn ngân sách nhà nước năm 2011 đã phân bổ 123.029,1 tỷ đồng cho 20.529 dự án, trong đó bố trí 22.176,6 tỷ đồng cho 5.474 dự án khởi công mới (trung bình 4,05 tỷ đồng/dự án) và 100.825,5 tỷ đồng cho 15.055 dự án chuyển tiếp (trung bình 6,7 tỷ đồng/dự án).
Các công trình trọng điểm, dự án chuyển tiếp chưa thực sự được ưu tiên bố trí vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, trong khi nhiều dự án mới chưa thật sự cấp bách vẫn được khởi công, thể hiện chưa thực hiện nghiêm Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Các dự án cắt giảm chủ yếu là các dự án chuẩn bị đầu tư hoặc mới khởi công; các dự án chưa thực sự cấp bách, hoặc hiệu quả kinh tế thấp chưa được cắt giảm nhiều.
Đối với chi thường xuyên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ rõ, cơ cấu chi thường xuyên chưa thay đổi tích cực, vẫn tồn tại, bất cập, nhất là chi cho con người, chưa thực hiện tốt nguyên tắc phân phối theo lao động, theo năng suất, hiệu quả, công lao đóng góp; chưa khuyến khích và thu hút được người có tài; tiền lương cơ bản thấp, mang tính bình quân đã làm cho chế độ tiền lương mất dần động lực....
Khái quát chung về chính sách chi ngân sách nhà nước năm 2011, Ủy ban đúc kết: chưa thay đổi tích cực về cơ cấu, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ cho tái cơ cấu nền kinh tế; tình trạng bình quân, dàn trải, chia cắt và thiếu tập trung vẫn chưa được cải thiện; công tác xã hội hóa còn hạn chế, gánh nặng ngân sách ngày một gia tăng.
Mặt khác, việc thực hiện chính sách chi chưa chặt chẽ, chi ngân sách tăng khá cao so với dự toán chưa góp phần vào mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thực trạng trên là do hiệu lực quản lý, điều hành chưa nghiêm, kỷ luật tài chính còn lỏng lẻo và thiếu đồng bộ.
Dự kiến vấn đề thu chi ngân sách năm 2011 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 sẽ được các đại biểu tiếp tục thảo luận, tại tổ vào ngày 24/10 và thảo luận tại hội trường vào ngày 28/10 tới.
Bảo Anh
TBKTVN



Xem bài viết: Ngân sách nhà nước: Thu lỏng lẻo, chi “xông xênh”