Doanh nghiệp và ngân hàng tự 'cắn vào đuôi mình'
Việc duy trì lãi suất cao chót vót, dù là với lý do chống lạm phát cao, cũng vẫn như liều độc dược, hoặc lý do nói là buộc phải "lấy độc trị độc", nhất thời nhằm đối phó với tình hình khó khăn hiện tại thì cũng đang dẫn đến nhiều hệ lụy.

Chuyện kể rằng trong thế giới động vật, một số loài gặp lúc môi trường kiếm ăn rơi vào cảnh khó khăn, khắc nghiệt, khan hiếm thức ăn thì chúng phải tự cắn cái đuôi của mình. Chúng quên mất là đang ăn cả đuôi mình, bất chấp kết cục ra sao!
Trong thế giới của các loài vi khuẩn và vi trùng cũng có hiện tượng "ăn vào vật chủ" cho đến khi các quần thể vi khuẩn, vi trùng phát triển cực điểm, cực thịnh, giết chết cả "vật chủ", tức môi trường sống mà chúng đang ký sinh hay cộng sinh vào, thì kế đến là sự hủy diệt tất yếu toàn thể một khi vật chủ chết đi, toàn bộ quần thể vi khuẩn hay vi trùng cũng phải chết theo.
Việc duy trì lãi suất cao chót vót, dù là với lý do chống lạm phát cao, cũng vẫn như liều độc dược, hoặc lý do nói là buộc phải "lấy độc trị độc", nhất thời nhằm đối phó với tình hình khó khăn hiện tại thì cũng đang dẫn đến nhiều hệ lụy.
Hệ lụy dễ thấy nhất là các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang phải co cụm, thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, cắt giảm nhân sự, cắt giảm mọi hoạt động có giá trị gia tăng nhưng chưa có lợi ích thiết thực trước mắt, chỉ nhằm tiết kiệm nguồn lực để tồn tại.
Con số 49.000 doanh nghiệp đã và đang thua lỗ, phá sản hay khoảng 10% trong tổng số 600.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, và/hoặc còn rất nhiều doanh nghiệp khác đang gặp tình cảnh khó khăn nhưng phải "cắn răng" chịu đựng, mà hệ lụy sẽ là sự mất sức hay suy kiệt năng lực cạnh tranh trong năm sau 2012 và những năm sau nữa, chắc sẽ còn phải được bàn luận và nói nhiều về nguyên nhân - hệ quả trong các câu chuyện làm ăn kinh doanh.
Tới nay, các ngân hàng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, từ Ngân hàng Nhà nước, thương mại cổ phần nhưng nhà nước giữ cổ phần chi phối cho tới ngân hàng tư nhân trực thuộc các tổng công ty, các doanh nghiệp lớn, đang phải đau đầu trước tình trạng "dòng tiền" hay nguồn vốn huy động đã tới lúc rời đi khỏi hệ thống ngân hàng, và rồi có xu hướng tới lúc cạn kiệt dần.
Tại sao vậy? Dòng tiền vốn đang chạy đi đâu?
Nếu tổng số tiền được Nhà nước phát hành là một con số cố định và đã có lúc chúng ta thấy có rất nhiều tiền cả tiền mặt lẫn tiền trong tài khoản và tiền nằm trong hàng hóa, dịch vụ, bất động sản, cổ phiếu, tiền bảo lãnh, tiền ký quỹ, tiền tạm ứng, tiền có - tiền nợ,..v.v.. vậy bây giờ "tiền" đang nằm ở đâu?
Dòng tiền đang đổ vào đầu tư ở đâu? Vàng hay USD? Bất động sản, cổ phiếu? Hay nằm trong két sắt của đại gia hay ngân hàng nào?
Đáng buồn là "trò chơi" của các nhà đầu tư tài chính đang khiến "dòng tiền" rút khỏi hệ thống "sản xuất kinh doanh" khiến cho nền kinh tế sẽ nhận lãnh hậu quả trong những năm tới.
Tin tức về các ngành nghề như nhiều công ty sản xuất sắt thép, xi măng, xây dựng, cơ khí chế tạo, ngành nhựa ... bị đình trệ, ngưng trệ khiến cho mức tiêu thụ điện năng năm nay giảm, không còn căng thẳng, không bị cúp điện như những năm trước khiến chúng ta không biết nên buồn hay vui!
Các chủ ngân hàng tới nay mới cảm thấy lo lắng thực sự và nhóm họp kêu gọi "đồng thuận" hạ lãi suất ngân hàng.
Điều đáng nói là quyền lực quyết định đang nằm trong tay Ngân hàng Nhà nước, nhưng hệ thống ra quyết định và tốc độ triển khai quyết định từ cơ quan đầu não này tới các ngân hàng trực thuộc - gồm các ngân hàng nhà nước và thương mại cổ phần - lại có quá nhiều độ trễ.
