Thị trường bất động sản ở Đồng Nai: Ai bán, ai mua? Anh H., một cò đất khá quen thuộc ở Biên Hòa, than: "Mấy tháng đầu năm nay ế ẩm quá. Trước đây, bình quân hàng tuần tôi làm cò mua bán được 3 - 4 lô đất và nhà ở. Nhưng nhiều tháng qua, may ra chỉ giới thiệu được 1 lô đất/tháng! Thị trường mua bán nhà đất rất ảm đạm. Sang tới đầu tháng 5, tôi thấy có dấu hiệu người hỏi mua nhích lên một chút". * Dự án lớn kéo giãn tiến độ

Tình hình chung cả nước cho thấy, do bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nên thị trường bất động sản (BĐS) dường như bị đóng băng, nhất là đối với các dự án lớn. Ở Đồng Nai hầu hết các dự án khu dân cư đô thị, khu khách sạn văn phòng cao tầng hay khu nhà biệt thự liên kế lớn hoặc vừa đều gần như "án binh bất động" để chờ thời. Quả thật, đầu tư ngang vào lúc thị trường đang trong buổi "xế chiều", vắng bóng khách hàng là điều không nhà đầu tư nào dám mạo hiểm. Như ở TP.Hồ Chí Minh, thị trường BĐS luôn tỏ ra hấp dẫn nhà đầu tư và nhà đầu cơ nhưng trong một thời gian khá dài vừa qua cũng đành im hơi lặng tiếng. Nhiều dự án căn hộ cao cấp đã phải giảm giá bán để lôi kéo khách mua nhưng cũng không đáng kể.

Dự án liên doanh Berjaya - D2D xây dựng khu phức hợp trên đường Võ Thị Sáu phải kéo giãn tiến độ triển khai.

Ông Nguyễn Xuân Đình, Tổng giám đốc Công ty CP D2D, cho biết kinh doanh BĐS đang chựng lại, do vậy không thể triển khai dự án như dự kiến hoặc làm đồng loạt mà chỉ làm theo dạng cuốn chiếu với vị trí đắc địa nhất. Như dự án liên doanh của Công ty D2D với Berjaya (Malaysia) xây dựng khu phức hợp, bao gồm: khách sạn 5 sao, văn phòng cho thuê và nhà cao tầng trên đường Võ Thị Sáu - Biên Hòa (vốn điều lệ 20 triệu USD và vốn đầu tư 100 triệu USD) đã động thổ từ tháng 9-2008, nhưng phải kéo giãn tiến độ thực hiện so với kế hoạch đề ra. Dự kiến quý III năm nay, liên doanh sẽ khởi công xây dựng trước 2 khối nhà 17 tầng và 20 tầng.

Do bị tác động bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Đồng Nai trong 4 tháng đầu năm nay rất thấp, khoảng 54 triệu USD (kể cả dự án mới và dự án điều chỉnh tăng vốn), đạt xấp xỉ 3% kế hoạch năm và bằng 23,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đánh giá của Chi cục Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính) thì: "Nhóm các doanh nghiệp BĐS công nghiệp và dân dụng gặp nhiều khó khăn. Nhà đầu tư nước ngoài vào Đồng Nai giảm đã làm lượng khách thuê đất tại khu công nghiệp giảm, dẫn đến khả năng một số khách hàng hiện đang đầu tư tại KCN Long Thành không thể tiếp tục triển khai thực hiện dự án".


Không chỉ với dự án lớn, Công ty CP kinh doanh nhà chỉ làm các dự án quy mô nhỏ, trên dưới 10 hécta nằm trên địa bàn TP.Biên Hòa cũng đang thận trọng trong việc đầu tư xây dựng. Anh Hiệp, Phó giám đốc công ty, nói: "Cũng phải cân nhắc và giãn tiến độ để chờ thị trường "nóng" lên".

Bên kia cầu Hóa An, dự án khu nhà ở của Công ty CP đầu tư phát triển nhà đô thị (UDICO), nằm gần Công ty Pouchen, đã khởi công mấy năm nay nhưng cũng chỉ xây được 2 chung cư nhà ở nằm ngay mặt tiền, còn lại nhiều lô đất cho xây nhà liên kế nằm phía sau vẫn còn... trống trơn. Một cán bộ xí nghiệp xây dựng thuộc UDICO cho biết, nhiều tháng qua hiếm có người đến hỏi mua. Một đơn vị kinh doanh BĐS lớn khác ở Đồng Nai là Sonadezi thì trong quý I-2009 chỉ ký được 7 hợp đồng bán căn hộ chung cư C4, trị giá khoảng 1.200 triệu đồng, so với cùng kỳ năm 2008 là 24 hợp đồng với trị giá 17.837 triệu đồng... Đó là tình hình chung của hàng trăm dự án đầu tư kinh doanh BĐS trên địa bàn Đồng Nai.

Đứng trước tình hình kinh doanh BĐS còn khó khăn nhiều, công ty đã dự kiến cổ tức năm nay sẽ thấp hơn năm trước. Năm 2009, dự kiến cổ tức của Công ty D2D là 20%, giảm 5% so với năm 2008. Công ty CP kinh doanh nhà dự kiến cổ tức là 20%, giảm 2% so với năm 2008...

