TS Lê Xuân Nghĩa: Dự trữ ngoại tệ vượt mức dự đoán lên 7,5 tuần nhập khẩu
“Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã tăng từ 3,5 tuần nhập khẩu (thời điểm đầu năm 2011) lên 7,5 tuần nhập khẩu hiện nay, vượt trên mức chúng tôi dự đoán”, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho biết vào chiều 20-10.
Tuy dự trữ ngọai tệ của Việt Nam đã tăng đáng kể, nhưng con số này chưa đạt đến ngưỡng “lạc quan”, vì theo thông lệ chung dự trữ ngoại tệ của một quốc gia phải đạt 12 - 13 tuần nhập khẩu mới được xem là an toàn.
Trước thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán ra một lượng ngoại tệ tương đối lớn trong hai tuần qua để giảm nhiệt tỷ giá, nhiều chuyên gia tài chính lo ngại điều này có thể gây áp lực đối với dự trữ ngoại hối và khả năng thực hiện cam kết không để tỷ giá ngọai tệ biến động quá 1%, trong giai đọan từ nay đến cuối năm, của Thống đốc NHNN. Nhưng Ông Nghĩa nói: "Chính phủ có đủ căn cứ để giữ tỷ giá đúng như cam kết”.
“Cán cân thanh toán dự kiến thặng dư 4-5 tỉ đô la Mỹ. Đây là năm đầu tiên Việt Nam thặng dư cán cân thanh toán tính từ năm 2007. Đó là cơ sở rất quan trọng để tỷ giá không vượt quá cam kết”, ông Nghĩa nói, “Vì chúng ta đang chống lạm phát ở giai đoạn quyết liệt nên không thể để tỷ giá bùng lên như các năm trước. Các doanh nghiệp có thể yên tâm, điều chỉnh một vài phần trăm đối với tỷ giá không được coi là cú sốc”.
Một lý do chính khiến sức ép lên tỷ giá gia tăng những ngày qua, là do chênh lệch tiền gửi và cho vay ngoại tệ, ước tính khoảng 7 tỉ đô la Mỹ tính đến cuối tháng 9. Vì thế các doanh nghiệp phải tìm mua đô la để trả nợ ngân hàng. Cầu đô la Mỹ tăng mạnh, song NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ ra can thiệp khi cần thiết. “Thậm chí, nếu cần NHNN sẽ chỉ giữ lại phần ròng của cán cân thanh toán để giữ thị trường ngoại hối”, ông cho biết.
Một chỗ dựa khác cho tỷ giá, theo ông Nghĩa, là tổng thu ngoại tệ trừ đi tổng chi ngoại tệ của Việt Nam đang dương. Việt Nam đã giảm rất mạnh thâm hụt thương mại, kiều hối cũng lạc quan. Cán cân vốn đang thặng dư khoảng 9 tỉ đô la Mỹ.
Ông Nghĩa cho rằng tính toán tỷ giá là phép tính không khó, song vẫn còn những yếu tố khác đang tác động vào tỷ giá, bởi ngoài Mỹ thì Việt Nam còn đang giao thương với 19 nước khác nhau. Và quan trọng hơn, tỷ giá còn tùy thuộc vào sự biến động lãi suất của Việt Nam. Nếu lãi suất giảm thì tỷ giá diễn biến ngược lại.
Hồng Phúc
TBKTSG Online



Xem bài viết: TS Lê Xuân Nghĩa: Dự trữ ngoại tệ vượt mức dự đoán lên 7,5 tuần nhập khẩu