Doanh nghiệp đã sử dụng vốn của cổ đông như thế nào?
(Vietstock) – “Đồng tiền đi liền khúc ruột” - Các nhà đầu tư khi rót vốn vào doanh nghiệp phát hành thêm cần xem xét kỹ lưỡng hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp mình đầu tư vào. Liệu rằng việc phát hành thành công và hoàn tất quá trình giải ngân đã được xem là sử dụng vốn có hiệu quả hay chưa?

Những gương mặt phát hành “khủng” 9 tháng đầu năm
Theo thống kê của Vietstock, tính đến hết tháng 9, CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (HOSE: IJC) là doanh nghiệp đang dẫn đầu số lượng cổ phiếu phát hành thêm trên toàn thị trường. Với 219,355,620 cp niêm yết bổ sung nâng khối lượng cổ phiếu lưu hành hiện tại của công ty lên 274,194,525 đơn vị. Nhờ vậy, vốn điều lệ của IJC gấp 5 lần so với cuối năm 2010, từ 548 tỷ đồng lên 2,742 tỷ đồng. Đây cũng là một trong số những công ty huy động vốn thành công và có tiến độ sử dụng vốn công bố theo như nội dung trong bảng cáo bạch. Toàn bộ số tiền thu được là 2,193.55 tỷ đồng đã được công ty thanh toán tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho dự án Khu đô thị IJC trong năm 2011.
Được biết, dự án khu đô thị IJC tọa lạc tại khu đô thị mới thuộc khu liên hợp công nghiệp dịch vụ đô thị Bình Dương với tổng diện tích 266,638 m2. Theo IJC, sở dĩ công ty không tận dụng nguồn vốn vay hoặc vốn trái phiếu cho dự án này là để đảm bảo chỉ tiêu an toàn vốn và để tránh rủi ro về chi trả lãi vay ngân hàng. Hiện công ty cho biết sẽ không tiếp tục tăng vốn trong năm 2011.
Top 10 DN có KLCP phát hành thêm nhiều nhất 9 tháng đầu năm 2011
Đơn vị tính: cp

Note: Phần cổ phiếu tăng thêm của ASM là 29,823,602 đơn vị, bao gồm 19,911,002 cp phát hành thành công cho cổ đông, phần còn lại là cổ phiếu thưởng.
CTCP Kinh doanh Khí hóa lỏng Miền Nam (HNX: PGS) cũng có thể được xem là phát hành thành công khi toàn bộ 22,124,400 cổ phiếu đã được phân phối, chiếm 100% tổng số cổ phiếu được phép phát hành. Tổng thu ròng từ đợt chào bán là 265.02 tỷ đồng, vượt dự kiến ban đầu. Ngay khi có thêm vốn, ban lãnh đạo PGS đã đầu tư vào các dự án như kho LPG Dung Quất và Gò Dầu gần 90 tỷ đồng; cùng rót 60 tỷ đồng cho dự án trạm chiết nạp khí CNG và Dự án cung cấp CNG cho phương tiện giao thông vận tải, bổ sung vốn lưu động 26 tỷ đồng…
Đại diện của PGS cho Vietstock biết, việc huy động vốn thành công như trên là do công ty đưa ra được lý do tăng vốn hợp lý, đúng mục đích. Ngoài ra, cổ đông đánh giá cao việc đầu tư vào các dự án của công ty, đặc biệt là đầu tư cho dự án CNG sẽ mang lại hiệu quả cao. PGS cũng đang có kế hoạch tăng vốn thêm do nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án thời gian tới khá lớn. Hiện công ty đang dùng vốn vay của Tập đoàn và Tổng công ty.
Một số công ty cũng phát hành thành công với tỷ lệ 100% có thể kể đến TDC, PVV, DBC, thậm chí ASMDCS còn vượt cả dự kiến ban đầu.
Trái ngược với các công ty trên, có những đơn vị đã không phát hành hết sổ cổ phiếu như dự kiến. Đơn cử như CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (HOSE: PXS), công ty mới phát hành được hơn 17.5 triệu cp trong tổng số 30 triệu cp theo kế hoạch, tương ứng với tỷ lệ thành công là 58%. Toàn bộ10 triệu cp phát hành cho nhà đầu tư chiến lược là Mc Dermott Asia Pacific, Ltd (MDR), do thời gian phát hành gấp rút nên bên đối tác đã xin gia hạn thêm thời gian. Tuy nhiên, phía PXS khẳng định là MDR sẽ sớm trở thành cổ đông chiến lược cũng như là một đối tác quan trọng của công ty.