* Nhà đất giá thấp vẫn có người mua

Khác với nhận định của các công ty trên, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Tín Nghĩa tỏ ra lạc quan về tình hình kinh doanh trong những tháng đầu năm 2009. Bà Hương cho biết, thị trường BĐS có sự phân khúc rõ rệt, nhiều người có nhu cầu về sản phẩm nhà đất với giá dao động chỉ vài trăm triệu đồng. Cụ thể, vào giữa tháng 1-2009, sàn đã chào bán dự án Khu dân cư Thạnh Phú, thuộc huyện Vĩnh Cửu. Trái với dự đoán của nhiều người, không khí giao dịch diễn ra tấp nập tại Sàn giao dịch BĐS Tín Nghĩa cho đến ngày cận tết âm lịch. Đây là sản phẩm dành cho đối tượng có thu nhập ở mức trung bình và thấp với giá trị một nền đất chỉ vào khoảng 110-185 triệu đồng/nền đất (90m2), được thanh toán làm nhiều giai đoạn. Tháng 3-2009, sàn tiếp tục chào bán dự án Khu dân cư Tín Nghĩa ở phường Tân Biên - Biên Hòa với mức giá từ 4,5 - 5,3 triệu đồng/m2. Ngay trong tuần chào bán đầu tiên, toàn bộ các căn nhà phố liên kế 1 trệt 1 lầu đã được khách hàng đặt mua.

Một khu dân cư do Công ty Tín Nghĩa đầu tư

Trong 4 tháng đầu năm nay, Sàn giao dịch BĐS Tín Nghĩa đã phục vụ gần 1.000 lượt khách hàng đến giao dịch. Ngoài sản phẩm dự án, nhu cầu ký gởi mua bán sản phẩm nhà đất nhỏ lẻ cũng gia tăng nhanh chóng, trong đó hơn 1/3 số khách hàng có nhu cầu tìm mua sản phẩm nhà, đất. Theo bà Hương, thị trường BĐS Đồng Nai trong ngắn hạn sẽ vẫn là những sản phẩm có giá trị thấp, phù hợp với khả năng thanh toán của nhiều người. Và để thị trường BĐS ở Đồng Nai "ấm" lên, cần có một cơ chế hành chính thông thoáng hơn, linh động hơn tạo điều kiện thuận lợi cho cả người mua và người bán; nên có các cuộc đối thoại thường xuyên hơn với các doanh nghiệp kinh doanh BĐS và dịch vụ BĐS để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc; đồng thời xây dựng một chiến lược phát triển chung cho toàn thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS cần có sự bắt tay, phối hợp với nhau tốt hơn nhằm tạo sự cộng hưởng và sự phát triển bền vững cho thị trường BĐS Đồng Nai mới đủ sức hấp dẫn các khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Đình nhận định, thị trường BĐS tùy thuộc vào nền kinh tế thế giới và trong nước phục hồi. Có lẽ phải đến quý IV-2010 thị trường BĐS mới ấm lên. Trong thời gian này, các nhà đầu tư phải gồng mình lên chịu đựng.



Người dân chưa dám mạnh tay mua đất xây nhà

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai cho thấy, đến hết quý I năm 2009, lượng vốn giải ngân từ các ngân hàng thương mại trong tỉnh về cho vay mua nhà, xây nhà, mua BĐS... bằng các hình thức thế chấp lẫn tín chấp đều đạt thấp. Đến hết tháng 3-2009, chỉ cho vay được khoảng hơn 600 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ cho vay phục vụ các nhu cầu đời sống. Nhiều ngân hàng cho hay, do thị trường BĐS đóng băng suốt thời gian dài vừa qua nên lượng khách đến vay tiền đầu tư cho lĩnh vực này đã giảm mạnh. Ông Trần Văn Nhân, Phó giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (ViettinBank) chi nhánh Đồng Nai, nhận định: "Có lẽ ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến nhiều người dân ngần ngại khi quyết định vay tiền mua đất, mua nhà dù có nhu cầu ở thực sự. Thời gian gần đây, tình hình cho vay ở nội dung này rất trầm lắng. Nếu so với quý I năm ngoái, lượng giao dịch trong quý I năm nay giảm đến 50%". Ông Trương Cường, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và vật liệu Đồng Nai - đơn vị có một số dự án BĐS trong tỉnh, cũng cho biết: "Từ đầu quý I đến nay, công ty chỉ có 2 giao dịch cho dự án khu dân cư ở Hóa An (Biên Hòa), rất thấp nếu đem so với cùng kỳ. Tuy vậy, chúng tôi vẫn tin tưởng, thời điểm này khá thích hợp để tích lũy và chuẩn bị đầu tư cho các dự án mới để kinh doanh khi kinh tế phục hồi".

Trong khi đó, khảo sát tại nhiều cửa hàng vật liệu xây dựng cho thấy, giá các loại vật liệu dù đang khá rẻ, lại đang giữa "mùa xây dựng" nhưng lượng khách đến mua vật liệu xây dựng làm nhà vẫn rất ít.

Gia Hân



Theo Báo Đồng Nai