Độ trễ này được hiểu là sự tranh đấu, giằng co giữa nền quản lý và vận hành theo quy luật kinh tế thị trường trong sự tương tác với nền quản trị tập trung chỉ huy.
Ví dụ: Khi nói "Ngân hàng Nhà nước ban hành chính sách, thông tư số ... áp dụng kể từ ngày ..." là một quyết định có tính chỉ huy, định hướng cho thị trường. Còn khi nói "giám đốc ngân hàng A kiến nghị... Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách riêng biệt cho các ngân hàng nhỏ, tránh tình trạng lãi suất liên ngân hàng quá cách biệt với lãi suất huy động trên thị trường dân cư như hiện nay.. ." là tương tác với thực tế tình hình thị trường.
Tuy nhiên, nếu Ngân hàng Nhà nước - với quyền lực siêu hạng của mình - lại ra quyết định theo một "kiến nghị" của riêng một ngân hàng hay một nhóm ngân hàng hoặc toàn thể hệ thống ngân hàng thì sẽ đụng chạm tới quyền lợi của các doanh nghiệp và các cộng đồng dân cư khác.
Vấn đề nữa là ai sẽ bảo vệ quyền lợi của người dân nói chung, nếu các ngân hàng hay toàn thể hệ thống ngân hàng "đồng thuận" nâng hay hạ lãi suất và gây thiệt hại cho lợi ích chung của cộng đồng?
Chẳng hạn, điều gì sẽ xảy ra nếu lãi suất huy động được "đồng thuận" hạ thấp và lãi suất cho vay vẫn được "đồng thuận" giữ ở mức cao (1) Khi đó, làm sao bảo vệ được lợi ích của người dân gửi tiết kiệm và doanh nghiệp đi vay tiền sản xuất kinh doanh như hiện nay?
Vấn đề đã trở nên cấp bách hơn khi các ngân hàng hiện cũng rơi vào cảnh lúng túng, tới lượt mình cũng phải trả giá cho chính sách giữ lãi suất ở mức cao, khi doanh nghiệp nào thua lỗ ngưng hoạt động thì đành chịu. Còn doanh nghiệp nào đỡ khổ hơn thì án binh bất động, kiềm tiền trả lãi vay, trả cả vốn, và không vay lại nữa khiến ngân hàng mất nguồn thu nhập này.
Về phía người có tiền gửi tiết kiệm thì cũng trở nên phòng thủ bằng cách mua vàng, mua USD cất, khiến giá vàng và giá USD cũng biến động theo, trong khi một số ngân hàng đang mất dần thanh khoản!
Nợ xấu của ngân hàng tăng thêm nhiều, khi một số ngân hàng lớn bắt đầu thú nhận tỉ lệ nợ xấu đang tăng lên cao, vì đây là thông tin nhạy cảm, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu ngân hàng.
Có lẽ, sau khi các doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng với lãi suất rất cao, sau một thời gian kéo dài từ năm 2008 đến nay, đã hoàn toàn kiệt sức. Số thì tạm dừng hoặc ngưng hoạt động, số khác án binh chờ thời, trả hết vốn gốc lẫn lãi cho ngân hàng, cắt giảm hoạt động, ăn cả vào vốn liếng tích lũy nhiều năm trước đây, tức đang cắn vào chính cái đuôi của mình.
Điều này làm chúng ta liên tưởng đến giờ phút các ngân hàng cũng sẽ liên đới chịu chung số phận với các khách hàng doanh nghiệp của mình, dù có độ trễ đến sau, nếu các cải cách thay đổi không đưa ra kịp thời.
Cuộc đấu trí cân não trên thương trường có thể dẫn đến người thắng, kẻ bại nhưng chúng ta luôn phải nhớ rằng có những "thế trận" mà không có người thắng, hoặc tất cả đều có thể thua. Nói cách khác, khi "vật chủ" mà chết thì tất cả các quần thể ký sinh hoặc cộng sinh đều phải chết cùng... Do vậy, khó khăn luôn là chiến lược "win-win" để cùng thắng.
Để làm được điều này, các nhà điều hành chính sách vĩ mô như Ngân hàng Nhà nước nên có các quyết sách giúp nền kinh tế thực sự thông thoáng, tránh đưa ra các quyết định hành chính mà độ trễ kéo dài, hiệu quả khó lường; khi gặp phản hồi không thuận lợi từ thị trường thì có một quyết sách khác ngược hẳn quyết sách ban đầu, gây bối rối cho người dân và doanh nghiệp.
Quyết tâm thực thi một nền kinh tế thị trường triệt để và toàn diện mới tránh được vòng lẩn quẩn dẫn đến việc doanh nghiệp ăn vào vốn hay tự cắn cái đuôi mình.
Cảnh Thái
Diễn đàn kinh tế Việt Nam



Xem bài viết: Doanh nghiệp và ngân hàng tự 'cắn vào đuôi mình'