Trao đổi với Vietstock về tiến độ giải ngân các dự án này, ông Nguyễn Đức Đạt, Kế toán trưởng, kiêm người công bố thông tin PXS cho biết, với dự án ống thép, công ty đã giải ngân xong 82.5 tỷ đồng. Dự án còn lại công ty đã giải ngân được 80%. Đến nay, vốn phát hành đủ để đầu tư các dự án ban đầu. Ông Đạt cho biết thêm, hiện PXS chưa có dự định tăng vốn do chưa thấy có dự án nào khả thi. Công ty chỉ tăng khi nghiên cứu kỹ các dự án để đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả.
Với tỷ lệ thành công là 77%, CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVR) đã phát hành 23,100,913 cổ phiếu trong số 30 triệu đơn vị đăng ký. Tính đến ngày 30/06/2011, công ty đã giải ngân 12.76 tỷ đồng so với 100 tỷ đồng theo kế hoạch cho dự án Khu du lịch Cao cấp Tản Viên (giai đoạn 1), đã giải ngân 34.6 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư 91.5 tỷ đồng cho dự án Duminium – Vĩnh Hưng… Ngược lại, PVR đã rót vào dự án Tổ hợp căn hộ và dịch vụ công cộng CT15 – Việt Hưng vượt 6.7 tỷ đồng so với con số 50 tỷ đồng theo phương án phát hành cho dự án này.
Trong khi đó, mặc dù đã đưa gần 99 triệu cp phát hành thêm giao dịch trên HNX vào tháng 3 vừa qua, đạt tỷ lệ 99.6% lượng cổ phiếu dự kiến phát hành nhưng cho đến nay, vẫn chưa thấy PVS công bố tình hình giải ngân số vốn tăng thêm này. Trường hợp tương tự cũng xảy với PVV khi doanh nghiệp này đã chào bán thành công 25 triệu cp hồi tháng 3, nhưng cho đến nay, đã nửa năm trôi qua những vẫn chưa thấy doanh nghiệp này hé lộ thông tin tình hình giải ngân…
Hiệu quả sử dụng vốn và những yếu tố cần xét đến
Trong bối cảnh chi phí vốn huy động từ ngân hàng quá cao, các doanh nghiệp thường lựa chọn phương pháp huy động vốn thông qua phát hành cổ phần. Để phát hành thành công, dự án phải mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá chào bán hợp lý và minh bạch về thông tin. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác sự thành công của việc phát hành tăng vốn cần được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh. Phát hành bao nhiêu bán hết bấy nhiêu và giải ngân vốn đúng mục đích chỉ là một trong số nhiều nhân tố cần xem xét.
Trên báo Đầu tư chứng khoán, độc giả Nguyễn Quang Thành đặt ra những câu hỏi xung quanh việc phát hành vừa qua của IJC. Cụ thể nhà đầu tư cho biết, theo thuyết minh của IJC thì mục đích của việc tăng vốn là đầu tư vào dự án Khu đô thị IJC - Thành phố mới Bình Dương. Công ty sẽ nhận chuyển nhượng 266.638 m2 đất với mức giá 15 triệu đồng/m2, tổng chi phí là xấp xỉ 4.400 tỷ đồng. Số tiền này được chuyển dần qua 4 năm, từ năm 2011 đến 2014.
Theo tham khảo giá của nhà đầu tư này, mức giá dự án ở Bình Dương chỉ rơi vào khoảng xấp xỉ 4 triệu đồng/m2. Như vậy, IJC đã mua đất đắt gấp 3,75 lần so với giá thị trường. Với mỗi m2 đất bị đắt 11 triệu đồng, tổng thiệt hại của IJC trên tổng số 266.638 m2 đất nhận chuyển nhượng lên tới hơn 2.933 tỷ đồng, tương đương hơn 100% vốn điều lệ của công ty.
Ngoài ra, theo bản cáo bạch chào bán cổ phiếu ra công chúng, kế hoạch lợi nhuận năm 2011 của IJC là 401 tỷ đồng. IJC cũng dự kiến sẽ bán nhà phố thương mại với giá 7,6 tỷ đồng/căn, phố ở 7,2 tỷ đồng/căn, biệt thự song lập 14,3 tỷ đồng/căn, giá đất trung tâm thương mại 36,2 triệu đồng/m2, giá đất xây dựng 7,3 triệu đồng/m2…; dự kiến thu lãi dự án năm 2011 gần 1.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, vừa qua, IJC đã công bố phương án điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh năm 2011, trong đó, giảm lợi nhuận sau thuế kế hoạch từ 519 tỷ đồng về 310 tỷ đồng
Nhà đầu tư trên nhận định, với việc sở hữu 75% vốn điều lệ của IJC, Becamex IDC Corp vừa là công ty me, đồng thời, là đối tác với IJC nên rất khó để cổ đông bên ngoài biết được chính xác có hay không việc mâu thuẫn lợi ích giữa cổ đông nhỏ lẻ và Becamex IDC.
Một nhân tố không kém phần quan trọng cần chú ý là sự tương quan trong tăng trưởng vốn chủ sở hữu và vốn đầu tư của chủ sở hữu (vốn điều lệ) sau mỗi đợt phát hành. Điều này cho biết liệu doanh nghiệp có sử dụng “chiêu” điều chuyển vốn trong bảng cân đối kế toán không. Không ít doanh nghiệp đã sử dụng cách thức điều chuyển vốn từ quỹ đầu tư phát triển qua vốn điều lệ. Nếu vốn điều lệ tăng mạnh nhưng vốn chủ sở hữu không đổi hoặc tăng nhẹ thì có thể đây chỉ là cách thức điều chuyển khoản mục trong bảng cân đối kế toán. Để gọi là phát hành thành công thì doanh nghiệp phải thu được tiền từ bên ngoài.
Mối tương quan trong tăng trưởng vốn CSH và VĐL
Đơn vị tính: Triệu đồng

Ngoài ra, muốn đánh giá hiệu quả đầu tư, cần xem xét tiến độ đầu tư và sự trượt giá trong hoạt động đầu tư. Thông thường, trượt giá của vốn đầu tư ban đầu ở mức 15-20% là có thể chấp nhận được. Nếu lớn hơn con số này cho thấy việc lập kế hoạch dự phòng cho các dự án của ban lãnh đạo doanh nghiệp thiếu hiệu quả, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đồng vốn mà cổ đông rót vào. Thêm vào đó, các yếu tố trên vẫn chưa đủ mà còn phải đợi đến khi dự án đi vào hoạt động và đem lại lợi nhuận cho công ty.
Cuối cùng, một phương án phát hành cổ phiếu mới bị coi là thất bại khi cổ đông không tin vào tiềm năng của các dự án và triển vọng giá cổ phiếu hoặc do họ chọn phương cách gửi ngân hàng để có lợi hơn. Thông thường, nếu tỷ lệ phát hành thấp hơn 70% thì coi như không thành công.
Trong thời gian qua, một số tổ chức đã phải tuyên bố hủy phát hành thêm với cùng lý do được công bố là thị trường chứng khoán không thuận lợi. Đơn cử như APS hủy phương án phát hành 39 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ lên 780 tỷ đồng, VPH hủy phát hành hơn 15 triệu cp cho cổ đông hiện hữu và CBCNV. Ngoài ra, DIC đã phải xin ngừng phát hành riêng lẻ 3 triệu cổ phiếu vào ngày 10/05 vừa qua do giá thương lượng không đạt kỳ vọng. Tương tự, BCI cũng phải hủy phát hành 3 triệu cổ phiếu cho CBCNV vào giữa tháng 4 vừa qua do không ai đăng ký mua.
Đầu năm 2011, giới đầu tư xôn xao thông tin WSS cũng chỉ bán được 13.7 triệu cổ phiếu trong tổng số 54.9 triệu cổ phiếu dự kiến chào bán cho cổ đông hiện hữu, chiếm tỷ lệ 19.5%.
Câu chuyện tăng vốn của doanh nghiệp khá gian nan trong bối cảnh thị trường bất lợi.
Bội Mẫn



Xem bài viết: Doanh nghiệp đã sử dụng vốn của cổ đông như thế nào?